Kết thúc hoạt động chất vấn tại Quốc hội: Thẳng thắn và trách nhiệm

Chủ Nhật, 13/06/2010, 09:47
Sáng qua 12/6, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giải trình trước Quốc hội về 6 vấn đề mà các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đang quan tâm, đồng thời dành nhiều thời gian để trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.

Về những khó khăn hiện nay trong thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng thừa nhận rằng một trong những vấn đề, đó là lãi suất tín dụng quá cao đang là bức xúc, là gánh nặng và làm tăng chi phí của các doanh nghiệp cần vốn sản xuất kinh doanh. Phó Thủ tướng cho rằng, lãi suất cao phản ảnh sự mất cân đối cung cầu tín dụng, song có nguyên nhân từ công tác điều hành.

"Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc bảo đảm cung ứng kịp thời, đủ lượng tiền cho lưu thông, đồng thời phải xem xét sớm loại bỏ các rào cản không còn phù hợp để thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng vận hành thông suốt, hiệu quả hơn; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng và an toàn của hoạt động ngân hàng".

Về vấn đề nợ công được nhiều đại biểu quan tâm, tuy Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình bày khá chi tiết, nhưng Phó Thủ tướng cũng bổ sung rằng khủng hoảng nợ tại Hy Lạp diễn ra khi tỷ lệ nợ của nước này lên trên 120% GDP, còn tổng dư nợ chính phủ của nước ta tương đương 42% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 60% và chủ yếu là các khoản vay dài hạn với các điều kiện ưu đãi.

"Khi có điều kiện và khả năng thì chúng ta cần tranh thủ các khoản vay ưu đãi để tạo bước đột phá, góp phần giải quyết nhanh ba điểm nghẽn phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội".

Tất nhiên, cũng phải đạt yêu cầu là phải sử dụng các khoản vay có hiệu quả, quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng và phải bảo đảm khả năng trả nợ trong dài hạn. Chính phủ hiện đang xây dựng chiến lược quản lý nợ quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tính toán khả năng vay, trả nợ đến năm 2030, 2050.

Trước các chất vấn của đại biểu QH về tăng trưởng không đồng đều với việc giải quyết các vấn đề xã hội, Phó Thủ tướng đồng tình rằng cần thực hiện hiệu quả hơn nữa yêu cầu phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Ngay trong các năm 2008, 2009 kinh tế gặp nhiều khó khăn, song Chính phủ vẫn chỉ đạo bằng mọi cách tăng chi cho an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong 8 nhóm giải pháp để thực hiện kế hoạch năm 2010 có tới 4 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu về xã hội và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nhất là xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong việc này vì giải quyết các vấn đề xã hội đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, lâu dài, kiên trì từ phía Nhà nước, sự ủng hộ, chung sức của cả xã hội và sự tham gia với nỗ lực cao của người dân, vừa phải quan tâm giải quyết những vấn đề lớn, cơ bản, lâu dài, vừa phải tập trung xử lý nhanh những vấn đề bức xúc trước mắt. Chính phủ đang xây dựng Chiến lược an sinh xã hội thời kỳ 2011 - 2020 với các chủ trương, quan điểm, giải pháp đồng bộ...

Chính phủ có quá nuông chiều Điện lực?

Đại biểu QH tỉnh Thanh Hoá Lê Văn Cuông là người đầu tiên trong rất đông đại biểu đứng dậy chất vấn Phó Thủ tướng về tình hình thiếu điện, việc cắt điện ở nhiều nơi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đại biểu đặt câu hỏi: "Tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên diện rộng trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và người dân. Ai phải chịu trách nhiệm cho việc này và giải pháp là gì?".

