Dư luận quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam:

Giải pháp là tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế

Thứ Ba, 13/05/2014, 10:10
Các chuyên gia về luật quốc tế nhận định, hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và đưa nhiều tàu chiến, máy bay; dùng các tàu hải cảnh, hải giám chủ động đâm vào các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam sẽ làm leo thang căng thẳng, đe dọa trực tiếp đến an ninh và tự do hàng hải trên biển Đông. Sự nín nhịn, kiềm chế của Việt Nam cũng chỉ có giới hạn và giải pháp để giải quyết tình trạng hiện nay cũng như để tránh lặp lại sự kiện tương tự chính là luật quốc tế.

Âm mưu chính trị

Ngày 12/5, hầu hết các tờ báo lớn, nhỏ trên thế giới đều thông tin về sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam và phong trào biểu tình phản đối hành động này trên toàn thế giới. Đến nay, không chỉ có Mỹ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản mà nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Australia, Pháp… cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Giới học giả, các nhà khoa học trên thế giới cũng kịch liệt phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Tướng Daniel Scheffer, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu về biển Đông có uy tín trong lần trả lời phỏng vấn báo giới cũng khẳng định, bằng hành động đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền của mình, đồng thời vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm biển Đông bằng đường chín đoạn mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.                

Nghĩa là mục đích chính của việc đặt và định vị giàn khoan Hải Dương-981 không phải để thực hiện thăm dò dầu khí mà là để củng cố sự hiện diện và đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Đặc biệt, việc các tàu Trung Quốc chủ động tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam cũng chỉ nhằm dồn ép Việt Nam đến chỗ phải nhượng bộ, giúp Trung Quốc từng bước đạt được tham vọng của mình.

Đồng quan điểm này, một số tờ báo ở Ấn Độ cũng phân tích rằng, những tranh chấp lãnh thổ mới đây nhất và việc Trung Quốc quyết định đưa giàn khoan dầu vào biển Đông đã dấy lên sự lo ngại của quốc tế về khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố một cách cứng rắn rằng đây là khu vực chủ quyền có lợi ích cốt lõi. Trích dẫn lời của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc gia Mỹ, tờ báo của Ấn Độ chỉ ra rằng, giàn khoan có khả năng thăm dò dưới 3.000m nước trị giá 1 tỷ USD này là một phần trong chiến lược khai thác khu vực giàu tài nguyên trong vùng tranh chấp và là thông điệp về khu vực địa chính trị này của Trung Quốc. Vì công lý và mục đích chung, chính quyền New Delhi cho rằng, chỉ có thể xem việc “giải quyết tranh chấp trong hoà bình có nghĩa là sử dụng những thoả thuận đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận” và “duy trì tự do hàng hải tại biển Đông và kêu gọi hợp tác để đảm bảo an ninh tuyến biển và tăng cường an ninh hàng hải”.

Phải bảo vệ công lý

Biển Đông là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng với nhiều tuyến vận tải biển nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa cũng là tuyến đường vận tải dầu quan trọng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng, như khẳng định của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), nơi mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 “rõ ràng là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” và "Trung Quốc không thể dễ dàng triển khai giàn khoan và khai thác dầu mà không được sự cho phép của Việt Nam”.

Đối với các chuyên gia quốc tế, hành động của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam là không bình thường, vượt ngoài vấn đề khai thác dầu khí bởi nó có sự tham gia của các tàu quân sự. Bài báo đăng trên tờ The New York Times ngày 12/5 còn thẳng thắn chỉ ra rằng, những lập luận phản hồi của Trung Quốc trong những ngày qua không mang tính thuyết phục và động thái của Bắc Kinh chắc chắn sẽ khiến cho các nước trong khu vực cảm thấy bị đe dọa hơn bởi yêu sách lãnh thổ theo chủ nghĩa bành trướng của nước này. 

Từ thủ đô Buenos Aires của Argentina, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách quan hệ quốc tế Đảng Cộng sản Argentina (PCA), Jorge Alberto Kreynes cho rằng, trong vấn đề hiện nay, sự tôn trọng nguyên tắc chung sống hòa bình, luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là rất quan trọng và cần thiết. Đây cũng chính là quan điểm đã được các lãnh đạo cấp cao ASEAN thống nhất và đưa ra trong cuộc họp tại Myanmar hôm 11/5.

Trả lời phỏng vấn báo giới sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói: "Tinh thần và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế là nền tảng trong việc tìm kiếm giải pháp đối với những tranh chấp này”. Tại Nhật Bản, phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và hành động kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan”.

Trong khi đó, tại Hà Nội, các tổ chức tiếp tục đưa ra các tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không những nêu rõ các hành vi sai trái của Trung Quốc mà còn khẳng định chính sách của Việt Nam trong đó mong muốn giữ gìn, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai quốc gia, giữa trí thức của hai nước. Đồng thời, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam còn kêu gọi Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Trung Quốc, Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN, trí thức Trung Quốc và các nước lên tiếng bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế giới".

Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh thì không những bày tỏ sự lo ngại mà còn kiên quyết phản đối những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh kêu gọi các tổ chức, lực lượng và nhân dân yêu chuộng hòa bình các nước Á-Phi-Mỹ Latinh và trên toàn thế giới lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương đe dọa hoà bình, ổn định và an ninh trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc là sự thụt lùi về đảm bảo hòa bình

Đây là nhận định của Tiến sĩ Gerhard Will, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP). Tiến sĩ Gerhard Will nêu rõ: "Hành động này của Trung Quốc là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết”.

Cũng theo lý giải của vị tiến sĩ này thì hành động nói trên chỉ nhằm mục đích là giúp Trung Quốc đòi yêu sách về lãnh thổ. Nhưng hành động hiếu chiến này chỉ khiến dư luận quốc tế bất bình và không có lợi cho quan hệ kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Và để đối phó với hành động này, không chỉ Việt Nam mà các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc cần phải đoàn kết và tìm tiếng nói chung trong giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh. (T.T.)

Sông Thương
.
.
.