Hướng dẫn một số nội dung của Luật Thi hành án dân sự

Thứ Bảy, 18/07/2009, 16:40
Từ ngày 24/8 tới, người được thi hành án (THA) phải tự tiến hành xác minh tài sản của người phải thi hành án. Nếu đã tiến hành xác minh mà không có kết quả thì mới được "nhờ" cơ quan THADS xác minh giúp... Đó là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 58/2009/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (có hiệu lực từ ngày 24/8/2009) nhằm hướng dẫn thi hành một số nội dung trong Luật Thi hành án dân sự (THADS).

Theo Nghị định này, người được THA có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được THA hoặc người được ủy quyền yêu cầu. Kết quả xác minh này được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc THA, trừ trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại.

Theo quy định hiện nay thì nhiệm vụ xác minh tài sản thuộc về Chấp hành viên, nhưng theo Nghị định 58, chỉ khi đã tiến hành xác minh mà không có kết quả thì người được THA mới có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan THA xác minh giúp về điều kiện THA…

Nghị định cũng nêu rõ: "Nếu người được THA, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện THA của người phải THA thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các khoản chi phí phát sinh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường". Với ý nghĩa nhân văn, Nghị định 58 cấm cơ quan THA tổ chức cưỡng chế THA có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán; đồng thời cũng phải tránh các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải THA.

Nghị định 58 cũng quy định khá cụ thể về quyền của Chấp hành viên như: yêu cầu lực lượng Cảnh sát hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ giấy tờ, tài sản của đương sự; yêu cầu tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản; phong tỏa tiền, khấu trừ tiền trong tài khoản; thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải THA; cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; kê biên tài sản đang tranh chấp...

Bá Tuấn
.
.
.