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định những năm qua tăng trưởng của ngành điện là cao - tới 13-14%/năm, nhưng vẫn thiếu điện. Nguyên nhân là do phải đầu tư phát triển theo kế hoạch, đó là sự chậm đổi mới thiết bị tiêu thụ điện vừa lạc hậu vừa tốn năng lượng. "Đang có sự thay đổi dần nhưng trong thời gian ngắn chưa xong. Ví dụ bóng đèn compact sắp tới phải được thay thế trong cả nước". Nguyên nhân thiếu điện thứ ba, đó là ý thức tiết kiệm điện của các cơ quan, DN và người dân chưa cao. "Có người cắm cả điện vào bể bơi để tắm trong mùa lạnh" - Phó Thủ tướng dẫn chứng về ý thức kém trong tiết kiệm điện. Ngành điện cũng chưa khắc phục được tỉ lệ tổn hao điện năng cao trên đường dây tải điện.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại diễn đàn Quốc hội ngày 12/6 (Ảnh: TTX).

Về nguyên nhân khách quan, Phó Thủ tướng cho biết, trong tổng nguồn cung thì thủy điện cấp 30%, nhưng do mùa này rất khó khăn về nước (60% nguồn nước là từ nước ngoài) nên chúng ta thật sự đang khó khăn về điện. "Bên cạnh lương thực thì Chính phủ quyết tâm đảm bảo năng lượng đủ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân". Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng chúng ta phải rất quyết liệt đề ra cơ chế tiết kiệm điện, quản lý chặt từ sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ điện.

"Trách nhiệm của việc thiếu điện là ở Chính phủ, ở Thủ tướng và những người giúp Thủ tướng là các Bộ trưởng Bộ Công thương và trực tiếp là trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực" - Phó Thủ tướng trả lời.

Đại biểu Cuông tiếp: "Muốn tăng thì ngành điện kêu khó để cho tăng giá điện, nhưng đến cuối năm ngành lại chia thưởng vì lãi cao. Quản lý của Chính phủ đối với Tập đoàn Điện lực như thế nào, có quá nuông chiều không?". "Chẳng nuông chiều Điện lực tí nào đâu", Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết tại phiên họp Chính phủ vừa rồi có phê bình Tập đoàn Điện lực làm chưa tốt việc này. Ảnh hưởng thiếu điện chắc chắn đối với sản xuất, tiêu dùng. "Vậy tôi muốn hỏi xem dự báo điện năng thế nào. Trung ương và ngành điện suy nghĩ gì về nhọc nhằn khổ cực của người dân. Kế hoạch về dài hạn là thế, nhưng trước mắt có làm gì không?".

Cũng chung chất vấn này, đại biểu Ngô Văn Minh - Quảng Nam lên tiếng: "Cúp cắt điện ảnh hưởng đến tăng trưởng và đời sống người dân. Chỉ 5 năm nữa nước ta đã CNH rồi mà vẫn thiếu điện là sao?". "Ngành điện không mua điện của DN ngoài ngành sản xuất điện khiến điện đã thiếu càng thêm thiếu" - đại biểu nói tiếp.

Phó Thủ tướng: "Từ nay cuối năm thì khắc phục thiếu điện là việc trọng tâm của ngành điện và của Chính phủ. Việc phối hợp giữa ngành điện với nhà đầu tư và cung ứng cần tốt hơn. Tập đoàn Điện lực sẽ chuyên đầu tư điện và phân phối điện. Ta đang chuyển dần cơ chế thị trường nên các ngành kinh tế khác cũng có thể tính toán tham gia làm điện. Chúng ta tổng lực làm điện tin rằng sẽ làm được".

Cho DN nước ngoài thuê đất trồng rừng: Trách nhiệm của ai?

Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng. Phó Thủ tướng cho biết: Thủ tướng đã kết luận là tất cả các địa phương tạm dừng cấp giấy phép đầu tư trong thời gian trước mắt, nơi nào đã cấp thì tạm dừng cho thuê, giao đất.

Đại biểu Ngô Văn Minh chất vấn: "Tại sao khi các đồng chí hưu trí phản ánh Chính phủ mới biết, trách nhiệm thuộc về ai, và còn những ai phải chịu trách nhiệm ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?". "Các địa phương đã làm đúng luật, khổ thế các đồng chí ạ"- Phó Thủ tướng cười và cho biết khi rà soát lại nếu thấy có vấn đề, sẽ có xử lý trách nhiệm. Còn việc rút giấy phép thì không đơn giản nói là rút được ngay, mà sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật và đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư.

