Hà Nội: Triển lãm Quy hoạch đô thị ven sông Hồng

Thứ Tư, 19/09/2007, 19:00

Khai mạc từ ngày 17/9, nhưng đến 9h sáng 18/9, tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội, triển lãm về Quy hoạch thành phố ven sông Hồng Hà Nội chính thức mở cửa nhằm trưng cầu ý kiến người dân. Tại đây, các hình ảnh, sơ đồ về chủ trương, định hướng, mục tiêu, kế hoạch thực hiện quy hoạch này đã được trưng bày rộng rãi.

Theo ông Trần Đình Tuấn, cán bộ Ban quản lý dự án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và vùng lân cận.

Chính vì vậy đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng buổi sáng, gần 700 phiếu thăm dò ý kiến người dân được phát ra từ Ban tổ chức đã hết veo.

Hàng ngàn người dân tham quan và đóng góp ý kiến

Dự án được quy hoạch trên toàn bộ khu vực ngoài đê sông Hồng, trải dài hơn 40km dọc hai bờ sông, đoạn chảy qua Hà Nội, bắt đầu từ nơi tiếp giáp với địa phận tỉnh Hà Tây là cầu Thượng Cát, thuộc huyện Từ Liêm, chạy dọc tuyến đê đến qua cầuThanh Trì, huyện Thanh Trì, bao gồm các quận, huyện: Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hoàng Mai và đối diện bên kia sông là Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên.

Đối tượng di dời là người dân sống trên khu vực bãi ven sông. Việc di dời có thể được chia thành 3 giai đoạn với tổng số hộ dân di dời là 39.100 hộ, trong đó giai đoạn 1 từ 2008 - 2012, khu vực từ điểm đầu dự án tới cầu Thăng Long với số hộ dân di dời là hơn 11.100 hộ. Giai đoạn 2 (2013 - 2016): Từ cầu Thăng Long tới cầu Thanh Trì, số hộ dân di dời hơn 19.300 hộ. Giai đoạn 3 (2017 - 2020): cầu Thanh Trì tới điểm cuối dự án, số hộ dân di dời 8.680 hộ.

Xếp hàng và chen chúc nhau, đó là thực tế những gì đang diễn ra tại triển lãm quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội. 9h, triển lãm mới mở cửa, nhưng mới 8h30' sáng, nhiều người dân Thủ đô đã tập trung tại cửa triển lãm để chờ đợi. Rất nhiều người trong số đó đến từ vùng quy hoạch, muốn tìm hiểu để xem số phận của nhà mình đi về đâu. Tuy nhiên, cũng không ít người không nằm trong cùng quy hoạch nhưng vẫn đến xem vì "nghe nói đây là bản quy hoạch quy mô nhất từ trước đến nay cho Thủ đô Hà Nội", hoặc có thể nhiều người nghe ngóng để kinh doanh.

Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, gần 700 phiếu thăm dò đã được phát hết. Hầu hết người dân đều ủng hộ bản quy hoạch và mong chờ dự án được triển khai, nhưng tất cả đều có ý kiến chung là muốn có một bản quy hoạch chi tiết và cụ thể hơn. Cũng không ít "người trong cuộc", tức là người dân thuộc diện quy hoạch, băn khoăn về việc triển khai di dời, giải phóng mặt bằng và vấn đề đền bù giá cả.

"Hà Nội đã từng bị chậm tiến độ rất nhiều dự án chỉ vì mắc ở khâu giải phóng mặt bằng và đền bù cho người dân. Chúng tôi mong rằng, với một dự án có quy mô hiện đại như thế này, vấn đề đó sẽ được thành phố làm dứt điểm và hợp lý, đừng để quy hoạch treo là được. Còn người dân chúng tôi thì hoàn toàn ủng hộ", bác Nguyễn Văn Bằng, phường Yên Phụ nói.

Hơn 7 tỷ USD cho dự án 2008 - 2020

Theo dự tính của các nhà quy hoạch, tổng vốn đầu tư tạm tính của dự án lên tới hơn 7 tỷ USD. Trong tổng chi phí dự án thì chi phí công trình chính là 1.924 triệu USD (gồm công trình chỉnh trị sông, công viên ven sông, đường ven sông); chi phí phát triển nhà và hình thành khu là 3.611 triệu USD, riêng chi phí bồi thường và tái định cư là 1.564 triệu USD. Trên toàn tuyến 40km dọc hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ hình thành những công viên, khu sinh thái, khu đô thị mới rất lớn… nơi cư trú của khoảng hơn 300.000 dân (tương đương với khoảng 90.000 hộ gia đình).

