Góc nhìn pháp lý, thực tiễn về oan, sai trong tố tụng hình sự

Chủ Nhật, 07/06/2015, 16:00
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo kết quả giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS) và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, nhiều ý kiến nêu bật tình hình, những giải pháp phòng ngừa, khắc phục oan, sai có hiệu quả của cơ quan điều tra Công an các cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND liên quan vấn đề này, Thiếu tướng PGS.TS. Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng, để hiểu đúng cần phân biệt rõ vấn đề oan và sai trong TTHS, xác định nguyên nhân, gắn trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan tiến hành tố tụng, và xây dựng mối quan hệ kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động tố tụng.

- PV: Không ít quan niệm vẫn đánh đồng giữa oan và sai trong tố tụng hình sự, từ đó nhìn nhận, đánh giá chưa đúng bản chất vấn đề. Theo Thiếu tướng, cần cắt nghĩa oan sai và bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: “Oan” và “sai” trong TTHS là hai khái niệm khác nhau nhưng lại có mối quan hệ tác động qua lại. Tại Điều 1 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định về “Nhiệm vụ của Bộ luật TTHS”, trong đó có nhiệm vụ: “…không làm oan người vô tội”. Điều 9 Bộ luật TTHS quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy, theo các điều luật trên của Bộ luật TTHS thì có thể hiểu: người bị oan phải là người không có tội nhưng lại có bản án kết tội của Tòa án, có hiệu lực thi hành và cũng chính bằng bản án của Toà án kết luận vô tội vì không ai và không có cơ quan nào có thẩm quyền này.

Trong khi đó, Điều 29 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan…”.

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa trao đổi tại buổi tập huấn nghiệp vụ Cảnh sát.

Đối chiếu với Điều 33 Bộ luật TTHS thì cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và người có chức danh tư pháp thuộc các cơ quan này.  

Trước đây, thực hiện Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (được ban hành trước Bộ luật TTHS năm 2003) và Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BQP-BTP-BTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/ NQ-UBTVQH11 thì những người bị oan được bồi thường thiệt hại bao gồm: Người bị tạm giữ, bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc hủy bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội; người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định trên đây mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội (người bị khởi tố nhưng được tại ngoại). Như vậy, những người bị oan trùng với những người được bồi thường thiệt hại.

Hiện nay, thực hiện theo các quy định của Luật số 35/2009/QH12 ngày 18/6-/ về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) và Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP_BTC-BNN&PTNT này 2/11/2012 Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự. Trong đó có đề cập về việc áp dụng thời hiệu đối với những trường hợp oan xẩy ra trước ngay Luật TNBTCNN có hiệu lực thì vẫn phải căn cứ các quy định của Nghị quyết số 388/203/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  về bồi thường thiệt hạn cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra.

Với những quy định trong Bộ luật TTHS, Nghị quyết số 388/203/NQ-UBTVQH trước đây, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 05/2012 hiện hành, tôi chỉ nêu quan điểm có tính chất khái lược, chắc là còn phải tiếp tục trao đổi, cụ thể như sau: Oan là những vi phạm của người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra mà hậu quả Nhà nước phải bồi thường thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật. Người bị oan là những người bị thiệt hại về vật chất hoặc bị tổn hại về tinh thần do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và họ được bồi thường (hay Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với họ) theo quy định của pháp luật.

Sai có thể là những hạn chế, thiếu sót, bất cẩn và thiếu khách quan của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng hoạt động tố tụng hình sự hoặc có thể gây ảnh hưởng về vật chất, tinh thần đối với người có hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật và không thuộc những trường hợp Nhà nước bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy rằng “oan” và”sai” trong TTHS cần tiếp tục hoàn thiện về cả phương diện chính sách hình sự, khoa học pháp lý và quyền con người. oan là thường sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm; gây thiệt hại vệ vật chất tinh thần đối với người vô tội. Quá trình thống kê, đánh giá cần tách riêng oan, sai để đảm bảo khách quan; phản ánh đúng bản chất của sự vật hiện tượng và con người.

