Hà Nội: Thêm nhiều đường, phố có tên mới

Thứ Hai, 16/06/2008, 10:22
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về đặt, đổi tên và điều chỉnh độ dài 34 đường phố trong đó 20 đường phố được mang tên danh nhân, 11  đường phố mang tên địa danh và điều chỉnh độ dài 3 đường phố.

Ngày 14/6 được HĐND TP Hà Nội dành trọn để các đại biểu chất vấn lãnh đạo UBND TP tuy chưa đủ để các đại biểu bày tỏ ý kiến của mình trước hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc nhưng cũng đã nêu rõ được những điểm còn yếu kém, cần rút kinh nghiệm của UBND TP như trong lĩnh vực thanh tra công vụ, nhà ở xã hội cho công nhân ngoại tỉnh tại các khu công nghiệp, quản lý xử lý vi phạm về quảng cáo và kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật của Thủ đô.

Thanh tra công vụ bỏ sót lĩnh vực khiếu nại - tố cáo

Báo cáo trước HĐND TP về kết quả thanh tra công vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Lưu Tiến Định cho biết, 2 năm qua thanh tra công vụ đã tập trung vào các lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính. Qua đó, đã phát hiện nhiều  sai phạm về quy trình, hoạt động tại các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng...

Một số đơn vị có sai phạm về quy chế, không thực hiện đúng quy trình, như bộ phận một cửa Sở KHĐT còn đưa thêm thủ tục không có trong quy định,  UBND phường Nghĩa Tân còn yêu cầu người kết hôn phải có xác nhận của tổ dân phố...

Nhiều cấp vi phạm quy định về giải quyết thủ tục hành chính (cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) như UBND quận Thanh Xuân;  Chủ tịch UBND các phường: Trúc Bạch, Ngọc Khánh, Phương Liên, Cầu Dền không áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền được giao để xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm trật tự xây dựng; không thực hiện đúng chế độ báo cáo...

Tuy nhiên, con số hơn 100 cán bộ bị xử lý kỷ luật qua thanh tra công vụ chưa làm các đại biểu HĐND hài lòng. Đại biểu Bùi Thị An thắc mắc, với tỷ lệ cán bộ liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng quá nhiều, Sở Nội vụ rút ra bài học gì để quản lý cán bộ thuộc lĩnh vực nhạy cảm này? Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn: "Giải quyết khiếu nại tố cáo hiện là lĩnh vực có nhiều sai sót, dân kêu nhiều vậy vì sao Sở không thanh tra lĩnh vực này?".

Câu trả lời: "Thanh tra công vụ thời gian qua mới chỉ dừng lại ở những lĩnh vực thành phố giao, còn với lĩnh vực tố cáo thì cơ quan thường trực là Thanh tra Nhà nước!" của Giám đốc Sở Nội vụ Lưu Tiến Định không được các đại biểu đồng tình vì thanh tra công vụ là thanh tra xem việc thực hiện công vụ đúng chưa, kể cả trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại tố cáo, không thể đổ cho Thanh tra Nhà nước làm thay.

Nhà ở xã hội cho công nhân ngoại tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 5 khu công nghiệp tập trung và 18 cụm công nghiệp vừa và nhỏ với 416 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và khoảng 66.133 công nhân, trong đó số công nhân ngoại tỉnh khoảng 31.730 người (chiếm 48%).

Ngay từ năm 2006, thành phố đã chủ động triển khai thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Đây là dự án thí điểm đầu tiên trên địa bàn Hà Nội và là dự án đầu tiên trên toàn quốc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân ngoại tỉnh hiện rất lớn trong khi nếu 26 khối nhà cho công nhân thuê được hoàn thành cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Chỉ tính riêng tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, danh sách các công nhân thuê nhà đã đăng ký hơn 10.000 người.

Mặc dù mức giá thuê nhà chỉ có 90.000 đồng/người/tháng nhưng ngay chính công nhân cũng không mặn mà thuê nhà vì nhiều lý do như giờ giấc gò bó, ở quá đông người trong một phòng… Các chủ đầu tư cũng không mặn mà với các dự án này vì so với các dự án xây dựng khác, nhà ở xã hội cho công nhân không mang lại lãi suất cao.

Đại biểu Nguyễn Đức Biền cho rằng, nhà ở cho công nhân thuê là dự án có hiệu quả, nhưng TP tập trung xây dựng 26 khối nhà thì vấn đề xây dựng hạ tầng đồng bộ cũng phải được triển khai đồng bộ.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, với 26 khu nhà xã hội cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở của hơn 24.000 công nhân ngoại tỉnh tại đây. Vì vậy, nhà ở của dân tự xây để cho công nhân thuê cũng là phương án tốt, TP nên nghiên cứu xây dựng hạ tầng tại các khu dân cư có nhiều nhà dân tự xây nhà cho thuê để đảm bảo tốt các vấn đề môi trường và an ninh trật tự.

Trước những câu hỏi trên, ông Sửu cho biết, đây là khu thí điểm đầu tiên của Hà Nội, cơ chế cụ thể nhà ở cho công nhân thuê ngay cả Trung ương cũng chưa có nên chúng ta cứ mạnh dạn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do chưa có đủ nhà nên người dân tự phát cho thuê. Sau này TP cũng phải có hướng dẫn cho người dân. Các doanh nghiệp muốn sử dụng nguồn lao động ổn định người ta cũng có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này. Kinh nghiệm cho thấy sau khi tổ chức được khâu này thì vấn đề an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng tốt hơn.

Đổi tên và điều chỉnh độ dài 34 đường phố

Chiều 14/6, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về đặt, đổi tên và điều chỉnh độ dài 34 đường phố trong đó 20 đường phố được mang tên danh nhân, 11  đường phố mang tên địa danh và điều chỉnh độ dài 3 đường phố.

Cụ thể, quận Cầu Giấy có 3 đường phố được đặt tên là phố Nguyễn Khả Trạc, phố Phạm Thận Duật, phố Trần Tử Bình.

Quận Đống Đa có 3 phố được đặt tên là phố Xã Đàn, phố Trúc Khê, phố Mai Anh Tuấn.

Quận Hoàn Kiếm: đặt tên phố Nguyễn Tư Giản.

Quận Hai Bà Trưng: Điều chỉnh kéo dài phố Trần Đại Nghĩa. Quận Hoàng Mai đặt tên phố Tây Trà, phố Định Công Thượng, phố Trần Thủ Độ, phố Đặng Xuân Bảng; điều chỉnh kéo dài: phố Nam Dư.

Quận Long Biên: Đặt tên phố Vạn Hạnh, phố Nguyễn Cao Luyện, phố Huỳnh Văn Nghệ, phố Việt Hưng, phố Thanh Am, phố Gia Quất.

Huyện Đông Anh: Đặt tên đường Đào Duy Tùng, đường Ga Đông Anh.

Huyện Gia Lâm: Đặt tên đường Đặng Phúc Thông, đường Nguyễn Bình, đường Đa Tốn.

Huyện Sóc Sơn: Đặt tên phố Khuông Việt, phố Thân Nhân Trung, phố Lưu Nhân Chú.

Huyện Thanh Trì: Đặt tên đường Ngũ Hiệp, đường Đông Mỹ, đường Yên Xá.

Huyện Từ Liêm: Đặt tên phố Nguyễn Cơ Thạch, đường Lê Quang Đạo, phố Đỗ Đức Dục; điều chỉnh kéo dài phố Trần Bình

Ngọc Yến
.
.
.