Hiển hiện quá khứ, lịch sử và hiện đại (Ghi trước ngày khánh thành tòa nhà Quốc hội)

Thứ Hai, 20/10/2014, 09:28
Ngày hôm nay, Quốc hội họp để quyết định những vấn đề hệ trọng quốc gia. Tiếng nói trực diện, màn hình trực tuyến, hình ảnh trực tiếp... song chỉ cách ô cửa kính, ngay phía dưới chân tòa lộng lẫy, cao sang là những mảnh gạch hình rồng có niên đại trăm năm, nghìn năm, những dấu tích của kinh thành lịch sử. Quá khứ - hiện tại nơi dấu thiêng cả thiên niên kỷ vốn rất xa xăm mà cũng thật gần...

Giáp Ngọ, tháng mười, ngày hai mươi, Quốc hội khóa XIII khai mạc kỳ họp thứ 8. Ngày này sẽ đi vào lịch sử: Ngày khai mạc cũng là ngày chính thức vận hành tòa nhà Quốc hội mới.

Một công trình nếu về giá trị tài chính còn ở mức khiêm tốn, nhưng ở ý nghĩa chính trị, đó là giá trị có tính lịch sử. Quốc hội kể từ ngày ra đời tới giờ đã qua 13 khóa với 68 năm nhưng đây là khóa Quốc hội vinh dự được ấn lĩnh tại tòa nhà mang tên cơ quan quyền lực cao nhất quốc gia. Ý nghĩa của công trình còn thể hiện ở chỗ, đây là thành quả có được sau quãng thời gian rất dài kể từ khi có chủ trương xây dựng nhà Quốc hội. Cuối những năm 1950, đầu 1960 của thế kỷ trước, thời kỳ đó Liên Xô làm Cung Đại hội, Trung Quốc xây dựng Đại lễ đường nhân dân tại Quảng trường Thiên An Môn. Với mong muốn có tòa nhà làm việc thật hoành tráng,

Bộ Kiến trúc lập một bộ phận chuyên trách, gọi là "tổ Quốc hội" do kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm và Tạ Mỹ Duật phụ trách, hằng ngày trực tiếp nghiên cứu, thiết kế với chuyên gia Trung Quốc. Nhiều phác thảo khá đồ sộ được đưa ra. Thế nhưng, trong điều kiện kinh tế lúc bấy giờ còn rất khó khăn, rồi việc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và tình hình chiến sự miền Nam ngày càng ác liệt nên sau khi cân nhắc kỹ, Bác Hồ nói: "Chưa nên làm vì dân ta còn khổ quá. Bao giờ dân ta khá hơn, xoá được các nhà ổ chuột thì hãy làm. Mình nghèo anh em ai người ta chẳng biết, không có gì phải xấu hổ vì không có hội trường lớn”. Trong điều kiện đó, năm 1963, Hội trường Ba Đình ra đời với tính chất công trình tạm thời để phục vụ không chỉ Quốc hội mà cả những sự kiện chính trị lớn.

Phối cảnh tòa nhà Quốc hội nhìn từ trên cao.

Việc xây dựng nhà Quốc hội gác lại từ dịp đó, ý định là sau khi Bắc - Nam thống nhất, chúng ta sẽ trở lại việc xây dựng sau. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn cũng như các lý do khách quan nên sau năm 1975, rồi ngay sau đổi mới, việc đó vẫn chưa thể thực hiện và Hội trường Ba Đình từ chỗ công trình tạm đã đảm trọng trách suốt nhiều thập niên, là nơi diễn ra các hội nghị, sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước. Quá trình đó, Hội trường Ba Đình được tu bổ, tôn tạo nhiều lần.

Đầu thế kỷ XXI, việc xây dựng tòa nhà Quốc hội được “tái khởi động”. Nhưng khi đó, vấn đề lớn được đặt ra và đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau: xây nhà Quốc hội thì Hội trường Ba Đình giữ hay phá bỏ? Khi mà các phương án chưa thống nhất thì kết quả khảo cổ học phát hiện những dấu tích thật bất ngờ: Di tích Hoàng thành Thăng Long với các triều đại Lý, Trần, Lê... nối tiếp nhau qua nghìn năm lịch sử. Vậy là một quyết định kịp thời được đưa ra: tiếp tục khảo cổ, đồng thời chuyển việc xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia vào khu thể thao, văn hóa Mỹ Đình để kịp đón Hội nghị APEC vào cuối năm 2006, còn việc xây dựng trụ sở Quốc hội tiếp tục được nghiên cứu. Đầu tháng 4/2007, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phương án quy hoạch, xây dựng nhà Quốc hội tại lô D trung tâm chính trị Ba Đình. Đây là quyết định có tính lịch sử bởi để lựa chọn đưa ra phương án nào cho công trình nhà Quốc hội cũng đều rất khó khăn và phải qua rất nhiều phiên bàn thảo, hội họp, rồi cả việc phát phiếu tới từng đại biểu lấy ý kiến thì việc biểu quyết mới được tiến hành. Sau một quá trình lấy ý kiến các chuyên gia và cân nhắc kỹ lưỡng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án đạt giải A của Liên doanh GMP International GmbH – Inros Lackner AG (Cộng hòa Liên bang Đức). Đây là phương án đã đạt giải A (duy nhất) của cuộc thi. Hội đồng tuyển chọn đánh giá với các ưu điểm như có tính biểu tượng cao; không gian đường Bắc Sơn được tổ chức tốt, nghiêm trang, có chiều sâu đồng thời tạo được sự kết nối với tòa nhà Bộ Ngoại giao cũ; kiến trúc đẹp, tỷ lệ hài hòa, tiếp cận linh hoạt, thú vị và hợp lý với khu vực xung quanh với khu bảo tồn nhờ hình dáng công trình và các khoảng không gian mở. Dẫu vậy, do kết cấu phải giới hạn bởi chiều cao và diện tích bề mặt nên có ý kiến cho rằng công trình thiếu đi tính uy nghi, đồ sộ.

