Hiệu ứng và khoảng lặng của thi tuyển lãnh đạo
Soi lại tiến trình, việc thi tuyển lãnh đạo không phải đến giờ mới đặt ra. Cách đây 10 năm, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương “nổ súng” việc thi tuyển lãnh đạo, đặc biệt là thành công từ Đà Nẵng. Thực tiễn ấy khiến Bộ Nội vụ phải suy ngẫm và bắt tay thực hiện đề án từ năm 2005 và đến cuối tháng 9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức thi tuyển một số chức vụ lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Từ đây, câu chuyện thi cử của lãnh đạo được đề cập dưới góc độ chủ trương và căn cứ pháp lý chứ không còn hiện tượng rải rác ở địa phương như trước. Tuy nhiên, hành trình của nó không hề đơn giản.
Một năm sau sự kiện Bộ Nội vụ nghiên cứu đề án thi tuyển lãnh đạo, dù giới hạn của đề án này chỉ ở cấp vụ, cục, cấp phòng nhưng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã làm cuộc bứt phá khi cho đăng ngay trên trang web của Bộ thông báo cuộc thi tuyển chức danh Thứ trưởng. Tuy nhiên, kết quả của nó đã không như mong đợi và câu chuyện thi tuyển chức danh Thứ trưởng cũng dần vào lãng quên. Những năm sau đó, ở ngành này, bộ kia cũng rộ lên chuyện thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, phòng, nhưng hầu như không thể làm nóng dư luận. Có lẽ trong suy nghĩ nhiều người, họ đã bắt đầu nghĩ đến ở đâu đó, việc thi tuyển chỉ là sự che lấp của cách thức cũ, người ta không muốn nhắc đến sự ngụy biện thêm nữa.
Trong hoàn cảnh ấy, sự kiện thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng do đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng “khởi ấn” như chỉ dấu khởi động lại một xu hướng chưa kịp nẩy sinh đã bị mờ nhạt. Thực ra, ban đầu không nhiều người khả tin về cuộc thi này, dù Bộ GTVT đã minh bạch điều kiện, quy chế cuộc thi, đặc biệt là sự chặt chẽ ở khâu tuyển thí sinh dự thi và lập ra ban bệ hội đồng giám khảo hoành tráng tới 15 vị, do một Thứ trưởng làm Trưởng ban. Phải đến hôm chốt hồ sơ với 4 ứng viên lọt vòng cuối cùng, cuộc thi được mở công khai, trực tuyến để báo chí theo dõi, giám sát từng hành động, phần thi cụ thể, nó mới tạo ra hiệu ứng khả dĩ. Báo chí giám sát để đánh giá từng ứng viên và “cho điểm” để đối chiếu với điểm của Ban giám khảo xem có sự chênh lệch hay đồng hợp ra sao. Ấy là cách làm mới, không tạo ra sự khuất lấp vốn đồng thuận với sự nghi hoặc niềm tin như nhiều cuộc thi trước đây.
Tôi cho rằng, với cách thức tổ chức thi thố như thế, ấy đã là sự dũng cảm của cả người tổ chức lẫn người dự thi. Dũng cảm của người tổ chức khi công bố rầm rộ, minh bạch nhiều khâu để dư luận thấy được cái lõi là gì, điều ấy không mấy người đủ tự tin làm được. Còn dũng cảm ở người dự thi, ấy là khả năng “chiến đấu”, bởi như tâm sự của Bộ trưởng Thăng thì nhiều giám đốc sở khi được ông động viên nộp hồ sơ thi đã khéo léo từ chối vì sợ rằng, xác suất đỗ không cao, mà trượt thì khó ăn nói với địa phương.
Thi tuyển lãnh đạo đã manh nha tới nay tròn 10 năm kể từ khi Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh “nổ súng”. Xem ra, 10 năm ấy vẫn chưa tạo được nhiều bước chuyển nên không phải dễ để tin rằng, sau thành công của Bộ GTVT, xu hướng thi tuyển minh bạch lại nhân lên ở bộ lẫn địa phương. Dù ai cũng biết lợi ích của thi tuyển là thế nào nhưng sự ngại lo vẫn đeo đuổi. Ấy là bởi người ta hiểu, nếu minh bạch thì họ mất những gì, khi lợi ích chỉ có được nếu sự bổ nhiệm được khuất lấp, thậm chí những điều tiếng chức danh nào đó có giá cả triệu đô cũng không phải sự ngẫu nhiên của dư luận. Nếu còn lợi ích cá nhân và cục bộ, sẽ không dễ để lòng người chịu xóa bỏ vùng tối bằng cuộc thi sáng tỏ, minh bạch. Thấu rõ hai mặt như thế nên chuyện thi tuyển lãnh đạo vừa tạo hiệu ứng tích cực, đồng thời cũng còn đó những khoảng lặng khó giãi bày...