Mục đích của dự án là xây dựng đường ven sông hình thành trục Nam - Bắc theo đê mới và đường đê hiện có hai bờ sông Hồng, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị có tính cạnh tranh quốc tế, cải thiện vấn đề môi trường và giao thông. Phương hướng quy hoạch cơ bản theo khu vực như sau:

Khu đoạn 1 (dự kiến phát triển diện tích khoảng 250ha) cân nhắc tới tính liên kết mang tính cảnh quan, tính sinh thái của vùng thượng lưu sông, bảo tồn tính tự nhiên thuận lợi, phục hồi không gian sông bị tổn hại từng phần.

Khu đoạn 2 (diện tích phát triển khoảng 902ha) được xây dựng là khu vực ứng dụng điểm trung gian thực hiện hoạt động văn hoá thư giãn, vui chơi giải trí và tăng cường tính tiếp cận người dân thành phố.

Khu đoạn 3 (diện tích phát triển khoảng 230 ha) liên kết với khu vực Hoàn Kiếm xây dựng không gian mở của trung tâm yếu tố văn hóa lịch sử, cung cấp địa điểm cho việc giáo dục lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái.

Khu đoạn 4 (kế hoạch phát triển khoảng 1.080ha) thuộc phần hạ lưu sông Hồng, được xây dựng làm không gian sinh thái trọng tâm vùng sinh vật xanh tinh lọc ven sông và đầm lầy xanh tinh lọc ven sông, làm cơ sở chủ yếu của việc tuần hoàn nước trong TP Hà Nội.

Đại diện của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, mặc dù chưa thật chi tiết vì đây mới là bước lập dự án quy hoạch chứ chưa phải là lập dự án đầu tư xây dựng nhưng vấn đề di dời dân và bồi thường cũng đã được tính toán cẩn thận.

Để đáp ứng nhu cầu di dời các hộ dân, dự án đã tính toán nhà tái định cư vào khoảng 28.900 căn nhà. Với số hộ dân di dời như trên, có hai phương án bồi thường trực tiếp (bằng tiền mặt) và bồi thường gián tiếp (cung cấp chung cư cho thuê dài hạn).

Với khối lượng dân di dời lớn, Tổ công tác Seoul và Hà Nội đã đề xuất phương án xúc tiến đồng thời cả 3 việc: di dời dân cư, xây dựng công trình chính và cải tạo đô thị. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến vào năm 2020.

Khi được hỏi về ý kiến đối với cuộc triển lãm tuyên truyền dự án, anh Trần Mạnh Hùng (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) cho biết: Tôi rất ủng hộ dự án quy hoạch cải tạo và phát triển đô thị ven sông Hồng. Nhưng theo tôi, nên làm lại phần đê mới và phần quy hoạch công viên ven sông nên giữ lại những làng cổ gốc với đình chùa và di tích lịch sử văn hoá.

Còn anh Bùi Tuấn Kiên (Bạch Đằng, Hoàn Kiếm) bộc bạch: Tôi rất mong muốn Nhà nước có chính sách, phương án đền bù, tái định cư một cách thỏa đáng và hợp lý. Điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chính sách với nhân dân, tránh tình trạng tham nhũng của các cấp chính quyền, dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Được biết, sau đợt triển lãm này (từ 17/9 đến 29/9), các ý kiến đóng góp của người dân sẽ được Tổ dự án tổng hợp, chuẩn bị cho văn bản đề xuất tại hội thảo lần cuối, sau đó lại triển lãm, lấy ý kiến của nhân dân một lần nữa trước khi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định.

Bản quy hoạch cần chi tiết hơn, rõ ràng hơn

Đó là ý kiến của rất nhiều người dân khi đến xem triển lãm Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Hà Nội. Người ta chen chúc nhau, sau đó quay ra... lắc đầu không hiểu vì không rõ ràng. Thế nên, nhiều người xem triển lãm xong, hoang mang không hiểu nhà mình có nằm trong diện quy hoạch hay không.

Một đại diện Ban tổ chức giải thích rằng vì đây là cuộc triển lãm để "trưng cầu dân ý", chưa phải là bản quy hoạch cụ thể. Thiết nghĩ, Ban Quản lý Dự án cần có bản chú thích rõ ràng và cụ thể hơn các khu vực dân cư, tránh việc "đánh đố" người xem.

Lưu Thúy - Thanh Huyền
.
.
.