Khả năng đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu năm 2015

Thứ Tư, 02/09/2015, 07:15
Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt. Con số này được khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 1/9.  

Chính phủ đánh giá, nhìn tổng thể tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục ổn định, chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Những kết quả đạt được tạo điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề để cho thấy khả năng, trước hết là những tháng cuối năm nếu không có gì biến động đột xuất thì hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và gắn với đó là có tiền đề, triển vọng, có căn cứ, có cơ sở để đưa ra kế hoạch 2016 cao hơn kế hoạch năm 2015.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Chính phủ cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém cả chủ quan và khách quan của nền kinh tế mà các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý, không thể chủ quan, lơ là, trong đó nổi lên là những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với nông sản; những biến động của tình hình kinh tế quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mỗi biến động của tình hình đều có tác động tức thì và trực tiếp tới nước ta ở cả hai mặt là tích cực và tiêu cực, như những biến động về giá dầu, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, sự tăng trưởng thấp của các nền kinh tế lớn như Nga, Trung Quốc…

“Những biến động, thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chúng ta trong việc nắm sát tình hình. Phải nâng cao năng lực phản ứng chính sách, nhanh nhạy, kịp thời nhưng phải đòi hỏi chính xác, phải hiệu quả” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng tái khẳng định tinh thần chung là phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, cần tiếp tục giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giữ vững sự ổn định về tỉ giá, lãi suất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, làm ăn.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội thực hiện tốt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt cho được mục tiêu về xuất nhập khẩu năm 2015, phải tăng xuất khẩu 10% và nhập siêu chỉ 5%, việc này hoàn toàn có thể làm được trong khả năng. Bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, phấn đấu thu ngân sách Nhà nước ở mức cao nhất, đi liền với đó là triệt để thực hành tiết kiệm chi, bảo đảm cán cân thanh toán cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng cũng lưu lý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời chủ động hơn nữa trong cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội, tạo đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã được đề ra, đưa đất nước tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập.

Liên quan đến chủ đề rất được dư luận quan tâm gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tại phiên họp báo Chính phủ chiều 1/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Chính phủ đã đánh giá việc tổ chức thi có nhiều kết quả đáng ghi nhận, khắc phục được nhiều tồn tại từ trước tới nay, hạn chế được chi phí xã hội đáng kể, giảm bớt phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn những điểm chưa được.

Ví dụ với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chủ trương mở rộng nguyện vọng và thời gian đăng ký, cuối cùng lại gây phiền hà cho thí sinh, gia đình, các trường… Vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ GD & ĐT cũng đã nhanh chóng tiếp thu và triển khai các giải pháp khắc phục cho đợt xét tuyển nguyện vọng 2, hiện đang được thực hiện. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ GD & ĐT tổng kết kỳ thi này, rút ra bài học kinh nghiệm cho các kỳ thi sau tốt hơn. Bộ trưởng Bộ GD & ĐT cũng đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ, người dân và đã có động thái tích cực khắc phục ngay. 

Bổ sung thêm về nội dung này, bà Vũ Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD & ĐT) cho biết: Sau khi Chính phủ chỉ đạo, Bộ GD & ĐT đã chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển nguyện vọng 2. Để giảm bớt thời gian và phiền hà cho thí sinh khi phải lên tận trường đại học đăng ký nguyện vọng, Bộ đã chỉ đạo các Sở mở thêm kênh đăng ký tại các Sở và trường THPT ngay tại địa phương. Trong đợt 2 này, thời hạn cũng được rút ngắn chỉ còn 10 ngày và thí sinh không được thay đổi nguyện vọng nữa.

Về vấn đề nâng lương cho người lao động, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa.

Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ. Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

Bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại Ngân hàng Đông Á

Về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã miễn nhiệm 2 lãnh đạo Ngân hàng Đông Á vì những sai phạm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, việc thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á được thực hiện theo kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này đã có nhiều vi phạm quy định về quản lý tài chính, cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này. Ngày 14/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20/8/2015, NHNN đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á. Đồng thời cử cán bộ tham gia và chỉ đạo kiện toàn Ban điều hành ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án đã được phê duyệt đối với Ngân hàng Đông Á, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Đăng Hân
.
.
.