Hành hung nhà báo phải bị xử lý tội “chống người thi hành công vụ”
Thời gian gần đây, việc các phóng viên bị cản trở, thậm chí bị hành hung gây thương tích trong khi tác nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Hành vi thường gặp là cản trở việc hành nghề hợp pháp của phóng viên. Có khi những kẻ côn đồ tấn công nhà báo, chiếm đoạt phương tiện hành nghề, máy vi tính, xoá dữ liệu trong máy… nhằm che giấu hành vi vi phạm.
Trước thực trạng đó, ngày 26/4 Báo điện tử Công luận.vn, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp" với sự tham gia của nhiều đại biểu đại diện các cơ quan báo chí, đoàn luật sư... nhằm phân tích thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp.
Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp”. |
Thống kê của Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam từ 2006 đến quý 1-2010 cho thấy: Số vụ cản trở, hành hung phóng viên có 18 vụ, trong đó có 5 vụ cản trở nhà báo tác nghiệp (chiếm 27,8%), 13 vụ hành hung nhà báo (chiếm 72,2%). Trong 13 vụ hành hung thì chỉ có 4 vụ được khởi tố, 9 vụ không khởi tố. Trong số 4 vụ đã khởi tố chỉ có một vụ khởi tố và có tin xét xử, còn lại 3 vụ có khởi tố mà không có tin xét xử.
Đáng lưu ý là tất cả những vụ khởi tố đều theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự (Tội cố ý gây thương tích) hoặc các điều luật khác mà chưa có vụ nào được khởi tố theo Điều 257 (Tội chống người thi hành công vụ). Đáng chú ý có tới 30% công văn của Hội Nhà báo gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết vụ việc, bảo vệ hội viên, không được hồi âm.
Từ 1/1/2010 đến nay, tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp gia tăng, diễn biến phức tạp. Cụ thể như vụ phóng viên Huỳnh Lộc và Hàn Giang (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh) bị hành hung ở Long An, phóng viên Duy Bùi (Báo Thể thao 24h) bị hành hung ở sân Thiên Trường… Đặc biệt nghiêm trọng là vụ phóng viên Trần Thế Dũng (Báo Người Lao động) bị hành hung ở Lạng Sơn. Đáng chú ý trong các vụ cản trở, hành hung nói trên đều có biểu hiện là đương sự biết rõ người bị tấn công là các nhà báo đang tác nghiệp nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi.
Nhà báo Trần Đức Chính, Tổng Biên tập Báo Điện tử Công luận.vn khẳng định: "Cần phải thiết lập ngay những cơ chế hữu hiệu, để bảo vệ danh dự, tính mạng của nhà báo, cũng như bảo vệ quyền được thu thập thông tin, bảo vệ quyền được tác nghiệp của nhà báo. Trong đó cần phải sử dụng biện pháp xử lý về hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Thực tế cho thấy điều luật chống người thi hành công vụ là áp dụng phù hợp nhất, nhưng lại chưa được hiểu một cách rõ ràng". Nhiều ý kiến thảo luận chỉ ra những biện pháp bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân - Đoàn luật sư TP Hà Nội: "Nhiều khi nhà báo còn sơ hở". Luật đã quy định: "Các cơ quan phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí", nhưng thực tế nhiều cơ quan không thực hiện quy định này. Trong thời gian qua, hoạt động tác nghiệp của nhà báo chưa "thuận buồm xuôi gió" bởi một số cản trở do nhiều nguyên nhân. Nhưng cũng cần thẳng thắn đánh giá, không ít nhà báo trình độ năng lực tác nghiệp thiếu kinh nghiệm, xử lý tình huống thiếu chuẩn xác còn để sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng, bôi nhọ... Về Luật, cần bổ sung một thông tư hướng dẫn Luật công chức quy định hoạt động của nhà báo là hoạt động công vụ thì đương nhiên hành vi cản trở, hành hung nhà báo sẽ được xử lý theo Điều 257 (Tội chống người thi hành công vụ). |