Hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có

Thứ Năm, 18/09/2014, 09:03
Trước diễn biến phức tạp tại biển Đông, gần đây xuất hiện một số thông tin sai lệch trên mạng Internet cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của mình bằng những hành động như: tham gia liên minh quân sự, đồng minh quân sự, cho nước lớn đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Việt Nam...

Một số bài viết còn “gợi ý” kiểu, Việt Nam muốn mạnh thì cần dựa vào nước lớn này để chống nước lớn kia. Trong khi đó, có thông tin còn suy diễn, làm sai lệch quan điểm về đường lối an ninh, quốc phòng của Việt Nam khi áp đặt theo kiểu, việc Việt Nam mua sắm tàu ngầm, tên lửa và những khí tài hiện đại là chỉ dấu cho thấy “chạy đua vũ trang” và “đe dọa nước khác”...

Những thông tin như vậy đều trái hẳn bản chất đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về bảo vệ Tổ quốc, về đường lối an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Mục đích những thông tin kiểu này do các đối tượng xấu tung ra với dụng ý làm nhiễu loạn thông tin, hòng gây sự mơ hồ, ảo tưởng trong cách nghĩ, nhận thức của một số người, từ đó kích động, xúi giục thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng an ninh quốc gia.

Đây là vấn đề nguy hiểm, đòi hỏi cần có nhận thức đúng đắn, không biến mình thành quân bài để kẻ khác lợi dụng gây hại. Trong một bài trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về việc Việt Nam có liên minh quân sự với Mỹ hay không,phản ứng của Việt Nam trước sự lớn mạnh không ngừng của quốc phòng Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã tái khẳng định chính sách “ba không” trong chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đó là không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Như vậy, không chỉ với Mỹ, Việt Nam cũng sẽ không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào. Đây là chính sách quốc phòng được khẳng định rõ ràng, vì vậy mọi hành vi tung tin làm sai lệch đường lối nói trên đều cần phải loại trừ.

Đường lối, chính sách xuyên suốt lịch sử của dân tộc Việt Nam luôn đề trọng khát vọng hoà bình, độc lập. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam xuất phát từ cội nguồn sâu xa ấy, cho dù mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử có những bước đi cụ thể, thích hợp. Việc trang bị tàu ngầm, tên lửa và các công nghệ liên quan đối với Hải quân cũng như tăng cường sức mạnh quốc phòng là việc làm bình thường của bất kỳ quốc gia nào và cũng là xu thế của các quốc gia thành viên ASEAN.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng việc mua sắm vũ khí, tăng cường tiềm lực quốc phòng thành khái niệm “chạy đua vũ trang” hay việc bổ sung thêm tàu ngầm là “đe dọa an ninh khu vực”, chỉ dấu nhằm vào quốc gia nào. Việt Nam cũng như các quốc gia có chủ quyền biển đảo, trong xu thế thời đại, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo phải gắn với trang bị phương tiện, vũ khí cần thiết. Quốc gia nào để bảo vệ Tổ quốc cũng phải lường trước những yếu tố bất lợi, những nguy cơ xung đột để phòng vệ.

Nhưng điều quan trọng là môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác của các nước trong khu vực và sự tin cậy lẫn nhau, điều này được thể hiện qua các văn bản ký kết song phương, đa phương, các diễn đàn chính trị, ngoại giao, diễn đàn quốc phòng, an ninh của các quốc gia trong khu vực.

Nội hàm này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong bài phát biểu nhân dịp Học viện Quốc phòng khai giảng năm học mới, ngày 16-9. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong tình hình mới, chúng ta phải thực hiện tốt mục tiêu cao nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước; xây dựng Đảng, Nhà nước vững mạnh; xác định nội lực là quyết định trong việc tăng cường sức mạnh quốc gia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; làm tốt công tác dự báo chiến lược; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, chủ động đối phó với các nguy cơ, thách thức về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Thủ tướng chỉ rõ, là một đất nước phải chịu dựng quá nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược; hơn ai hết Việt Nam luôn khát khao hòa bình - một nền hòa bình phải trên cơ sở độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ - để xây dựng đất nước, cải thiện đời sống và chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Song hòa bình không thể chỉ khát khao, mong muốn mà có. Việt Nam phải mạnh lên về mọi mặt, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại - với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, keo sơn; có môi trường chính trị - xã hội ổn định; bảo đảm dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là quy luật có ý nghĩa sống còn và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc ta. Luật An ninh quốc gia quy định, an ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh trên thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp đòi hỏi cần có nhận thức và hành động đúng đắn để góp sức vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới

Đăng Trường
.
.
.