Hậu Giang: Kỷ niệm 40 năm chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch và 10 năm thành lập tỉnh

Thứ Tư, 01/01/2014, 15:04
Ngày 1/1/2014, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Quân khu 9 và tỉnh Hậu Giang, long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch; 10 năm thành lập tỉnh; đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì; trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện.

Đến dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các Bộ, ban ngành TW, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Quân khu 9; lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; các đồng chí lão thành cách mạng; Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo nhân dân Hậu Giang.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ cuốn cờ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam nhưng lại không cam tâm chịu thất bại với mưu đồ “quân Mỹ rút, nhưng quân ngụy vẫn đứng vững”, tiếp tục thực hiện chế độ “thực dân mới” ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, khi Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực (28/1/1973), Nguyễn Văn Thiệu đã chọn địa bàn Chương Thiện là trọng điểm số 1 ở miền Tây để thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”. Chúng tuyên bố: “Ở Chương Thiện không có chuyện ngừng bắn, không có Hiệp định gì cả”.

Đoán trước âm mưu phá hoại Hiệp định của địch, đầu tháng 1/1973 chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh miền, Quân khu 9 tiến hành điều chỉnh, bố trí lực lượng của Quân khu và bộ đội địa phương các tỉnh vào địa bàn trọng điểm Chương Thiện. Ta vừa điều chỉnh xong lực lượng thì địch mở cuộc hành quân lớn do Sư đoàn 21 làm nòng cốt cùng hàng chục tiểu đoàn bảo an và xe M113 đánh vào Tây Nam Long Mỹ trước khi Hiệp định có hiệu lực. Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương phá kế hoạch này. Một bộ phận pháo binh của ta pháo kích căn cứ hành quân của sư đoàn 21 ở Vị Thanh, cùng lúc ta nghi binh đánh vào Cần Thơ, làm cho địch hủy bỏ cuộc hành quân co về giữ thị xã, thị trấn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng nhì của Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang.

Đêm 27/1/1973, quân dân ta đã tiêu diệt một số đồn ở Nam Long Mỹ. Tiểu đoàn Tây Đô 1 cùng với du kích xã Long Trị tiêu diệt Phân chi khu kích Cái Nai, xã Long Trị. Tiếp theo, Tiểu đoàn Tây Đô 1 diệt đồn Sáu Sang, xã Xuân Hòa (Kế Sách), đồn Cây Dương, xã Phú Hữu (Châu Thành), nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược của địch trở về ruộng vườn cũ… Chiến thắng 75 tiểu đoàn địch tại Chương Thiện năm 1973, đã chứng minh hùng hồn một chủ trương đúng đắn, táo bạo, kịp thời của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, tỉnh ủy Cần Thơ và các tỉnh bạn; đặc biệt là sự chịu đựng gian khổ hy sinh, tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm của quân dân ĐBSCL. Chiến thắng này đã góp phần tạo tiền đề quan trọng, góp phần với quân dân miền Nam tiến tới cuộc Đại thắng mùa Xuân năm 1975…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện.

Năm 2014, Hậu Giang sau khi được chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ), là phần đất thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, là vùng căn cứ kháng chiến cũ nên cơ sở hạ tầng KT-VH-XH-GD, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị còn nhiều yếu kém. Ngoài cơ sở hạ tầng thấp, đội ngũ cán bộ thiếu và yếu; nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trình độ sản xuất giản đơn. Số hộ nghèo trên 20%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 6 triệu đồng/người/năm. Nông nghiệp là thế mạnh nhưng tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP chiếm đến 37,95%. Công nghiệp, các ngành dịch vụ chưa phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng và bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

Đồng chí Huỳnh Minh Chắc - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, những năm đầu, hàng năm, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng định hướng phát triển bền vững, chọn chủ đề trọng tâm và ra Nghị quyết tạo bước đột phá…  Đến nay, toàn tỉnh có 64 dự án đầu tư trong đó 61 dự án trong nước, 3 dự án nước ngoài tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỉ đồng và 654 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 4.200 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Giá trị TM-DV tăng bình quân 20,52%. Mạng lưới chợ được qui hoạch, tổ chức, sắp xếp lại ở khắp các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh bằng phương thức xã hội hoá thu hút hơn 27.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực TM-DV, giải quyết việc làm cho hơn 57.000 lao động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2013 được 284 triệu USD, tăng bình quân 7,96%/năm, tăng gần 1,86 lần năm 2004. Đến năm 2013, sau 10 năm xây dựng, phát triển, Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 12,36%/năm. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2013 là 27,23 triệu đồng, tăng bình quân 17,79%/năm, tăng 4,55 lần so với năm 2004.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp từ 45,59% (2004) nay còn 27,85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 10 năm đạt 65.274 tỉ đồng, tăng bình quân 25,6% trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước quản lý 17.968 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2013 đạt 5.545 tỉ đồng, gấp 6 lần năm 2004…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chiến thắng Chương Thiện đã đi qua 40 năm. Chiến thắng vẻ vang và vinh quang này trước hết thuộc về các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng LLVTND, các liệt sỹ, thương binh, các cán bộ chiến sỹ và đồng chí, đồng bào ta – những người đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng oanh liệt chiến trường. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những người con ưu tú của dân tộc đã trực tiếp làm nên chiến thắng vẻ vang này, trong đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với cả nước, qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã có những nỗ lực to lớn, quyết liệt phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực. Đối với Hậu Giang, sau 10 năm chia tách, từ một tỉnh có rất nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp so với các tỉnh trong vùng, nhưng với sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã đoàn kết, phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực và thu được những kết quả đáng trân trọng.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những thành tựu đạt được, mà vẫn còn trăn trở về sự phát triển của Hậu Giang. Những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp so với các tỉnh ĐBSCL và cả nước; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng thấp, thu chưa đủ chi; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng thu nhập của nông dân còn thấp; lao động qua đào tạo còn rất hạn chế…

Từ những hạn chế trên, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang phải cùng nhau nỗ lực phấn đấu, giải quyết sớm trong thời gian tới…

Trước đó, tối 31/12/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW đến dự lễ vinh danh “Hậu Giang – 10 năm xây dựng và phát triển”. Đây là chương trình nhằm biểu dương 100 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động KT-XH, AN-QP, xây dựng hệ thống chính trị và phong trào an sinh xã hội

Văn Đức
.
.
.