Quốc hội làm việc tại Hội trường:

Hôn nhân đồng giới sẽ không còn bị cấm

Thứ Sáu, 15/11/2013, 00:06
Thảo luận tại tổ về Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), đa phần các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về việc hạ tuổi kết hôn của nam xuống ngang bằng nữ ở mức 18 tuổi; đưa vấn đề ly thân vào quy định trong luật; ủng hộ mang thai hộ với mục đích nhân đạo; bỏ điều khoản cấm hôn nhân đồng giới nhưng cũng không chính thức thừa nhận hình thức hôn nhân này...
>> Phê chuẩn ông Nguyễn Văn Nên là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Liên quan đến nội dung kiện toàn nhân sự, sáng 14/11, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; căn cứ vào Điều 84 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nên. Ngay sau đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng.

Từ nay đến 16/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết cơ cấu và công tác nhân sự của các cơ quan của Quốc hội sẽ là nội dung quan trọng mà Quốc hội sẽ dành phần chính thời lượng của kỳ họp để thảo luận.

Trong đó, sáng 14/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình Quốc hội việc kiện toàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị bổ sung Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và 1 Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Các đại biểu sau đó đã tiến hành thảo luận tại đoàn về cơ cấu này.

Bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới

Thảo luận tại tổ về Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), đa phần các ý kiến nhất trí về việc hạ tuổi kết hôn của nam xuống ngang bằng nữ ở mức 18 tuổi; đưa vấn đề ly thân vào quy định trong luật; ủng hộ mang thai hộ với mục đích nhân đạo; bỏ điều khoản cấm hôn nhân đồng giới nhưng cũng không chính thức thừa nhận hình thức hôn nhân này... tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau ở các chi tiết thiết kế luật.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng dự thảo luật đã tiếp cận được các điểm tiến bộ: Chế định về quan hệ gia đình, xác định nền tảng xây dựng là gia đình; thừa nhận phong tục tập quán của các dân tộc; đưa định chế ly thân và có chế độ hôn khế...

Đại biểu Lịch cho rằng ly thân làm hạn chế ly hôn chứ không phải thúc đẩy ly hôn. Tổng kết trên thế giới các nước có chế định ly thân thì tỷ lệ ly hôn đều giảm đi. Về hôn khế, hay còn gọi là thỏa thuận về xác lập tài sản vợ chồng trước khi kết hôn sẽ giúp có được sự rõ ràng minh bạch về tài sản, thuận lợi khi giao dịch với người thứ 3.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: Hoàng Long)

Đại biểu Lịch cũng ủng hộ quan điểm của luật về việc bỏ điều khoản cấm kết hôn đồng giới, nhưng cũng không thành lập một định chế về hôn nhân này.

Một điểm được rất nhiều đại biểu quan tâm góp ý là việc xác định thế nào là mang thai hộ với mục đích nhân đạo, và làm thế nào để tránh thương mại hóa hoạt động này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Thừa nhận điều này trong luật là rất nhân văn và thực tế đã xảy ra rồi nên cần luật hóa để kiểm soát và tránh những phát sinh không hay. Tuy nhiên, phải giải quyết được 3 vấn đề của thực tế đặt ra: là xử lý tranh chấp như thế nào, làm sao kiểm soát để không bị thương mại hóa và thứ 3 kiểm soát dân số, có trường hợp lợi dụng để né luật, có thêm con hay không.

Đại biểu Phong Lan cho rằng trong 3 vấn đề này thì vấn đề thương mại là gần như không giải quyết được. “Chúng ta xác nhận người mang thai hộ có quyền có hỗ trợ, đó là quyền rất chính đáng, nhưng đâu là ranh giới hỗ trợ với mục tiêu thương mại? Đứng về góc độ y tế, chúng ta quy định là phải là noãn của vợ và tinh trùng của chồng, như vậy đối với trường hợp người chồng không có tinh trùng hoặc ngược lại sẽ không thể có con? Quy định như vậy là chưa đủ. Thêm nữa trường hợp đứa trẻ sinh ra không bình thường thì người nhờ mang thai hộ có buộc phải nhận nuôi không...”.

Cũng có những mối quan ngại tương tự, đại biểu Phạm Văn Gòn cũng ủng hộ tính nhân đạo và vai trò quan trọng của việc mang thai hộ nhưng cũng đề nghị phải giải quyết các vấn đề trên một cách kỹ càng trong luật. Đại biểu Lê Trọng Sang kiến nghị nên thiết kế điều luật hướng về việc bảo vệ quyền lợi của người mang thai hộ.

Cần định rõ cơ chế để đảm bảo chất lượng bảo hiểm y tế

Về Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, các đại biểu đều tỏ ý hoan nghênh việc nâng tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với gia đình chính sách, hộ cận nghèo lên mức 95% như đối với hộ nghèo.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nên nghiên cứu để mở rộng ra cả dự phòng và phục hồi chức năng chứ không chỉ tập trung vào khám chữa bệnh và điều trị - vốn chỉ là một mảng của Y tế; có quy định về BHYT cơ bản và bảo hiểm bổ sung, mở rộng ra các đối tượng, để người dân tùy theo điều kiện thu nhập và bệnh tật của mình lựa chọn.

Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Trần Hồng Thắm phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó là mở rộng diện thanh toán cho bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo vì trường hợp này người dân mới cần bảo hiểm y tế để giảm gánh nặng. Để tránh trường hợp trẻ em sẽ có một giai đoạn trống bảo hiểm, các đại biểu đề nghị nên quy định giá trị của bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi đến hết tháng 9 của năm thứ 6 để có thể chuyển tiếp sang bảo hiểm học đường khi nhập học.