- PV: Qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, có nhiều địa phương mấy năm qua không xảy ra vụ án oan nào, trong khi một số địa phương chưa làm được điều này, còn để xảy ra án oan, gây bức xúc dư luận. Vậy cần đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan của vấn đề này ra sao, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Thực tiễn hoạt động TTHS thời gian qua cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến oan và bỏ lọt tội phạm. Trước tiên phải nói đến quan điểm và chính sách pháp luật hình sự ở nước ta thể hiện trong Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS có rất nhiều điểm tiến bộ, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải “…chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng, xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” nhưng đồng thời cũng phải“…góp phần bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích nhà nước, trật tự pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, các tổ chức”.

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc…”.  Tính hai mặt trong cùng một mục đích trong khi tiến hành hoạt động TTHS và cải cách tư pháp không phải lúc nào cũng có thể được coi trọng hài hòa và thoả mãn cả hai.

Đảm bảo quy trình, quy định trong bắt, khám xét (trong ảnh: Công an Gia Lai khám xét vụ án làm giả con dấu, tài liệu).

Trong chỉ đạo, hoạt động thực tiễn, có nơi, có lúc, cơ quan hay người tiến hành tố tụng hình sự thường có khuynh hướng “tả khuynh” hay “hữu khuynh”, nhấn mạnh mặt này, coi nhẹ mặt khác. Ở một khía cạnh khác, nếu chính sách hình sự chưa thật rõ ràng, luật không chặt chẽ thì chủ thể tiến hành tố tụng sẽ có điều kiện hiểu luật hay “lách luật”, lợi dụng những kẻ hở của pháp luật hình sự.

Đội ngũ luật sư chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu “tranh tụng”. Cả nước hiện nay mới chỉ có khoảng trên 8000 luật sư, tỷ lệ khoảng 14000 dân/1 luật sư, phân bố lại không đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Trong khi đó các nước như Hoa kỳ, Singapore, Canada để có đủ luật sư tham gia ngay từ khi lấy lời khai, thực hiện “quyền im lặng” tỷ lệ luật sư trên dân là từ 250 đến 1000 dân/1 luật sư; có đội ngũ luật sư công, có chính sách hỗ trợ, Nhà nước bỏ tiền nhà nước để thuê luật sư bảo vệ cho người dân khi phải đối mặt với vấn đề hình sự nếu người dân đó có thu nhập thấp ở Canada là dưới 750 đola/ tháng.

Các quy định về giám định; thời hạn giám định, đánh giá giám định và chất lượng giám định cũng là một trong những nguyên nhân.

Ngoài nguyên nhân khách quan thì không ít nguyên nhân chủ quan từ chính những người tiến hành tố tụng như chưa thực sự làm hết trách nhiệm; yếu về pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; có nơi, có lúc còn chưa coi trọng việc thu thập chứng cứ gỡ tội, tâm lý chủ quan, định kiến, hời hợt, hoặc có sự nể nang, đồng thuận một chiều; áp lực công việc, chạy theo thành tích; lực lượng, phương tiện còn thiếu, đời sống khó khăn; cá biệt còn trường hợp do mục đích cá nhân.

- PV: Theo pháp luật hiện hành, vai trò, trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong hoạt động tố tụng và việc phối hợp để Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động điều tra được quy định ra sao? Việc phối hợp với Viện kiểm sát thực hành quyền công tố có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng ngừa oan, sai trong tố tụng?  

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Hiến pháp năm 2013 xác định Viện kiểm sát có chức năng thực “hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Theo Điều 112 của Bộ luật TTHS quy định, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra VKS có nhiệm vụ quyền hạn khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoạc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra, khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật TTHS; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi điều tra viên, nếu hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chăn khác; quyết định phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra và nêu rõ lý do khi không phê chuẩn; hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của CQĐT; yêu cầu CQĐT truy nã bị can.

Điều 113 của Bộ luật TTHS quy định, khi kiểm sát các hoạt động điều tra, VKS kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm trong hoạt động điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của Điều tra viên.

