Giá đất Hà Nội không quá 81 triệu đồng/m2
Trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu tập trung thảo luận về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như hàng loạt vấn đề liên quan đến dân sinh như có nên tăng phí trông giữ xe, khung giá đất năm 2012.
Dù còn nhiều băn khoăn, cuối cùng biểu giá đất và các loại lệ phí trên địa bàn cũng đã được thông qua và được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2012. Tuy nhiên, mức phí trông giữ xe đạp, xe máy sẽ được giữ nguyên như năm 2011, không thay đổi.
Chỉ tăng phí trông giữ, phí trước bạ, đăng ký xe ôtô
Đó là một trong rất nhiều ý kiến đại biểu tham gia bàn thảo về việc UBND TP Hà Nội dự định tăng phí trông giữ xe để hạn chế phương tiện giao thông. Bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc tăng phí trông giữ xe để hạn chế phương tiện giao thông, cũng có đại biểu lo ngại, việc tăng giá trông giữ xe sẽ “tiếp tay” cho bãi xe trái phép, thu quá giá, trốn thuế.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP hiện nay tồn tại nhiều điểm trông giữ xe thu quá mức quy định. Nguyên nhân là ý thức chạy theo lợi nhuận của tổ chức, cá nhân trông giữ xe; sự quản lý chưa chặt chẽ và thường xuyên của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Đề xuất tăng giá trông giữ xe lần này ngoài mục đích khuyến khích doanh nghiệp xây dựng bãi đỗ còn nhằm mục đích hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.
Theo đề xuất của UBND TP, ở 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, ôtô dưới 9 chỗ ngồi sẽ thu 40.000 đồng/lượt (hiện nay là 10.000 đồng/lượt). Phí trông gửi ôtô theo tháng được điều chỉnh tăng gấp đôi mức hiện tại (xe dưới 9 chỗ đề xuất tăng phí gửi từ 500.000 lên 1.100.000 đồng/lượt). Phí trông giữ xe đạp, xe máy không tính theo địa bàn và được điều chỉnh tăng không quá cao so với mức hiện tại.
Đại biểu Vũ Cao Minh (quận Thanh Xuân) lại cho rằng, việc ùn tắc giao thông có nguyên nhân là do tăng trưởng dân số cơ học quá nhanh và việc xây dựng chung cư tràn lan, dẫn đến hạ tầng xã hội (đường xá, bệnh viện, trường học…) không thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ông Minh kiến nghị, nếu các dự án xây chung cư không đáp ứng được hạ tầng xã hội thì không nên cấp phép xây dựng.
Sau nhiều ý kiến trái chiều, cuối cùng, các đại biểu HĐND TP đã biểu quyết thông qua tờ trình các loại lệ phí trên địa bàn TP. Tuy nhiên, mức phí trông giữ xe đạp và xe máy sẽ vẫn giữ nguyên như năm 2011.
Khung giá đất mới không quá 81 triệu đồng/m2
Dựa trên tình hình thực tế của Hà Nội, so sánh với bảng giá đất theo đề xuất của UBND TP đề xuất, các đại biểu đã nhất trí thông qua khung giá đất năm 2012, giữ nguyên khung giá tối đa và tối thiểu, mức cao nhất không quá 81 triệu đồng mỗi m2. Theo đó, giá đất nông nghiệp cơ bản giữ nguyên theo mức giá quy định tại Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 28/12/2010 của UBND TP.
Về giá đất ở, với giá đất ở tại các quận, điều chỉnh cục bộ giá tại một số vị trí, đường, phố nhưng không vượt quá tỷ lệ vượt mức khung giá Chính phủ quy định. Sau khi điều chỉnh, đất ở tại các quận có giá tối thiểu là 2.340.000 đồng/m2 (đường nhánh của đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông), mức giá tối đa là 81.000.000 đồng/m2 vẫn được giữ nguyên như năm 2011 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm).
Giá đất ở tại các thị trấn của một số huyện và các phường của thị xã Sơn Tây được tính giảm dần theo khoảng cách với trung tâm. Cụ thể, các thị trấn của các huyện (trừ Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín) sẽ căn cứ vào khung giá đất ở đô thị loại V của Chính phủ để xác định.
Thị trấn thuộc các huyện: Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức là khu vực giáp ranh sẽ được điều chỉnh giá theo hướng tiếp cận với các quận; thị trấn các huyện Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh là khu vực tiếp nối giữa vùng giáp ranh với các huyện còn lại điều chỉnh theo hướng tiếp cận với các huyện giáp ranh.
Về giá đất ở khu vực đầu mối giao thông, giá đất ở khu vực đầu mối giao thông tại các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh, Sơn Tây điều chỉnh theo hướng tiếp cận với giá vượt khung tối đa của Chính phủ; giá đất ở khu vực đầu mối giao thông của các huyện, thị xã còn lại cơ bản giữ nguyên. Bảng giá đất ở khu vực đầu mối giao thông sau khi điều chỉnh có giá tối thiểu là 433.000 đồng/m2, tối đa là 11.250.000 đồng/m2…
Bảng giá các loại đất trên sẽ được thực hiện từ đầu năm 2012. Bảng giá này dùng vào việc tính tiền sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất; tính lệ phí trước bạ, tính tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân cũng như được áp dụng vào việc bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai