Khi nào quyền con người bị giới hạn?

Thứ Ba, 04/06/2013, 14:27
Quyền con người, quyền công dân là nội dung lớn quy định tại dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Dự thảo tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bổ sung những quyền mới, đồng thời quy định quyền này bị giới hạn trong một số trường hợp.

Hôm nay (4/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Liên quan quyền con người và quyền công dân, qua tổng hợp ý kiến của nhân dân đều đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992, đồng thời bổ sung một số quyền mới.

Một số ý kiến cho rằng về cơ bản quyền con người là không bị hạn chế, nhưng nếu hạn chế phải chỉ rõ cơ sở để hạn chế và chỉ được hạn chế theo quy định của luật. Về vấn đề này, Ủy ban dự thảo giải thích: Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, một số quyền có thể bị giới hạn vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác… Như vậy, tùy vào từng quyền mà việc giới hạn quyền được quy định cho phù hợp.

Do đó, trên cơ sở ý kiến nhân dân, theo tinh thần các Công ước quốc tế, Ủy ban dự thảo đã chỉnh sửa trình Quốc hội Điều 15 khoản 2 để làm rõ hơn lý do và những trường hợp có thể giới hạn quyền, khắc phục sự tùy tiện trong việc hạn chế quyền. Theo đó, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại hội trường.

Một mặt, có ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Hiến pháp chưa làm rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong mối quan hệ với quyền. Về vấn đề này, Ủy ban dự thảo nhận thấy đây là ý kiến hợp lý nên đã rà soát, bổ sung để trình Quốc hội quy định về nghĩa vụ vào các điều 41, 42, 46, 47, 48, 49 và 50. Mặt khác, một số điều khoản khác trong dự thảo đã có những quy định về việc nghiêm cấm hoặc sử dụng cụm từ “không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm/vi phạm…”. Những quy định này thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong việc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đồng thời, Ủy ban dự thảo bổ sung nội dung tại Điều 21 “Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng một cách trái pháp luật”. Theo ban soạn thảo, quy định như vậy là phù hợp với Công ước quốc tế và tình hình cụ thể của Việt Nam khi mà nước ta vẫn đang áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật hình sự. 

Quyền công dân, quyền con người được hiến định.

Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) khẳng định, việc quy định rõ như dự thảo làm nổi bật giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp, tạo ra môi trường công bằng cho con người phát triển toàn diện. Người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và trách nhiệm của nhà nước là thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đồng thời quy định rõ quyền công dân gắn kết chặt chẽ và tương xứng với nghĩa vụ công dân.

Cũng bàn vấn đề này, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định về chế độ chính trị của dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện rõ Nhà nước ta thừa nhận và tôn trọng quyền con người, quyền cơ bản của công dân một cách đầy đủ. Đóng góp cho chương III về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) thừa nhận, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân là một địa vị pháp lý được Hiến định và pháp luật quy định, nhưng quyền con người là quyền tự nhiên, mỗi người sinh ra đều có quyền tự nhiên này. Ông đề nghị nên tách quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân.

Đại biểu Trần Hồng Hà tán thành quy định tại Khoản 2, Điều 15 về một số quyền của công dân có thể bị giới hạn để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội cũng như không được gây ảnh hưởng tới các quyền của người khác. Tuy nhiên, những giới hạn về quyền của con người, quyền cơ bản của công dân cần phải được quy định cụ thể trong luật để tránh tình trạng lạm dụng. Liên quan quyền của công dân trong tự do đi lại và cư trú, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, tại Khoản 2 nếu quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế trong trường hợp cần thiết thì cần cân nhắc thêm vì trong thực tế tùy vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và từng thời kỳ nhất định mà nhà nước cho phép hay hạn chế việc thực hiện quyền con người, quyền công dân. Ví dụ, quyền tự do cư trú có thể bị hạn chế theo quy định của Luật Cư trú với các điều kiện đều không phải là trong trường hợp khẩn cấp.

Quyền công dân khác quyền con người như thế nào?

Theo ban soạn thảo, quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có của con người từ lúc sinh ra còn quyền công dân trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là vị thế pháp lý của công dân trong quan hệ với Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm đối với công dân của nước mình. Chỉ những người có quốc tịch mới được hưởng quyền công dân ở quốc gia đó, ví dụ như quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước... Để làm rõ sự khác biệt này, tham khảo các Công ước quốc tế về quyền con người và Hiến pháp các nước, dự thảo sử dụng từ “mọi người”, “không ai” khi thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định về quyền công dân. Quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó. Vì vậy, dự thảo không tách bạch thành các mục riêng về quyền con người và quyền công dân mà quy định theo kết cấu của các Công ước quốc tế về quyền con người.

Đ. Trường
.
.
.