Hội nghị giao ban ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Thứ Bảy, 14/09/2013, 17:20
Ngày 14/9, tại TP Hồ Chí Minh, Thường trực ba Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị giao ban nhằm kiểm điểm việc thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW ngày 28/5/2012 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của các Ban chỉ đạo và trao đổi, thảo luận về liên kết vùng.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Vũ Văn Ninh, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Đến dự hội nghị còn có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Kinh tế TW; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên TW Đảng, Phó ban Tuyên giáo TW; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo Văn phòng TW Đảng, Ban Tổ chức TW, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân khu 5; lãnh đạo một số tỉnh, TP; lãnh đạo các Tổng cục, Bộ tư lệnh thuộc Bộ Công an…

Đồng chí Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị được nghe đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc phát biểu chỉ đạo về cơ chế hoạt động của các Ban chỉ đạo; đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu chỉ đạo về vấn đề liên kết vùng. Hội nghị cũng được nghe phát biểu của các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Kinh tế TW về giải pháp liên kết vùng ở các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về tính cấp thiết của liên kết vùng; Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về liên kết phát triển giữa Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về liên kết trong khu vực “Tam giác phát triển” Lào-Campuchia - Việt Nam…

Các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.

Sau hơn 1 năm thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các Ban chỉ đạo đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đi sâu vào hướng nghiên cứu chuyên đề, triển khai hàng chục chương trình, đề án, chuyên đề công tác lớn có ý nghĩa cấp bách và thiết thực ở ba vùng. Ở Tây Bắc, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác quản lý khai thác chế biến khoáng sản; phát triển giao thông nông thôn; xây dựng đường tuần tra biên giới; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc; xây dựng đề án củng cố chính quyền cơ sở ở các địa bàn trọng yếu… Tại Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo phối với các bộ, ngành đề nghị Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và bố trí vốn đầu tư nâng cấp quốc lộ 14; triển khai công tác điều tra, kiểm kê rừng và đề xuất tạm dừng khai thác rừng tự nhiên; đánh giá kết quả thực hiện chủ trương trồng mới 100.000ha cao su; hỗ trợ tái canh cây cà phê và tăng nguồn vốn tín dụng xuất khẩu; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho Tây Nguyên và vùng phụ cận; rà soát đánh giá lại chủ trương quy hoạch, phát triển thủy điện; xây dựng đề án tiếp tục củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở giai đoạn 2013-2020… Ở Tây Nam Bộ, Ban Chỉ đạo chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, xây dựng các đề án nâng cấp đô thị và thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo quy chế liên kế vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2020; tham gia tích cực vào nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của vùng…

Đặc biệt 2 năm qua (2012-2013), các Ban chỉ đạo chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Được sự ủy nhiệm của các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc và Vũ Văn Ninh, đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã phát biểu kết luận hội nghị.

 Về kết quả hoạt động của các Ban chỉ đạo, đồng chí Trần Đại Quang khẳng định: “Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành kịp thời xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn; tăng cường lực lượng, cán bộ cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên ở các vùng dân tộc thiểu số; phối hợp với các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ nhiều chủ trương quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc, giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai, sản xuất, nhà ở, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số...”.

Các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Vũ Văn Ninh và một số đại biểu tại hội nghị.

Về liên kết vùng, đồng chí Trần Đại Quang nhấn mạnh: Việc liên kết vùng sẽ tạo nên những lợi thế cạnh tranh mới, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và cả vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả trong đầu tư liên quan đến nhiều ngành, nhiều tỉnh, nhiều lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, bảo vệ tài nguyên, môi trường…)”.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, các Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; chú trọng các vấn đề: xây dựng cơ sở hạ tầng giao thong, thủy lợi, thủy điện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi; giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe đối với đồng bào dân tộc. Mặt khác, đặc biệt quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển các tổ chức đảng, đảng viên ở tất cả các buôn, làng; chăm lo công tác đào tạo cán bộ, ưu tiên đào tạo, tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo chuyển biến tích cực về cơ cấu giữa các dân tộc…

Công Trường
.
.
.