Hà Nội tạm dừng cấp phép công chứng tư

Thứ Năm, 12/03/2009, 15:55
Vừa qua Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội tạm dừng cấp phép thành lập VPCC mới. Việc này đã khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt là những công chứng viên mới được bổ nhiệm đang làm thủ tục mở văn phòng công chứng...

Theo thống kê của cơ quan quản lý TP Hà Nội, 6 tháng qua kể từ khi VPCC đầu tiên khai trương thực hiện những hợp đồng công chứng đầu tiên, thì tính trên báo cáo của 19 VPCC, đến nay các VPCC này đã thực hiện khoảng 15.000 hợp đồng, thu trên 4,3 tỉ đồng lệ phí. Thoạt nhìn thì đây là con số không lớn nếu chia ra cho 19 VPCC và nếu tính toán những chi phí ban đầu khá lớn mà các VPCC bỏ ra khi mới thành lập.

Tuy nhiên, theo một trưởng VPCC vừa mới khai trương, mô hình VPCC đang rất khả quan, tổng số lệ phí hơn 4,3 tỉ kia chủ yếu là thu nhập của nửa số VPCC thành lập sớm nhất, có nhiều khách quen hơn.

Đặc biệt, kể từ khi có Thông tư mới của liên Bộ Tài chính -  Tư pháp về mức lệ phí mới cho công chứng. Theo đó, kể từ ngày 21/11/2008 áp dụng phí công chứng cao hơn trước khá nhiều.

Quy định về phí công chứng mới được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch. Cụ thể, dưới 100 triệu đồng, thu 100.000 đồng; từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng thu 0,1% giá trị hợp đồng; từ trên một tỷ đồng đến năm tỷ đồng, thu một triệu đồng và 0,07% giá trị vượt quá một tỷ đồng; từ trên năm tỷ đồng thu 3,8 triệu đồng và 0,05% giá trị vượt quá năm tỷ đồng nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng một trường hợp…

Tất cả khoản phí liên quan việc công chứng không theo giá trị tài sản, hợp đồng giao dịch cũng được điều chỉnh tăng gấp đôi so với mức cũ. Chưa nói đến những giao dịch khác, riêng giao dịch về bất động sản ở Hà Nội cũng đã tạo ra những khoản thu rất khá cho các VPCC.

Quan sát gần một buổi sáng tại VPCC Hà Nội, chúng tôi thấy không ít các giao dịch nhà đất lên tới nhiều tỉ đồng, khoản thu cho VPCC theo đó cũng không hề ít. Có lẽ chính vì thế, đến nay Hà Nội trở thành địa phương có nhiều VPCC nhất cả nước.

Con số VPCC trên địa bàn sẽ không dừng ở đó, nếu vừa qua Bộ Tư pháp không có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội tạm dừng cấp phép thành lập VPCC mới. Theo Bộ Tư pháp, lý do tạm dừng cấp phép là Hà Nội đã mở rộng cần có quy hoạch mới về mạng lưới các VPCC để phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác này.

Theo Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) thì ở Hà Nội có quận có tới 7 VPCC, trong khi ở địa bàn Hà Tây (cũ) lại chưa có VPCC nào được thành lập, trong khi giao dịch nhà đất cũng sôi động. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này không hẳn nhận được sự đồng tình của nhiều người, bởi theo quy luật cung - cầu thì nơi nào người dân có nhu cầu cao, tức là phải "làm ăn được" thì các công chứng viên mới mở VPCC. Hiện cũng không có quy định nào không cho phép lập các VPCC ở gần nhau, hay trên cùng địa bàn. Bằng chứng là có quận ở Hà Nội có tới 7 VPCC. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp thì Hà Nội với địa giới hành chính mới cần làm lại quy hoạch mạng lưới các VPCC cho phù hợp.

Vậy việc tạm dừng sẽ kéo dài đến bao giờ? Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, đây chỉ là việc tạm dừng, chứ không phải không cấp phép nữa. Việc nhanh chậm phụ thuộc vào TP Hà Nội lập đề án quy hoạch bổ sung, quy hoạch lại như thế nào. Không riêng Hà Nội, mà các địa phương khác cũng phải có quy hoạch mạng lưới các VPCC trên địa bàn.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, các VPCC được thành lập trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức

B.Tuấn
.
.
.