Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XII
1. Là kỳ họp giữa năm, lẽ thường Quốc hội dành phần lớn thời gian xây dựng luật. Nhưng kỳ này, trước bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước, Quốc hội khẳng định sẽ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến toàn diện các nội dung này.
Trên cơ sở báo cáo tổng quát của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, lần đầu tiên, các vấn đề là hệ lụy khủng hoảng tài chính, kinh tế từ cuối năm 2008 tới nay sẽ được xem xét, đánh giá toàn diện: Chỉ tiêu GDP và việc thực hiện các gói kích cầu; lao động, việc làm, nhất là tình hình lao động mất công ăn việc làm do doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn; lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn; việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế để ưu tiên xây dựng nhà ở xã hội, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội…
Các đại biểu Quốc hội sẽ dành thời gian thoả đáng để thảo luận về tác động của khủng hoảng kinh tế đối với Việt Nam. |
Quyết định về khung, mức thuế suất, đối tượng, thời hạn đóng các loại thuế… quy định tại các luật thuế liên quan, việc điều chỉnh thuộc thẩm quyền Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, ngoài việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc miễn, giảm, giãn thuế nhằm giảm áp lực tài chính đối với cá nhân, tổ chức là vấn đề có ý nghĩa thời sự. Đây cũng là cách làm nhiều nước áp dụng nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế. Bởi vậy, ngoài sự quan tâm những vấn đề thuộc tầm vĩ mô của quốc gia thì cử tri thực sự nhận thấy quyền và lợi ích thiết thân của mình, thể hiện từ chính kiến của từng đại biểu.
2. Hai báo cáo giám sát chuyên đề sẽ trình Quốc hội kỳ này: Báo cáo giám sát chuyên đề về chính sách pháp luật quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; báo cáo việc thực hiện di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La. Kể từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, tại mỗi kỳ họp, Quốc hội thực hiện giám sát đối với 2-3 nhóm chuyên đề. Hai nhóm chuyên đề nói trên là vấn đề bức thiết được đặt ra tại kỳ họp trước, việc thực hiện giám sát là cách làm để Quốc hội, các ủy ban, đoàn và mỗi đại biểu thực hiện chức năng giám sát.
Tuy nhiên, nếu như chuyên đề giám sát việc di dân, tái định cư dự án Thủy điện Sơn La được khẳng định bằng sự ổn định của đời sống người dân tái định cư thì ở nhóm chuyên đề giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, những "cảnh báo đỏ" đặt ra hàng loạt câu hỏi cần giải đáp. Lần đầu tiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện bằng báo cáo giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất, cử tri kỳ vọng ở hiệu quả xử lý các tồn tại mà báo chí, dư luận quan niệm "biết rồi, khổ lắm". Thực trạng nóng bỏng này có thể chuyển biến tích cực ra sao sau khi Quốc hội giám sát tối cao và có thể điều chỉnh bằng một nghị quyết?!
3. Hai nội dung không thuộc giám sát chuyên đề nhưng cử tri dành sự quan tâm: Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục của Chính phủ và dự án khai thác bauxit tại Tây Nguyên.
Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, trước đây là đề án tăng học phí đã từng được Quốc hội cho ý kiến và không ít lần, cơ quan quyền lực cao nhất căn cứ ý kiến của đa số đại biểu đã bác đề án, yêu cầu điều chỉnh lại mức tăng, thời gian, lộ trình tăng. Trong xu thế xã hội ngày càng trọng dụng sự học, hiển nhiên nó cũng đi đôi cơ chế tài chính, gắn liền quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân. Cơ chế tài chính mới xác định tỷ lệ, mức đóng góp của hai chủ thể này nhưng cũng đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người học ở vùng khó khăn, người nghèo học giỏi. Vấn đề cử tri quan tâm là "tầm" của đề án, chất lượng của việc dạy học và không thể lấy học phí làm trục chính của sự điều chỉnh và việc tăng ở mức nào, chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập hộ gia đình phải có lộ trình.
Đối với dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên, dù quy mô dự án không thuộc trường hợp Quốc hội quyết định chủ trương nhưng trước sự quan tâm của cử tri và đại biểu, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ có báo cáo gửi tới đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến.
4. Trong chương trình xây dựng luật kỳ này, cử tri chú ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Do tính phức tạp và quan trọng, dự án luật được xem xét tại hai kỳ họp. Trục điều chỉnh đáng chú ý nhất là việc bãi bỏ một số hình phạt tử hình nhằm phù hợp xu hướng chung của thế giới và bản chất pháp luật XHCN nhằm giáo dục, phòng ngừa là chính.
Với tinh thần tiếp thu ý kiến đa chiều, phân tích cơ sở khoa học và điều kiện thực tế tại Việt Nam cũng như quá trình thi hành BLHS năm 1999, các nhà làm luật khẳng định việc giảm số lượng điều luật có hình phạt tử hình là cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo tính răn đe, trừng phạt. Theo đó, dự án mới nhất chỉ đồng ý 8/29 điều luật bỏ án tử hình (so với đề xuất ban đầu là 17 điều luật). Ngoài ra, việc sửa đổi về chính sách nhà ở đối với Luật Nhà ở theo hướng mở rộng quyền được mua nhà cho Việt kiều cũng là vấn đề cử tri quan tâm.
Trong thời gian 1 tháng, với khối lượng công việc lớn, cử tri tin tưởng cơ quan quyền lực cao nhất do dân bầu ra sẽ hoàn thành hiệu quả