Hội thảo khoa học quốc tế “phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”

Thứ Sáu, 08/10/2010, 15:02
Hòa trong không khí tưng bừng của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chiều 7/10, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, hòa bình" chính thức khai mạc.

Đây được coi là cơ hội để tôn vinh, phát huy những giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong lịch sử phát triển 1.000 năm qua của Thủ đô, góp phần xây dựng chiến lược, chính sách quản lý và phát triển bền vững của Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói: Đúng 1.000 năm trước, với tầm nhìn xa trông rộng, đức vua Lý Thái Tổ đã có một quyết định vô cùng quan trọng và sáng suốt. Người đã chọn thành Đại La, nơi được "cái thế rồng cuộn, hổ ngồi", "nhìn sông, tựa núi", "chốn địa linh nhân kiệt", "nơi hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước", làm kinh đô của nước Đại Việt, đặt tên là Kinh thành Thăng Long, nơi xứng đáng là "kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời".

Quả thật, nếu phóng tầm nhìn xa, rộng hơn những ngăn cách về địa dư hành chính, Thủ đô của nước ta nằm ở vị trí trung tâm một vùng đất có địa thế "sông tụ, núi chầu", mà nói theo ngôn ngữ phong thủy là "thiên sơn, vạn thủy triều lai" - một không gian thiêng hội đủ các nhân tố của một vùng dồi dào linh khí.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, với những cống hiến lớn lao đối với đất nước và nhân loại, cùng với truyền thống nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới trao tặng những danh hiệu vô cùng cao quý: "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", "Thủ đô anh hùng", "Thủ đô vì hòa bình"…

Cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, trong những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đã và đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đầy ấn tượng. Bạn bè quốc tế biết tới Hà Nội là nơi có môi trường chính trị ổn định, văn hóa xã hội đạt được nhiều thành tựu, trật tự an toàn được giữ vững, bộ mặt thành phố ngày càng được cải thiện, con người rất thân thiện, cởi mở và thanh lịch, vị thế của Hà Nội ngày càng được nâng cao trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đường Thanh Niên - Hồ Tây (Hà Nội).

Trong diễn văn khai mạc, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định: "Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nơi từng ghi dấu những võ công oai hùng mà quan trọng hơn, đó còn là biểu tượng niềm tin của toàn dân tộc mỗi khi đất nước bị lâm nguy và là nơi quy tụ của ý chí bất khuất, nơi khơi dậy khí phách anh hùng của toàn dân tộc". Vì thế, hội thảo là cơ hội quý báu để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, góp phần làm rõ hơn thế mạnh, tiềm năng phát triển, phát huy những giá trị cao đẹp của Thăng Long - Hà Nội.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, trên thế giới, hiếm có thủ đô nước nào kết hợp được nhiều giá trị như Hà Nội. Vì thế, có rất nhiều công trình nghiên cứu công phu trong và ngoài nước về Thăng Long - Hà Nội. Khoảng 150 bài tham luận được gửi tới hội thảo, trong đó có 25 bài của các học giả quốc tế đến từ 10 nước (Australia, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Mỹ, Thái Lan, Đức và Trung Quốc).

GS.TS William Loga thuộc Đại học Deakin, Melbourne, Australia cho rằng, để thực hiện lộ trình của cam kết do Ủy ban Di sản thế giới và Hội đồng Tư vấn công nhận di sản thế giới ở Brasilia đối với khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục tiến hành các điều tra, nghiên cứu khảo cổ học để không chỉ xác định các khu vực đệm rộng hơn mà điều quan trọng là đảm bảo quy định dành cho các khu vực này được thực hiện một cách triệt để.

GS William Logan nói: "Tất nhiên sẽ có những khó khăn và thách thức trong những năm tới. Các phương pháp bảo tồn thích hợp phải được sử dụng và một hệ thống quản lý nghiêm ngặt cũng cần phải được đặt ra". GS William Logan còn tâm sự rằng, rất ấn tượng với cam kết của các chuyên gia Việt Nam trong việc dẫn đường, hành động như những hình mẫu tiêu biểu cho quốc gia khác trong khu vực về bảo tồn di sản.

Bày tỏ niềm vinh hạnh được cùng các giáo sư và các nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới tham dự hội nghị đầy ý nghĩa này, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: "Theo một nghiên cứu mới đây được PricewaterhouseCoopers thực hiện và đăng trên ấn phẩm “Triển vọng kinh tế kinh tế Vương quốc Anh” (UK Economic Outlook) của cơ quan này, Hà Nội được dự đoán là một trong hai thành phố đứng đầu thế giới về mức tăng trưởng trung bình thực của GDP trong giai đoạn 2008-2025".

Do đó, theo bà, để thành phố này tiếp tục có được những thành tích như vậy, Việt Nam cần lưu tâm đến những thách thức do tốc độ đô thị hóa nhanh tạo nên, đặc biệt là những thách thức liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa. UNESCO hoàn toàn ủng hộ quyết định tổ chức một hội nghị như thế này để từ đó đưa ra những khuyến nghị tốt nhất nhằm hỗ trợ cam kết của các nhà lãnh đạo  thành phố trong việc tiếp tục giữ gìn giá trị, bảo vệ và bảo tồn di sản, tạo cơ hội cho phát triển bền vững và cho một cuộc sống có chất lượng của cư dân TP Hà Nội.

Nhấn mạnh về phát triển bền vững đô thị Hà Nội trên nền tảng truyền thống Đại học Việt Nam, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã đưa ra 2 vấn đề lớn trong chiến lược phát triển Thủ đô, gồm: các giải pháp thiết thực để khai thác nguồn trí tuệ của cả nước; công tác quy hoạch và quản lý của Thủ đô cần phải ý thức đầy đủ rằng, Hà Nội đã và sẽ là một "thành phố đại học". Hiện Việt Nam có hơn 400 trường đại học với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Riêng địa bàn Hà Nội đã quy tụ hơn 50% tổng số trường đại học và sinh viên cả nước cùng 90% các viện, trung tâm nghiên cứu của cả nước

Huyền Chi
.
.
.