Một điểm các đại biểu còn có quan điểm rất khác nhau là liên quan đến giá khám chữa bệnh. Một số đại biểu nhất trí mức giá này nên do Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định để thống nhất toàn quốc, bởi chất lượng khám chữa bệnh như nhau, sẽ bất công nếu người dân mỗi địa phương lại chi trả một giá khác nhau.

Tuy nhiên, cũng có những đại biểu cho rằng nên để Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định như từ trước tới nay vì mỗi địa phương có một đặc điểm khác nhau, thêm nữa tuy bệnh viện cùng tuyến nhưng chất lượng cũng rất khác nhau giữa các địa phương; do vậy liên Bộ Y tế - Tài chính chỉ nên quyết định mức giá khung, còn lại địa phương sẽ căn cứ tình hình quyết định.

Các đại biểu cũng kiến nghị phải bảo đảm chất lượng BHYT mới có được lòng tin của người dân. Mặc dù luật đã quy định cần có chế tài để bảo đảm chất lượng, tuy nhiên ai sẽ là người đánh giá, dựa trên những tiêu chuẩn nào là điều cần phải làm rõ.

Lựa chọn 4 vị Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Bên hành lang Quốc hội ngày 14/11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi với các PV về nội dung chất vấn và những Bộ trưởng dự kiến sẽ đăng đàn trong những ngày tới.

Theo đó, Quốc hội đã chọn 4 vị Bộ trưởng gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, căn cứ trên số lượng câu hỏi chất vấn để đăng đàn kỳ này. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn.

PV: Hiện một số đại biểu có băn khoăn vì danh sách Bộ trưởng sẽ đăng đàn lần này không có một số ngành rất “nóng” thời gian gần đây như Bộ Y tế, Bộ GTVT? Xin Chủ nhiệm cho biết lý do?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Một nguyên tắc khi chọn các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn là phải có ý kiến của các đại biểu QH. Đoàn thư ký có phát phiếu cho các đại biểu đề nghị các đại biểu có câu hỏi gì thì gửi lại.

Trên cơ sở 2 lần tổng hợp ý kiến của tất cả các vị đại biểu QH có câu hỏi chất vấn, vị Bộ trưởng nào có nhiều câu hỏi thì sẽ đưa vào danh sách 5 Bộ trưởng trên cơ sở từ cao xuống thấp và chọn lấy 4 người sẽ đăng đàn.

Qua tổng hợp lại, cuối cùng đã báo cáo Thường vụ QH, đến hôm nay đã chọn ra 4/5 vị Bộ trưởng trả lời chất vấn có kết quả đồng tình cao. Theo thứ tự là Bộ trưởng các bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Một vị Bộ trưởng nữa là Bộ Khoa học Công nghệ cũng ở trong diện chưa được trả lời chất vấn bao giờ, nhưng xếp theo thứ tự thì các đại biểu QH chấm 4 Bộ trưởng trên. Bốn vị Bộ trưởng được chọn đều trên 80% số phiếu mà đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.

Ngoài nguyên tắc trên, khi chọn các vị Bộ trưởng đăng đàn cũng phải trên cơ sở những vấn đề bức xúc trong thực tiễn trong thời gian vừa rồi qua báo cáo ý kiến cử tri của Mặt trận Tổ quốc. Nguyên tắc tiếp theo là ưu tiên các vị Bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ tới giờ chưa có điều kiện trả lời chất vấn trước QH.

PV: Vừa qua, đại biểu và cử tri bức xúc nhiều về ngành Y tế, đặc biệt là sau vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông. Vậy tại sao Bộ trưởng Bộ Y tế lại không trả lời chất vấn kỳ này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Khi đưa ra xin ý kiến các đại biểu, trên cơ sở câu hỏi chất vấn mà vị đại biểu gửi đến Đoàn thư ký thì Bộ trưởng Bộ Y tế cũng không nhiều, đứng thứ 7 hoặc 8 nên không đưa vào danh sách 5 Bộ trưởng xin ý kiến QH.

PV: Cách thức chất vấn của kỳ này có gì khác những kỳ trước không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ này phiên chất vấn có đổi mới, đó là có một buổi Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết của QH về vấn đề chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 khóa XIII. Sau đó, các đại biểu QH sẽ có thảo luận trước hội trường. Đây là điều chưa từng có từ trước đến nay.

PV: Theo thông lệ Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn vào kỳ họp cuối năm. Vậy kỳ họp này có tương tự không thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng sẽ phát biểu và sẽ có trả lời nếu như các vị đại biểu QH có chất vấn thêm.

Đại biểu Lê Trọng Sang (Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh): Quản lý cơ học, không thể tránh được trùng thẻ bảo hiểm y tế

Việc trùng thẻ bảo hiểm y tế xảy ra nhiều đã được nhiều báo chí đề cập đến, kết quả giám sát cũng cho thấy như vậy. Có mấy nguyên nhân là trùng trong diện và trùng ngoài diện.

Ví dụ người già lại là người có công sẽ cùng lúc có 2 thẻ bảo hiểm, nếu gia đình có con em là bộ đội sẽ được thêm 1 thẻ nữa… dẫn đến chi trùng rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay giải pháp xử lý rất chậm. Nhiều ngành cùng lập danh sách để đăng ký, mỗi ngành quản lý một đối tượng trong khi lại kiểm tra cơ học, không thể liên thông, cũng không bộ nhớ nào nhớ để tránh trùng.

Kể cả đưa về UBND xã, phường quản lý cũng không thể hạn chế được tình trạng này, chỉ có thể ứng dụng công nghệ thông tin mới giải quyết được bài toán.

Vũ Hân - Quý Kim
.
.
.