Vậy là phải ngót hơn 6 thập kỷ kể từ ngày "tổ Quốc hội" do kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm và Tạ Mỹ Duật phôi thai ý tưởng xây dựng trụ sở Quốc hội thật “đàng hoàng” những năm 1960 cho tới chủ trương xây dựng tòa nhà Quốc hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một công trình mang tên gọi cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia chính thức được vận hành. Được thiết kế khối tòa nhà 4 mặt vuông, cao 39m mang đường nét khoẻ khoắn, vẻ hoành tráng, hiện đại song công trình nhà Quốc hội lại vẫn mang đậm nét văn hoá và lịch sử dân tộc với nhiều chi tiết từ nội thất, góc nhìn và hoa văn trang trí...

Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thiết kế sang trọng với 6 màn hình giúp các đại biểu thuận tiện quan sát diễn biến phiên họp. Phía sau bức tường phòng họp là hình ảnh gốc đa, biểu trưng làng quê thân thuộc. Trung tâm phòng họp chính được thiết kế cao thoáng với mái vòm hình tròn được tô điểm hàng nghìn bóng đèn chiếu sáng như hàng nghìn ngôi sao, trong đó có hệ đèn chùm pha lê nhập khẩu từ Cộng hòa Séc với tổng trọng lượng lên tới 5 tấn. Phòng họp này được dự kiến đặt tên “phòng họp Diên Hồng” - hẳn những nhà lập pháp muốn lấy ý nghĩa hào khí từ hội nghị Diên Hồng xưa kia. Phòng họp được chia thành 2 tầng với 800 chỗ ngồi ở tầng 1 và 300 chỗ ngồi tầng hai, tất cả đều uốn theo hình vòng cung, hướng về đoàn chủ tịch ở giữa, gắn trên đó là thiết bị kỹ thuật để phát biểu, biểu quyết, sử dụng tai nghe tiên tiến nhất. Ngay cửa chính của hội trường, qua lớp cửa kính chịu lực hiện đại, đại biểu và khách tham qua có thể nhìn toàn cảnh Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trung tâm báo chí nằm ở tầng hầm với những tiện nghi, công nghệ hàng đầu về studio, hội thảo truyền hình, đường truyền. Một điểm nhấn đáng chú ý khác là dự án trưng bày di tích, di vật khảo cổ học khai quật được dưới lòng đất tại tầng hầm nhà Quốc hội gắn với việc trưng bày về lịch sử Quốc hội tại tầng 1 sẽ đem lại một hình ảnh mới, đầy tính độc đáo và sáng tạo cho toà nhà Quốc hội Việt Nam.

Có những sự trùng hợp thật diệu kỳ: Cái tên Ba Đình trong thế kỷ XX đã đi vào lịch sử với tính chất là trung tâm chính trị quốc gia, gắn với bao sự kiện cũng vào mùa thu đất nước, từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đến mùa thu Giải phóng Thủ đô năm 1954.

Ngày hôm nay, Quốc hội họp để quyết định những vấn đề hệ trọng quốc gia. Tiếng nói trực diện, màn hình trực tuyến, hình ảnh trực tiếp... song chỉ cách ô cửa kính, ngay phía dưới chân tòa lộng lẫy, cao sang là những mảnh gạch hình rồng có niên đại trăm năm, nghìn năm, những dấu tích của kinh thành lịch sử. Quá khứ - hiện tại, nơi dấu thiêng cả thiên niên kỷ vốn rất xa xăm mà cũng thật gần. Dõi mắt về đường Độc lập, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, những tán xà cừ cổ thụ đổ bóng um tùm. Rút lại tầm gần, ngay trên tầng 3 tòa nhà, giữa kiến trúc bê tông cốt thép, ấy vậy mà vẫn lộ ra những khoảng đất cỏ hoa và cây xanh cao tới dăm bảy mét, tỏa bóng mát rượi. Quả là những nhà kiến trúc lồng ghép tính hiện đại trong cấu trúc xanh thật huyền diệu.

Giờ đây, sự hiện diện của “lâu đài” Quốc hội có ý nghĩa lịch sử lớn lao. “Nhà Quốc hội là công trình công sở đầu tiên quy mô lớn nhất kể từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng trên khu vực có nhiều triều đại nên yêu cầu cao về bảo tồn, bảo tàng” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong buổi kiểm tra tiến độ thi công tòa nhà hồi đầu tháng 10.

Một số dữ liệu

Khởi công: 12/10/2009. Khánh thành: 20/10/2014.

Tổng vốn đầu tư: 5.517,59 tỷ đồng.

Số phòng họp: 80, trong đó phòng họp chính của Quốc hội thiết kế hình tròn với 800 chỗ ở tầng 1 và 300 chỗ tầng 2.

Tòa nhà có 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, chiều cao khoảng 39m, kích thước mặt bằng 102m x 102m, tổng diện tích sàn khoảng 36.540m2 của 5 tầng nổi và khoảng 26.700m2 của 2 tầng hầm.

Tổ chức tư vấn lập dự án là Liên danh GMP International GmbH-Inros Lackner AG (Cộng hòa Liên bang Đức).

Đăng Trường
.
.
.