Đối với Cơ quan điều tra, khi thực hiện việc điều tra vụ án hình sự, Thủ trưởng cơ quan điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn như: ra quyết định khởi tố, không khởi  vụ án, khởi tố bị can; quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định truy nã bị can, khám xét, thu giữ vật chứng, kê biên tài sản,xử lý vật chứng; quyết định trưng cầu giám định, quyết định khai quật tử thi; kết luận điều tra vụ án; quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra và trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra. Đối với Điều tra viên, ngoài việc lập hồ sơ vụ án hình sự thì chủ yếu là tiến hành các hoạt động điều tra, thực hiện các lệnh, các quyết định của Thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật TTHS, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát, nếu không nhất trí, có quyền kiến nghị với Cơ quan Kiểm sát cấp trên trực tiếp đối với các trường hợp quy định tại điểm 4, 5, 6 Điều 113 Bộ luật TTHS nhưng trong thời gian chờ xem xét giải quyết (thời hạn 20 ngày) Cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành.

Quy định như vậy của pháp luật TTHS hiện hành ở nước ta, theo tôi là rất chặt chẽ, rõ ràng. Oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm sẽ rất khó xẩy ra trong giai đoạn điều tra nếu làm tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động điều tra. Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ Công an  và VKSNDTC đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn VKS và Cơ quan điều tra các cấp  phối hợp chặt chẽ  “tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện đúng các quy định trong mối quan hệ phối hợp và “chế ước”   nên chất lượng điều tra, truy tố tội phạm đã được năng lên; oan, sai đã giảm nhiều; các các trường hợp oan, sai trước đây  được quan tâm chỉ đạo và tập trung giải quyết.

Cơ quan điều tra trao đổi công tác nghiệp vụ.

- PV: Vậy trong trường hợp nào thì Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động TTHS?  

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Theo quy định Bộ luật TTHS và Luật số 35/2009/QH12 ngày 18/6/2009 về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đặc biệt là quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT này 02/11/2012 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra chỉ quy định trong trường hợp: (1) Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ người nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền đã có quyết định hủy bỏ hoặc cơ quan điều tra tự hủy bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tam giữ không có hành vi pháp luật. (2) Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội.

- PV: Từ quy định luật pháp và qua thực tiễn kiểm tra, đánh giá việc áp dụng pháp luật, theo Thiếu tướng, Cơ quan điều tra trong CAND đã có những chuyển biến như thế nào và cần tập trung vào những giải pháp nào để phòng ngừa và khắc phục oan, sai có hiệu quả?

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Trong những năm gần đây, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự hàng năm đạt trên 75%. Trung bình 1 năm giai đoạn 2012 - 2014 Cơ quan điều tra giải quyết 98.800 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; khởi tố, điều tra 73.000 vụ án, 112.000 bị can các loại. Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm ngày càng được nâng cao, công tác điều tra cơ bản chấp hành tôt các quy định của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, đặc biệt cơ quan điều tra đã khám phá nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đường dây mua bán vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm… xử lý hàng nghìn đối tượng, thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Kết quả công tác của Cơ quan điều tra đã góp phần quan trọng kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm trong bối cảnh tình hình có nhiều phức tạp, phục vụ đắc lực việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo số 85-BC-VKSNDTC ngày 22/7/2014 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách đã đánh giá “… Nhìn chung, thời gian qua Cơ quan điều tra chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự. Công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ điều tra, phá án đạt cao, tiến độ giải quyết vụ án được nâng lên, thiếu xót trong hoạt động điều tra được hạn chế, các vụ án được điều tra theo đúng quy định của pháp luật…Những năm qua, công tác điều tra có nhiều tiến bộ, chất lượng điều tra được nâng cao, số hồ sơ phải trả để điều tra bổ sung giảm dần; số vụ án kết thúc đề nghị truy tố chiếm tỷ lệ cao; số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm mạnh; các trường hợp hủy án do thiếu sót, vi phạm trong quá trình điều tra được hạn chế”.

