Gia đình "hiện đại" - mầm mống phát sinh tội phạm

Thứ Bảy, 26/07/2008, 13:37
Ở thành phố, thị xã, những học sinh bỏ học đa phần do không có sự quản lý của gia đình (bố mẹ ly hôn, bố mẹ vi phạm pháp luật phải vào tù, bố mẹ chết, bố mẹ mải kiếm tiền không quan tâm đến con cái…). Học sinh bỏ học cũng trở thành "nguồn" thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật…

Sự bỏ bê của bố mẹ, hệ quả của bạo lực gia đình là những yếu tố nội tại khiến tình trạng trẻ em, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật gia tăng... Đánh giá này được Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khẳng định sau 6 năm thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 01, từ 2002-2008.

Tạo cơ hội, không xa lánh với thanh, thiếu niên hư

Nghị quyết liên tịch 01 TW về "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" ra đời năm 2002 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên. Không kỳ thị, xa lánh, tạo điều kiện để các em có cơ hội sửa chữa sai lầm, tái hòa nhập cộng đồng (Công an địa phương và Hội Phụ nữ các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan giúp đỡ, cảm hóa 29.593 đối tượng ma túy, mại dâm phạm tội, trẻ em mắc tệ nạn xã hội, học sinh bỏ học quay lại trường và cho vay hàng trăm triệu đồng tiền vốn giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ hoàn lương hòa nhập cộng đồng).

Một số mô hình tiêu biểu như: Hội LHPN tỉnh Long An nhận quản lý 240 đối tượng là thanh, thiếu niên trong gia đình theo mô hình "4 quản": Quản lý học tập, giờ giấc, bạn bè, tiền bạc; Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi vận động 207 cháu học sinh bỏ học trở lại trường, cảm hóa giáo dục 70 thanh, thiếu niên hư trở thành con ngoan, trò giỏi...

Bố mẹ mải lo việc, con cái ít được quan tâm giáo dục

Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, gần đây phát hiện nhiều trường hợp tổ chức sử dụng ma tuý tổng hợp, ăn chơi thác loạn tại các nhà hàng, vũ trường, sàn nhảy mà đối tượng phạm tội có cả học sinh, sinh viên.

Việc gia tăng học sinh bỏ học cũng trở thành "nguồn" thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật do nhiều em sau khi bỏ học đã rời khỏi gia đình, tự đi tìm kiếm việc làm hoặc lang thang, tụ tập gây ra các vụ phạm pháp hình sự.

Tình trạng bỏ học của học sinh phổ thông từ năm 2001 đến nay năm sau cao hơn năm trước. Ở nông thôn, số học sinh bỏ học là những học sinh có học lực yếu, có một phần do kinh tế gia đình khó khăn, các em phải nghỉ học kiếm kế sinh nhai, một phần do đua đòi bè bạn.

Ở thành phố, thị xã, những học sinh bỏ học đa phần do không có sự quản lý của gia đình (bố mẹ ly hôn, bố mẹ vi phạm pháp luật phải vào tù, bố mẹ chết, bố mẹ mải kiếm tiền không quan tâm đến con cái…).

Kết quả của cuộc điều tra toàn quốc đầu tiên về gia đình năm 2008, công bố: 20% ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con cái, hơn 80% trẻ vị thành niên tuổi từ 15 đến 17 cho biết, bố, mẹ cho phép các em tự quyết định mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình; bạo lực gia đình tồn tại ở 1/5 các cặp vợ chồng và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em...

Theo Thứ trưởng Lê Thế Tiệm, nguyên nhân của tình hình trên do tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, hiện đại hóa và đô thị hóa làm phân hóa giàu nghèo tăng nhanh. Việc đi lại giữa các quốc gia ngày càng được mở rộng, việc thông thương giữa các vùng miền và giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ dễ dàng; địa bàn hoạt động của tội phạm ngày mở rộng hơn...

Những thông tin không lành mạnh đã tác động tiêu cực đến một bộ phận dân cư, đặc biệt là lớp trẻ. Một số nơi, nhân dân còn bàng quan, thờ ơ trước hành vi phạm tội, số người can thiệp và giúp đỡ cơ quan Công an trong điều tra, xử lý tội phạm  chưa cao...

Đăng Trường
.
.
.