Kỷ niệm 144 năm ngày sinh V.I. Lê-nin (22/4/1870 – 22/4/2014):

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Lê-nin trong công cuộc đổi mới

Thứ Hai, 21/04/2014, 22:02
Trong bài trả lời phỏng vấn đồng chí Charles Fourniaux, phóng viên Báo Nhân đạo (L Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp, ngày 15/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước mắt các dân tộc phương Đông, Lê-nin không phải chỉ là một lãnh tụ, một người chỉ huy. Đó cũng là một người thầy có sức hấp dẫn; tính coi thường sự xa hoa, lòng ham mê công việc, đời sống trong sạch, sự giản dị và tâm hồn cao thượng của Người làm cho trái tim chúng tôi hướng về Người, không gì ngăn cản nổi…”.

Cuộc khủng hoảng và sự sụp đổ một bộ phận quan trọng của hệ thống xã hội XHCN vào cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước là một tổn thất nặng nề của CNXH. Lợi dụng cơ hộinày, các thế lực thù địch CNXH và những kẻ phản bội, cơ hội đã xuyên tạc, phủ nhận, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với khẩu hiệu “đánh đổ thần tượng”, chúng công kích Lê-nin nhằm làm mất lòng tin của các dân tộc vào con đường XHCN.

Lịch sử không thể thay đổi, người ta chỉ có thể thay đổi nhận thức về lịch sử. Thời gian càng lùi xa, khi cơn địa chấn chính trị của cải tổ, sụp đổ đã lắng xuống, những cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu gần đây càng làm cho người ta thấy rõ con đường TBCN không thể là sự lựa chọn của nhân loại. Và vì vậy, tư tưởng của Lê-nin, linh hồn của CNXH và phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX, đã và sẽ là một thần tượng không bao giờ có thể bị đánh đổ.

Đối với dân tộc ta, nếu không có Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và ảnh hưởng của lý luận đó đối với Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), nếu không có Cách mạng Tháng Mười, không có chiến thắng phát-xít của lực lượng Đồng minh trong đó Liên Xô đóng vai trò trụ cột thì cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng như các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược của nhân dân ta chắc khó có thể giành được thắng lợi.

Vào giữa thập kỷ 80 thế kỷ XX, nhờ đổi mới tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn dựa trên các nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Việt Nam đã trụ vững trước cơn bão táp chính trị - cải tổ diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu, vững bước đi lên. Bộ mặt kinh tế, xã hội của Việt Nam đã thay đổi cơ bản, vị trí của dân tộc ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, cho đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng, nhất là Nghị quyết TW 4 ( Khóa XI) đã chỉ ra, một trong những nguy cơ lớn, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đó là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp.

Hơn bao giờ hết ngày nay chúng ta cần phải trở lại với những chỉ dẫn quý báu của Lê-nin về nhiều mặt:

Thứ nhất, về nội dung kinh tế- chính trị, Lê-nin đã sớm chỉ ra những sai lầm duy ý chí trong chính sách “Cộng sản thời chiến”. Về điều này, Người đã quyết định phải thay đổi chiến lược cách mạng. Lê-nin nói: Chúng ta buộc phải thừa nhận là quan điểm của chúng ta về CNXH đã thay đổi căn bản. Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: Trước đây, chúng ta đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác vào đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền, v.v… Ngày nay, trọng tâm công tác đã chuyển sang công tác hoà bình tổ chức văn hoá.

Với Lê-nin, đổi mới xã hội XHCN, đổi mới lý luận-chính trị trước hết phải giữ vững tư tưởng cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác; phải đánh giá đúng những thành tựu và cả những sai lầm, tổn thất của cách mạng. Trên cơ sở đó, mạnh dạn đề ra chiến lược thích hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta cần giữ vững “định hướng XHCN” cả trong kinh tế, xã hội và văn hóa; cần giữ vững cả trong công tác lý luận cũng như công tác tổ chức thực tiễn.

Còn nhớ Lê-nin đã từng chỉ ra cần phải học hỏi CNTB. Người nói: “Không có kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản lớn được xây dựng trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại, không có một sự tổ chức có kế hoạch của nhà nước… thì không thể có chủ nghĩa xã hội được”. Lê-nin còn chỉ ra phải học CNTB cả trên lĩnh vực văn hóa và quản lý, Người nói: Hãy “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xôviết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành Giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = tổng số = chủ nghĩa xã hội”.