Tuy nhiên, trong hoạt động của Cơ quan điều tra còn có một số tồng tại, hạn chế, “…Một số vụ án, việc thu thập đánh giá chứng cứ, khởi tố vụ án chưa đúng pháp luật…chậm thụ lý và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm…một số trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa cần thiết, thiếu căn cứ pháp luật; bắt khẩn cấp khi chưa đủ căn cứ, vi phạm về thủ tục bắt, giam giữ còn xảy ra; một số trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự sau phải trả tự do hoặc xử lý hành chính; đề nghị gia hạn tạm giữ, tạm giam chưa đủ căn cứ pháp luật…” .

Để hạn chế oan, sai trong TTHS nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, theo chúng tôi cần phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị và ngay cả đối với từng người dân, trong đó các cơ quan và người thực hiện quyền tư pháp có vai trò nòng cốt.

Có chính sách hình sự đúng đắn phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa xã hội - pháp lý ở Việt Nam trong việc xây dựng các dự án Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự và các luật liên quan đến hoạt động điều tra như: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam. Cần làm rõ hơn, đầy đủ và hợp lý hơn khái niệm oan, sai và trách nhiệm bồi thường thiệt hại (cả về mặt vật chất, tinh thần) của Nhà nước trong hoạt động tố tụng; nên xây dựng riêng Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.

Tăng cường vai trò công tố, “gắn công tố với điều tra” nhưng phải rõ ràng, rành mạch thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; đảm bảo mối quan hệ phối hợp, chế ước và kiểm soát giữa tư pháp và hành chính trong việc thực hiện quyền lực. Bởi vì ở đâu có quyền (nhất là quyền tư pháp) thì ở đó quyền lực phải được kiểm soát theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 “Quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; coi tranh tụng vừa là hoạt động trọng tâm, là khâu đột phá; trong quá trình tranh tụng phải đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng giữa luật sư và những người tham gia tố tụng; bảo vệ quyền hợp pháp của công dân trong khi xét xử tại phiên tòa.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là những người tiến hành tố tụng như: điều tra viên; kiểm sát viên, thẩm phán; tăng cương chất lượng giám định, kỹ thuật hình sự phục vụ điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường vai trò của luật sư trong tranh tụng. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cho người tiến hành tố tụng, luật sư về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; nghiệp vụ chuyên môn. Phát hiện và xử lý kịp thời các cán bộ sai phạm trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử và thi hành án. Gắn trách nhiệm và xử lý đối với thủ trưởng, phó thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng nếu để cán bộ của mình có những vi phạm trong hoạt động tố tụng…

- PV: Trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu, một trong các nguyên nhân dẫn đến oan, sai là do bệnh thành tích, sự nóng vội, chủ quan của điều tra viên, cán bộ điều tra. Điều này cần được khắc phục như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa: Để khắc phục vấn đề này thì quan điểm của chúng tôi trước tiên là Điều tra viên phải tuân thủ đúng pháp luật, quy trình làm việc; phải thực sự khách quan, toàn diện, cầu thị; lãnh đạo các cấp phải tăng cường kiểm tra và phải đặt mục đích đảm bảo tôn trọng quyền dân chủ công dân lên hàng đầu, không nên đặt chỉ tiêu, yêu cầu quá cao hoặc quá cứng nhắc cho Điều tra viên đối với vụ án đã khởi tố (vì có vụ án rất phức tạp liên quan đến nhiều người phạm tội, nhiều địa phương, nhiều tội danh khác nhau nhưng có vụ án lại rất đơn giản). Nhất là trong khi điều kiện con người, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, tình hình tội phạm còn phức tạp, đối tượng phạm tội rất manh động, tàn bạo và phải đạt cả 2 mục tiêu là “chống oan, không bỏ lọt” thì việc đặt chỉ tiêu cao sẽ gây áp lực buộc họ phải chạy theo thành tích, nôn nóng, đối phó trong khi thực thi công vụ…

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.