Hàng tỷ mét khối nước mưa đang bị lãng phí

Thứ Năm, 20/09/2007, 15:40
Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, lượng nước mưa hằng năm ở đây đã lên tới 1 tỷ m3, nếu tính nhiều tỉnh, thành khác cộng lại thì rất nhiều tỷ mét khối nước mưa đã bị lãng phí một cách đáng tiếc.

Trong khi 30% dân số Việt Nam thiếu nước sạch và nguồn nước ngầm nhiều nơi đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, nước tại nhiều lưu vực sông hồ có dân cư sinh sống bị ô nhiễm thì một lượng lớn nước mưa tại nhiều tỉnh, thành phố đang bị lãng phí. Ngoài ra, việc không quy hoạch nguồn nước mưa còn gây ra tình trạng ngập úng nhiều nơi...

Lưu trữ để ngừa chuyện lún đất, điều hoà nhiệt các thành phố

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam được đánh giá có lượng nước mưa khá lớn, khoảng 1.976mm/năm, cao hơn rất nhiều so với lượng nước mưa bình quân ở các nước châu Á.

Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, lượng nước mưa hằng năm ở đây đã lên tới 1 tỷ m3, nếu tính nhiều tỉnh, thành khác cộng lại thì rất nhiều tỷ mét khối nước mưa đã bị lãng phí một cách đáng tiếc.

Theo phía các nhà khoa học, nước mưa là nguồn tài nguyên quan trọng, sử dụng và quy hoạch nước mưa là trách nhiệm gắn liền với sự phát triển bền vững của các thành phố. Tại nhiều nước trên thế giới đã xây dựng các bể chứa nước mưa, vừa tránh để ngập vừa là nguồn nước bổ sung quan trọng cho các nhà máy và phục vụ sinh hoạt.

Các nhà khoa học cũng nhận định rằng, có thể kiểm soát ngập lụt trong thành phố bằng cách lưu giữ lượng nước mưa trên các mái nhà, trên mặt đất hoặc thấm dưới đất. Nước mưa được lưu trữ cho phép chúng ta sử dụng trong nhiều trường hợp khẩn cấp chứ không nhất thiết chỉ để uống...

Tạo điều kiện cho nước mưa thấm xuống đất hoặc xây các hồ chứa ngầm có thể ngăn ngừa được tình trạng các thành phố bị tác động xấu do ô nhiễm nhiệt, phòng ngừa được tình trạng khan hiếm nước và cải thiện được môi trường đô thị, góp phần tái tạo nguồn nước ngầm mỗi khi chúng ta cần sử dụng tới.

Tận dụng tốt nguồn nước mưa cũng là giải pháp toàn diện cho vấn đề tài nguyên nước và môi trường ở đô thị. Làm như vậy sẽ phục hồi được sự tuần hoàn nước tự nhiên, làm cho các thành phố có cuộc sống hài hoà.

Giữ gìn mạch nước ngầm như là một tài sản cho nhiều thế hệ sau. Có thể chứa nước mưa trên các bể cố định trên mặt đất tại nhiều địa phương, hạn chế nước mưa chảy xuống các cống rãnh, thoát nước xung quanh nhà, hai bên đường phố... Thực tế, hiện nay, tại nhiều nơi ở Việt Nam, việc hút nước quá mức từ dưới lòng đất lên đã gây ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng. 

Thạc sĩ Hồ Phi Long, bộ môn Tài nguyên nước và Môi trường (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cảnh báo, với tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay, 10 năm nữa mặt đất sẽ bị lún mạnh, nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập úng nặng hơn. Khi mặt đất bị hạ thấp sẽ khó khăn cho các công trình xây dựng sau này.

Tại Nhật Bản, từng xảy ra tình trạng thiếu nước, nhưng từ năm 1994, quốc gia này cũng đã tận dụng nguồn nước mưa để khắc phục tình trạng trên, đồng thời hướng tới mục tiêu: "Sử dụng nước mưa để cứu trái đất, xây dựng mối quan hệ thân thiết với nguồn nước mưa".

Singapore cũng là quốc gia thiếu nước, nhưng nhờ có công nghệ tận dụng tốt nguồn nước mưa nên họ đã phần nào khắc phục được tình trạng trên.

Lưu trữ nước mưa trên cát - biện pháp mới

Trong một dự án khoa học công nghệ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Bá Trinh (Viện Hoá học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) mới đây đã chủ trì thực hiện thành công công nghệ "Trữ nước mưa trên cát" với chi phí thấp và dễ dàng thực hiện.

Công nghệ mới này cho phép khai thác triệt để nguồn tài nguyên nước mưa, góp phần giải quyết nguồn nước cho các vùng biển, hải đảo thường khan hiếm nước dùng cho sinh hoạt, trồng trọt hay những nơi mùa mưa phân bố không đều trong năm.

Công nghệ trữ nước mưa này cũng có thể áp dụng cho nhiều vùng khác nhau với điều kiện ở nơi đó có nguồn cát. Người dân có thể tự làm hồ trữ nước với quy trình đơn giản, thời gian sử dụng vài chục năm, chi phí chỉ vài triệu đồng tuỳ theo khối lượng nước trữ. Chất lượng nước trữ sẽ đáp ứng được nhu cầu ăn uống và sinh hoạt.

Quy trình thực hiện trữ nước mưa trên cát bằng việc tạo ra một hồ chứa đầy cát, và thành hồ được xử lý bằng vật liệu chống thấm. Diện tích đào hồ cát tuỳ theo nhu cầu sử dụng và tuỳ thuộc vào lượng mưa tại địa phương.

Công nghệ này hiện đang được áp dụng tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) và sắp tới sẽ được triển khai ở Thạnh Phú (Bến Tre). Với công nghệ mới này, hi vọng sẽ dần khắc phục được tình trạng thiếu nước ở những vùng có ít nguồn nước ngầm nhưng lại có lượng mưa phong phú...

Văn Nguyễn
.
.
.