Khơi thông luồng vốn tín dụng, tạo đà phục hồi tăng trưởng

Thứ Sáu, 28/02/2014, 21:25
Chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 28/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đưa nhanh vốn tín dụng vào nền kinh tế, khơi thông luồng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng…

Đề cập các nhiệm vụ cụ thể, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc khai thông, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm dịch; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới, hạn chế tối đa tình trạng thâm nhập, lây lan dịch bệnh qua biên giới, đặc biệt ở biên giới phía Bắc.

Liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp tốt trong thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời kiến nghị Chính phủ dành một khoản tín dụng hỗ trợ chương trình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp mới phục vụ xuất khẩu nông sản.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ của năm 2014 còn rất nặng nề, khó khăn thách thức trước mắt còn rất lớn, hạn chế, yếu kém của nền kinh tế còn nhiều. Vì vậy, bên cạnh khẳng định kết quả đạt được, chúng ta không được chủ quan, lơ là. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01 của Chính phủ, vì Nghị quyết 01 chính là sự tiếp thu, quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, thành các nội dung công tác cụ thể trong hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ trái phiếu, vốn ngân sách, ODA... đi liền với kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình đầu tư xây dựng cơ bản; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI triển khai thực hiện các dự án.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. NHNN có biện pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đưa nhanh vốn tín dụng vào nền kinh tế, khơi thông luồng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng. NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững sự ổn định tỷ giá; xem xét điều chỉnh hạ lãi suất, đảm bảo lãi suất cho vay phù hợp, hỗ trợ tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục quan tâm xử lý hiệu quả nợ xấu và sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu lý cần hết sức quan tâm đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được duyệt, trọng tâm là cổ phần hoá, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước, dứt khoát phải tạo được chuyển biến về tái cơ cấu doanh nghiệp trong năm 2014. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc.

Không phá cầu Long Biên

Tại phiên họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Về cầu Long Biên, sau khi nghe trình bày của Bộ GTVT, UBND Hà Nội và các ý kiến liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đồng ý phương án di dời cầu sang chỗ khác. Thủ tướng cho biết, khi làm việc, Tổng thống, Thủ tướng Pháp đều muốn Việt Nam giữ nguyên và bạn sẽ góp phần tài trợ. “Quan điểm từ trước tới nay là giữ nguyên, còn làm cầu mới ở chỗ nào tốt nhất, hay nhất thì các đơn vị cần bàn để phục hồi theo mức nào, sử dụng theo công năng nào phù hợp. Còn cầu mới để dành cho đường sắt cần bàn cho cụ thể. Không dỡ cầu Long Biên nữa. Việc xây cầu mới cách cầu cũ 30m, 50m hay 200m thì Bộ GTVT và Hà Nội cần ngồi lại bàn bạc tính toán với nhau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến những ý kiến cho rằng Bộ Xây dựng đã ra 3 văn bản trái luật quy định về cách tính diện tích sàn căn hộ, gây thiệt hại cho người dân, dẫn đến khiếu kiện ở một số hộ dân mua căn hộ chung cư Keangnam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định Bộ này đã tuân thủ các quy định và ra văn bản đúng luật, do đó “không có chuyện xin lỗi người dân”. Ông nói, nếu Bộ có sai thì ở chỗ đã không hướng dẫn kịp thời cho người dân được biết, và trong thực thi các DN cũng đã làm không nghiêm túc, mập mờ trong hợp đồng. Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận sau một thời gian áp dụng đã thấy không có lợi bằng việc chỉ quy định một cách tính, tránh bị DN lợi dụng, nên đã sửa đổi bằng Thông tư 03 để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Đăng Hân
.
.
.