Thứ hai, đối với những sai lầm khuyết điểm của đảng cầm quyền, Lê-nin chỉ ra rằng, lịch sử cho thấy, không có cuộc cách mạng nào mà người lãnh đạo, đảng cầm quyền không ít nhiều phạm sai lầm, khuyết điểm, cũng như đảng cầm quyền khó tránh khỏi những tổn thất nào đó. Vấn đề là ở chỗ, những người cách mạng có dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận thức được đầy đủ những sai lầm, khuyết điểm của mình để khắc phục, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên hay không. Nhìn lại những năm nội chiến, Người nói: “Trong những điều kiện của chúng ta từ trước đến nay, chúng ta đã không có thời giờ xem xét chúng ta đã đập vỡ cái gì quá đi không, chúng ta đã không có thì giờ xem xét có nhiều nạn nhân quá hay  không…”.

Với Lê-nin, Đảng Cộng sản cầm quyền không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của nhân dân. Và bởi vậy, để nhận thức về tính đúng sai của đường lối, chính sách, Đảng phải biết “dùng quần chúng để kiểm nghiệm” đường lối, chính sách của Đảng. Như cách nói của Người là phải biết “lắng nghe sự mách bảo của cuộc sống”.

Thứ ba, về công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, Lê-nin đã sớm chỉ ra bệnh quan liêu, tham nhũng trong hệ thống chính trị của xã hội mới. Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” (1923), Người viết: “Tình hình bộ máy Nhà nước của chúng ta là đáng buồn, và cũng có thể là đáng kinh tởm,… Ở nước ta bọn quan liêu có không những trong các cơ quan Xôviết, mà còn có cả trong những cơ quan Đảng nữa…”. Người đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, phải học hỏi kỹ năng quản lý ở những quốc gia phát triển lúc đó. Người còn nói: Quy tắc của chúng ta là: Càng ít bầy vẽ các điều phiền phức càng tốt, càng ít bịa đặt ra những cái không cần thiết càng tốt. Đọc những dòng này tưởng như Người đang nói về sự cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, sửa đổi pháp luật, cải cách hành chính, thực hiện “một cửa”, giảm phiền hà đối với người dân… mà trên diễn đàn của Đảng, Nhà nước nhiều đại biểu đang nói tới hôm nay.

Là một nhà khoa học, Lê-nin hiểu rất rõ trí tuệ là điều kiện, là tiền đề không thể thiếu đối với người lãnh đạo. Người đã nhiều lần phê phán bệnh “kiêu ngạo cộng sản". Người nói: Người ta sẽ mắc sai lầm khi nghĩ rằng mình có thể trở thành người cộng sản mà không cần thấm nhuần tổng số những kiến thức do khoa học loài người đã tích luỹ được. Người cũng đã nhiều lần nói: Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản sau khi đã làm giàu trí nhớ của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức của nhân loại đã tạo ra.

Khác với thời kỳ “Chính sách kinh tế mới” của nước Nga Xôviết, công cuộc đổi mới của chúng ta đã trải gần 30 năm, ngày nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão, vấn đề đối với Việt Nam ngày nay không phải là sự lựa chọn kinh tế kế hoạch hoá kiểu cũ hay kinh tế thị trường nữa mà là bảo đảm “định hướng XHCN” của nền kinh tế của chúng ta như thế nào? Chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng mà Hội nghị Trung ương lần thứ III (Khoá XI) đã đề ra phải dựa trên nguyên tắc gì để “không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay lợi ích nhóm chi phối” - Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương III của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lê- nin từng nói một cách giản dị với cán bộ, đảng viên của Đảng: “Hãy đưa CNXH vào cuộc sống”. Nói cách khác, hãy làm cho người dân cảm nhận chế độ xã hội XHCN thông qua lợi ích thiết thân của họ, chứ không phải bằng những khẩu hiệu cộng sản.

Lê-nin từng nói: Cách tốt nhất để kỷ niệm một cuộc cách mạng là tập trung sự chú ý vào những nhiệm vụ mà cuộc cách mạng đó chưa hoàn thành. Đối với chúng ta, để kỷ niệm 144 năm Ngày sinh của Lê-nin, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo những nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là kế thừa và phát triển những tư tưởng của Lê-nin về CNXH, về xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

C.Đ.T.
.
.
.