Giải pháp nào khi người dùng bị phát tán video clip riêng tư lên mạng?

Thứ Năm, 25/06/2015, 03:47
Ngày 24/6, đại biểu thảo luận tại hội trường Dự án Luật An toàn thông tin. Vấn đề bảo mật thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin… được nhiều đại biểu quan tâm. Có đại biểu đề nghị luật quy định về bảo vệ thông tin riêng trên mạng, tránh trường hợp vì thông tin riêng bị phát tán mà tìm đến việc quyên sinh như nữ sinh 15 tuổi ở Đà Nẵng…

Đặt vấn đề người dân hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp thông tin ngoài ý muốn và phát tán thông tin sai lệch từ máy chủ đặt ngoài Việt Nam, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, Khoản 1, Điều 28 quy định "cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình” là chưa thuyết phục và hơi “đánh đố”.

Ông lấy ví dụ, trong 138,6 triệu thuê bao di động hiện nay có hơn 52% sử dụng điện thoại thông minh, 34% dân số sử dụng internet bằng di động. Trong khi đó, thị trường bày bán những loại điện thoại di động (ĐTDĐ) thông minh, cấu hình vô cùng mạnh nhưng giá vô cùng rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc; và dù điện thoại cao cấp hay bình dân thì bo mạch, chíp xử lý cũng được gia công từ quốc gia này. Chưa kể hơn 200.000 thiết bị mạng ở hộ gia đình, công sở, doanh nghiệp và vô số các thiết bị thông minh (lò vi sóng, tủ lạnh, tivi, camera quan sát, thiết bị điều khiển từ xa…) đều có khả năng kết nối được Internet nhưng dính lỗ hổng bảo mật vô cùng nghiêm trọng.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đề cập tới vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, được thể hiện tại Chương III, gồm 5 Điều, từ Điều 28 đến Điều 32.

Theo bà, hằng ngày khi người dân chia sẻ, trao đổi thông tin qua mạng, sử dụng các giao dịch trực tuyến thì phải kê khai thông tin cá nhân, nếu những thông tin này không được bảo vệ thích hợp kẻ xấu sẽ thu thập và khai thác trái phép. Rồi hiện tượng thuê bao ĐTDĐ mỗi ngày phải nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm tin nhắn rác, quảng cáo sim, bất động sản... gây bức xúc trong dư luận. Thế nhưng dự thảo luật lại chưa có quy định để giải quyết những vấn đề trên. “Trong phần giải trình về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng chỉ nói đến cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán thông tin bất hợp pháp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có lưu giữ thông tin cá nhân của người sử dụng. Tôi không nhất trí, bởi vì quy định như vậy là chưa bao quát hết các đối tượng liên quan”.

Bà cho rằng còn bên thứ ba là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, hay nói cách khác là nhà mạng cũng phải chịu trách nhiệm trước những tình trạng trên.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng phát biểu ý kiến.

Tiếp tục thảo luận về Chương III dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) khẳng định: “Các vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng chưa thực sự đầy đủ, chưa bao quát hết”. Bà lấy ví dụ, trong tuần qua, một nữ sinh 15 tuổi tại tỉnh Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ quyên sinh do bạn trai 22 tuổi đưa video về quan hệ của hai người lên mạng xã hội, chỉ sau khi xuất hiện 2 ngày thì video này đã lan truyền với tốc độ rất nhanh có tới 5.068 người xem. Và có một câu nói của người nhà nữ sinh trong thời gian 3 ngày chạy chữa cho em tại bệnh viện làm đại biểu hết sức suy nghĩ là "xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu".

“Trong thời gian nghỉ giải lao 20 phút tôi cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, thấy rằng video clip này do bạn trai của nữ sinh đưa lên mạng thì thuộc loại thông tin riêng, không phải là thông tin cá nhân và việc bảo vệ thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật” – đại biểu Hải cho biết. Cho rằng mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên, nhưng chưa có biện pháp ứng cứu khẩn cấp đối với gia đình nữ sinh trong việc ngăn chặn việc phát tán video clip trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến việc đổi tên Chương III của dự thảo luật thành "Bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng", đồng thời bổ sung thêm “thông tin riêng trên mạng” vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1. “Đây là cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của mạng Internet, mạng xã hội lên thanh thiếu niên” – đại biểu khẳng định.

Thảo luận tại hội trường về Luật Khí tượng thuỷ văn (KTTV) chiều 24/6, trong thời điểm cơn bão số 1 sắp chạm bờ, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề quản lý, khai thác mạng lưới KTTV, xã hội hoá trong hoạt động KTTV, và đặc biệt là công tác dự báo KTTV. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) khẳng định, nội dung Điều 21 chưa đề cập đến yêu cầu về chất lượng bản tin dự báo KTTV, trong khi xã hội hiện đang có nhiều ý kiến về trường hợp dự báo sai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản hoặc gây lãng phí trong di dời dân, ứng phó với bão lũ… “Tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định về bảo đảm chất lượng dự báo, cảnh báo, đây cũng là yêu cầu quan trọng nhất trong phòng, chống thiên tai”.

Ông cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của dự báo viên khi phát ra bản tin dự báo sai, gây hậu quả nghiêm trọng, ví dụ năm 2006 dự báo sai, cơn bão Chanchu gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Về phàn nàn của người dân khi bão vào hoặc thay đổi hướng, cường độ nhưng họ không nhận được thông tin để chủ động phòng, tránh, đại biểu Vẻ nêu quan điểm: “Trách nhiệm truyền phát tin thuộc về Bộ Tài nguyên Môi trường, cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan phòng chống thiên tai, và việc truyền phát phải bằng các cách thức phù hợp, để thông tin đến được tất cả người dân, từ người dân trên biển đến vùng sâu vùng xa… Dự thảo cần quy trách nhiệm đầy đủ, cụ thể đối với cơ quan truyền phát tin không kịp thời, không chính xác”.

Cũng nhấn mạnh đến tính chính xác thông tin cảnh báo KTTV, đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) lập luận: Về cả lý luận và thực tiễn thì thông tin cảnh báo KTTV cần đảm bảo tính chính xác chứ không chỉ kịp thời. Thông tin kịp thời, dễ hiểu mà thiếu chính xác thì liệu có đem lại lợi ích gì. Thời gian vừa qua đã có nhiều lần chúng ta dự báo sai, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho nhân dân. Chẳng hạn dự báo sai về cơn bão năm 1997 quét qua toàn bộ vùng biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau làm 3.000 người thiệt mạng, mất tích, hàng chục nghìn tàu thuyền bị đắm… Không đồng tình với cách giải trình của Ban soạn thảo cho rằng dự báo thì không thể chính xác, đại biểu cho rằng dự báo không chính xác hoàn toàn nhưng cũng không thể sai lệch nghiêm trọng. Bà đề nghị bổ sung thêm 1 khoản vào Điều 6, cấm hành vi “cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo KTTV sai lệch, không kịp thời, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân”; đồng thời cần quy trách nhiệm đối với người dự báo sai do trình độ chuyên môn...

Cũng trong chiều 24/6, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Trương Hòa Bình đã trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao. Trong số 15 ứng viên được giới thiệu thì có 5 người là Phó Chánh án TAND Tối cao đương nhiệm, là thành viên đương nhiên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002; 3 người không công tác trong các TAND và 7 người là nguồn nhân sự trong các TAND, đảm bảo số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người. Sau đó các Đoàn đại biểu Quốc hội họp riêng để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao. Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, sáng 26/6.
Quỳnh Vinh – Vũ Hân
.
.
.