Về vấn đề trách nhiệm, Phó Thủ tướng cho biết nếu sai thì phải xử lý, nhưng phải tùy theo tình hình chứ không thể nói ngay được. "Sai thì phải sửa. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo. Bản thân tôi làm 10 việc có khi cũng sai vài việc cũng nên, cứ dẹp đi hết thì bầu không kịp".

Có lương khống tại SCIC không?

Tiếp tục đề cập vấn đề lương tại Tổng Công ty Quản lý, phát triển vốn (SCIC), đại biểu Ngô Văn Minh chất vấn: "SCIC có 130 nhân viên, mà quỹ lương lại bố trí cho 180 người. Có người làm thêm đến 500 giờ/năm. Thưa Phó Thủ tướng, đó có phải là tiêu cực, tham nhũng không?". Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh xin giải trình: "180 là con số dự kiến tuyển dụng nhưng sau không tuyển được, quá trình đó cũng có 11 người chuyển đi nên chỉ có khoảng 130 người". Vậy tại sao lại trích quỹ lương trên 180?, Bộ trưởng Ninh cho biết tuy có trích nhưng khoản chênh lệch đó được đưa vào quỹ dự phòng tiền lương chứ không vào quỹ lương ngay và số tiền đó vẫn treo ở đó, chưa duyệt quyết toán và chưa chia cho người lao động.

Còn về làm thêm giờ, Bộ trưởng Ninh khẳng định không phải là tất cả đồng loạt làm thêm giờ mà chỉ có một số người vì biên chế không có đủ 180 người theo nhu cầu. "Ngay Phó Tổng giám đốc cần 4 nhưng cũng chỉ có 2. Chúng tôi biết là làm vượt trên 200 giờ/năm là sai. Tổng Công ty cũng sai khi không báo cáo về việc biến động lao động" - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bổ sung: Lương ở SCIC mới là lương tạm ứng, đến cuối năm quyết toán xong mà nhận thì mới là lương thật.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cũng tỏ lời cảm ơn các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Chính phủ, của từng thành viên Chính phủ cũng như của chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc: không hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch, trong đó chủ yếu lại là các chỉ tiêu về xã hội và môi trường; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được xử lý; chưa dành thời gian và công sức thỏa đáng cho các vấn đề cơ bản, dài hạn có tính chiến lược; công tác xây dựng thể chế và chính sách còn triển khai chậm; sự phối hợp và lồng ghép giữa các chính sách, biện pháp, giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực chưa được nhuần nhuyễn; các công việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chậm và kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững,…

Thời gian vừa qua, nhất là từ năm 2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất thường, tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục, kinh nghiệm hội nhập kinh tế thế giới còn ít là những thách thức không nhỏ đối với năng lực và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Phát biểu đánh giá và kết thúc hoạt động chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá các thành viên Chính phủ và các đại biểu QH đã rất trách nhiệm trong việc nêu và trả lời những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống về kinh tế đất nước được đặt ra. Câu hỏi đã ít “tính địa phương" đi nhiều, còn trả lời đã ngắn, gọn, khá rõ trách nhiệm và ít né tránh hơn trước. Chủ tịch QH đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung hơn nữa giải quyết những vấn đề đặt ra tại phiên chất vấn, sớm thực hiện những lời hứa với cử tri và đại biểu QH.

Nghiêm túc tiếp thu góp ý về Đồ án quy hoạch Thủ đô

Về đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết đồ án đã được lập đúng quy trình, đã lấy ý kiến của nhân dân, các cơ quan liên quan và của các nhà khoa học, các chuyên gia trước khi trình Quốc hội. "Trong phiên thảo luận chung tại hội trường ngày 15/6 tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo bổ sung với Quốc hội kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội. Chính phủ trân trọng cảm ơn Quốc hội quan tâm, dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Quốc hội để hoàn chỉnh Đồ án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trước khi phê duyệt".

Nhóm PVTS
.
.
.