Hội Người cao tuổi không phải tổ chức chính trị - xã hội

Thứ Sáu, 17/07/2009, 09:04
Ngày 16/7, UBTV Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 21, cho ý kiến dự án Luật Người cao tuổi, dự án Luật Khám, chữa bệnh. Hầu hết ý kiến bác quan điểm đưa Hội Người cao tuổi thành tổ chức chính trị - xã hội (Điều 24). Theo đó, Hội Người cao tuổi chỉ cần là tổ chức xã hội, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện.

Lý giải vì sao cơ quan soạn thảo lại đẩy tổ chức này thành "chính trị - xã hội", một số ý kiến cho rằng, thực chất ở đây là vấn đề quyền lợi bởi lẽ, nếu trở thành tổ chức chính trị - xã hội thì vị trí chính trị được nâng cao, Nhà nước phải cấp ngân sách, chưa kể nhiều vị trí trong tổ chức này sẽ có những quyền lợi, về chính trị…

Nhà nước sẽ có chế độ, chính sách phù hợp cho người cao tuổi, chẳng hạn cần hạ độ tuổi người được hưởng chính sách bảo trợ từ 85 xuống 80 tuổi. Nhiều ý kiến cũng thống nhất không thể giao người cao tuổi hoặc Hội Người cao tuổi tham gia giám sát việc xây dựng các công trình công ích, không quy định người cao tuổi được miễn giảm phí, lệ phí dịch vụ văn hóa, công cộng…

Đối với dự luật Khám, chữa bệnh, bổ sung chính sách mới: thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển hệ thống khám, chữa bệnh… UBTV Quốc hội cũng đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5.

Hôm nay, UBTV Quốc hội sẽ cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng; nghe báo cáo về việc chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội.

Chiều 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XII.

Theo tờ trình của Văn phòng Quốc hội (VPQH), dự kiến tại kỳ họp này, QH sẽ thông qua 8 dự án luật, trong đó có 2 dự án thông qua theo quy trình tại một kỳ họp là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Thuế tài nguyên; cho ý kiến vào 12 dự án luật. Các dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuyển sang chương trình chuẩn bị của năm 2010. Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đã rút khỏi chương trình năm 2009-2010.

QH sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát các vấn đề quan trọng khác như báo cáo công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước….

P. Đăng
.
.
.