Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III

Thứ Bảy, 06/12/2008, 11:29
Từ ngày 5 - 7/12, tại Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, với chủ đề "Việt Nam - Hội nhập và phát triển". Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng với các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự khai mạc hội thảo…

Đây cũng là hội thảo Việt Nam học có quy mô lớn nhất, với sự tham dự của hơn 700 nhà khoa học, trong đó có hơn 200 nhà khoa học nước ngoài đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước. Theo Phó Chủ tịch nước, trong hàng chục năm qua, nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã giữ vai trò quan trọng, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình hoạch định và thực thi các chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam…

Kinh tế thị trường càng phải coi trọng văn hóa đạo đức doanh nhân…

Một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội thảo, là "Kinh tế Việt Nam" - đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu nhiều chiều, từ vấn đề tiếp tục cải cách để phát triển bền vững, vấn đề cội nguồn, hiện tại và triển vọng của kinh tế thị trường, quan hệ kinh tế Việt Nam - EU năm 2007 - thực trạng và triển vọng, đến phát triển kinh tế hàng hóa…

PGS.TS Đỗ Đức Định, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện KHXH Việt Nam) nêu quan điểm: Chống lạm phát bây giờ vẫn là ưu tiên số một của Việt Nam, chứ không phải là tăng trưởng kinh tế cao hay ngăn ngừa suy giảm kinh tế như một vài đề xuất trước đó đã đưa ra.

Đồng thời ông đề xuất giải pháp: Nâng lãi suất tiền gửi lên mức cao hơn tỷ lệ lạm phát ít nhất 1%; áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái và thuế xuất nhập khẩu linh hoạt trên cơ sở khuyến khích xuất khẩu, không "hy sinh" xuất khẩu để thúc đẩy nhập khẩu vì lợi ích trước mắt mà phạm sai lầm về chiến lược lâu dài; đồng thời phải đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ tạo ra VAT mới; đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội; giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống ít nhất 1% so với mục tiêu đề ra cho năm 2009.

Nhiều góc nhìn mới về kinh tế Việt Nam cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu như: Vấn đề đạo đức kinh doanh Việt Nam, tác động của di chuyển lao động quốc tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, vấn đề văn hoá doanh nghiệp ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Hoàng Ánh, ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, hiện nay, các tài liệu, sách báo tuyên truyền về đạo đức kinh doanh còn ít và sơ sài, nên nhận thức của người dân và giới doanh nhân về vấn đề này chưa đầy đủ.

Tác giả đã trực tiếp tiến hành điều tra 100 doanh nhân và sinh viên ngành kinh doanh ở Hà Nội và kết quả thu được có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực trong nhận thức về đạo đức kinh doanh ở Việt Nam - một nguyên tắc và chuẩn mực để điều chỉnh hành vi trong giới kinh doanh, không chỉ nhằm tuân thủ luật pháp, mà còn nhằm đảm bảo quyền lợi của những người có liên quan và bảo vệ lợi ích cho toàn thể cộng đồng.

Kinh tế nông nghiệp phải có sự "can thiệp" của công nghệ cao, đảm bảo sức cạnh tranh của nông sản…

Hội thảo lần này có 18 tiểu ban, ngoài các tiểu ban có nội dung khái quát như văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, xã hội, nhiều nội dung mới mẻ đã được đưa vào thảo luận như vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong truyền thống và hiện đại, vấn đề môi trường và phát triển bền vững, đô thị hoá, môi trường.

Dưới lăng kính của "Việt Nam học", PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, ĐH Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu những yếu tố tác động không tích cực trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, giải trí. Trong 7 năm qua, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là hơn 500 ngàn ha, chiếm hơn 5% đất nông nghiệp đang sử dụng.

Trong giai đoạn 2000 - 2006, việc thu hồi đất đã khiến cho khoảng 2,5 triệu nông dân trên cả nước bị ảnh hưởng đến đời sống. Họ không còn ruộng đất canh tác và phải tìm kiếm những phương thức sinh kế khác nhau, làm gia tăng tình trạng nam giới "ly hương", dẫn đến xu hướng "nữ hoá nông nghiệp, già hoá nông thôn".

Và ở góc nhìn sâu xa hơn, thì hiện tượng này còn dẫn đến những biến đổi về cấu trúc và quy mô gia đình ở nông thôn, chuyển đổi việc làm, về mức sống và thụ hưởng phúc lợi, an sinh xã hội.

Kinh tế nông nghiệp Việt Nam lại được GS. Christophe Gironde, Viện Nghiên cứu Quốc tế và phát triển (Geneva, Thụy Sỹ) nhìn nhận dưới góc độ: Đó là sự phát triển không đồng đều, chênh lệch giữa các hộ gia đình. Dựa vào những tư liệu nghiên cứu điền dã tại một huyện nông thôn ở đồng bằng sông Hồng (tỉnh Hưng Yên), vị GS này đã khẳng định, hiện tượng này bắt đầu từ thời kỳ đầu cải cách và khuyến cáo: Các nhà hoạch định chính sách về phát triển nông nghiệp và giảm nghèo cần phải chú ý tới quá trình bất bình đẳng này.

Rất nhiều nhà khoa học đã gặp nhau ở những đề xuất, đảm bảo cho vấn đề "tam nông" được bền vững: Đó là chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; đảm bảo khâu thị trường đầu ra và sức cạnh tranh của nông sản, đồng thời phải hỗ trợ đúng mức và hiệu quả cho nông dân phù hợp với nguyên tắc của WTO.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp đại biểu dự Hội thảo

Chiều 5/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp gỡ và trao đổi ý kiến với hơn 20 nhà Việt Nam học. Các đại biểu bày tỏ với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ đất nước, con người Việt Nam, những thành công của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam, tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Các đại biểu nhấn mạnh: Hội thảo quốc tế Việt Nam học là dịp rất quý báu để các nhà Việt Nam học trên khắp thế giới chia sẻ thành quả, kinh nghiệm nghiên cứu Việt Nam.

Đánh giá cao vai trò của các nhà Việt Nam học đối với Việt Nam, Chủ tịch nước nói: "Các nhà khoa học Việt Nam cũng nghiên cứu về Việt Nam, nhưng đồng thời cần lắng nghe ý kiến của các bạn nước ngoài để khách quan hơn. Mình tự đánh giá bản thân thì dễ dẫn đến chủ quan. Mong các nhà Việt Nam học đóng góp ý kiến chân thành, thẳng thắn với Việt Nam để giúp Việt Nam thấy hết được các mặt mạnh, mặt yếu. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà Việt Nam học phát huy nghiên cứu, giúp Việt Nam tự hiểu mình hơn, phát huy được tối đa sức mạnh nội lực".

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị phải thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế Việt Nam học để tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu Việt Nam; ủng hộ ý tưởng lập website Việt Nam học.

Chủ tịch nước cũng mong các nhà Việt Nam học đóng góp ý kiến giúp Việt Nam xây dựng giáo trình cơ bản về dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

D.D.

Thu Phương
.
.
.