Gặp các nhà báo CAND đoạt giải báo chí quốc gia

Chủ Nhật, 20/06/2010, 14:26
“Điều quan trọng nhất của người làm báo là sự đam mê, bên cạnh năng khiếu thiên bẩm. Nghề báo không đam mê sẽ không dám dấn thân, vì đến những vùng đất đặc biệt đòi hỏi phải chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, vất vả mà chỉ niềm đam mê mới giúp người ta vượt qua” - nhà văn Nguyễn Như Phong nói.
>> Báo CAND đoạt 2 giải B, 1 giải C giải Báo chí Quốc gia 2009

Nhà văn Nguyễn Như Phong đoạt giải B phóng sự "Cận cảnh Tam Giác Vàng": Làm báo, cần đam mê và đôi khi cũng phải liều

PV: Không ít đồng nghiệp phải thán phục khi thấy anh dẫu không còn trẻ nữa, vẫn cặm cụi đi, cặm cụi viết và thành công, như mới đây là chuyến đi tới vùng Tam Giác Vàng nổi tiếng thế giới. Anh có thể kể đôi chút về chuyến đi đặc biệt này với bạn đọc?

Nhà văn Nguyễn Như Phong: Năm ngoái, tôi đến vùng Tam Giác Vàng với sự giúp đỡ của Bộ An ninh quốc gia Lào và cơ quan đại diện của Bộ Công an Việt Nam tại Lào. Đây là chuyến đi khá phức tạp, vì vùng đất đó tôi không biết gì, lại có nhiều nguy hiểm rình rập không lường trước được. Nhưng đã làm báo thì phải đi, phải đến những nơi như thế, chứ nếu sợ nguy hiểm thì chẳng bao giờ có mặt được ở những nơi cần đến ấy. Tôi là người có máu phiêu lưu nên cũng thích lọ mọ đến các vùng khó khăn như thế. Từ trước đến nay tôi đã đi nhiều nơi chứ không chỉ vùng Tam Giác Vàng.

PV: Có nhiều phát sinh bất ngờ đến với anh không?

Nhà văn Nguyễn Như Phong: Có chứ. Bộ An ninh quốc gia Lào cử 2 cán bộ Công an tỉnh Bò Kẹo hiểu biết về vùng Tam Giác Vàng đưa tôi sang. Nhưng khi chuẩn bị đi thì phía Thái Lan và Myanmar đều truy quét bọn buôn bán ma túy, khiến chúng dạt hết ra khu vực này nên tình hình rất phức tạp. Vì thế, Bộ An ninh quốc gia Lào không đồng ý cho đi, vì lo mất an toàn. Nhưng đã đến đây rồi mà không đến tận nơi thì phí, vì quay về thì biết bao giờ mới sang được. Thế là tôi quyết định đi một mình và thuê một người phiên dịch. May là tìm được người phiên dịch tốt và chuyến đi mấy ngày nhưng cuối cùng cũng suôn sẻ. Làm báo nhiều lúc cũng phải liều mới được việc.

Cảnh sát Myanmar kiểm tra hộ chiếu của nhà báo Nguyễn Như Phong khi tới khu Tam Giác Vàng.

PV: Là người rất thành công ở mảng phóng sự, anh có thể chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ về kinh nghiệm để có được những phóng sự sinh động và hấp dẫn?

Nhà văn Nguyễn Như Phong: Phải đến được những vùng đất điển hình, đang xảy ra những sự kiện điển hình và tìm được những chi tiết điển hình. Theo tôi, muốn viết được phóng sự hay, quan trọng nhất là phải chọn được đề tài, đặc biệt là phải khai thác được nhiều chi tiết, nếu không thì dù vấn đề rất hay, cũng sẽ viết khô khan. 

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất của người làm báo là sự đam mê, bên cạnh năng khiếu thiên bẩm. Nghề báo không đam mê sẽ không dám dấn thân, vì đến những vùng đất đặc biệt đòi hỏi phải chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, vất vả mà chỉ niềm đam mê mới giúp người ta vượt qua.

PV: Xin cảm ơn anh!

***

Nhóm PV đoạt giải B: Ngăn chặn thành công "cơn bão" thu gom sổ đỏ

Một ngày cô phóng viên trẻ Vũ Hân bỗng nhận được điện thoại của người quen ở Quảng Ninh, nhờ hỏi về việc một doanh nghiệp nhận sổ đỏ đất rừng của người dân và hứa trả 10 triệu đồng/ha. Cô liền cùng người mang sổ đỏ đi nộp, đến nơi doanh nghiệp hẹn người dân "làm việc" tại một nhà nghỉ trong góc khuất ở phố Văn Cao, Hà Nội và thấy hàng trăm người dân từ các tỉnh về chờ giao sổ đỏ. Có nhiều người là doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo xã, thôn đứng ra thu gom và đều được hứa sẽ hưởng tiền công vài triệu/ha. Thấy sự việc bất thường, đặc biệt là khi người giao cuốn sổ đỏ mang giá trị rất lớn, mà chỉ được nhận một tờ giấy biên nhận, Vũ Hân liền báo Công an phường Liễu Giai đến giải quyết.

Phát hiện trong ngôi nhà có cả gian nhà sổ đỏ đã được thu gom, Vũ Hân lập tức về báo cáo cơ quan. Ban Biên tập Báo CAND nhận thấy những vấn đề bất thường, nên Phó TBT Phạm Văn Miên và Phó TBT Lưu Vinh đã trực tiếp chỉ đạo phóng viên về các địa phương đang diễn ra thu gom sổ đỏ để điều tra cử PV tiếp cận các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Càng khẳng định đây là việc làm không bình thường. Các phóng viên Vũ Hân, Hương Sen, Ngọc Yến, Lê Quân được cử về Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa v.v… để điều tra. Các phóng viên khác cũng lăn lộn ở các vùng rừng núi để xác minh thông tin. Nhưng thành công từ việc ngăn chặn được làn sóng giao nộp sổ đỏ mà không rõ mục đích, đã là nguồn động viên rất lớn cho họ.

Do yêu cầu nghiệp vụ, lúc này, Ban Biên tập giao cho Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ phối hợp với Công an các tỉnh tiếp tục điều tra. Đội ngũ phóng viên được cử về tất cả các tỉnh: Hương Giang bám địa bàn Bắc Giang, Lạng Sơn; Anh Hiếu về Hòa Bình, Thu Thủy vào Thanh Hóa. Ở phía Nam, các phóng viên Ngọc Như, Văn Bình cũng thông tin kịp thời tình hình ở các nơi có thu gom sổ đỏ.

Từ một sự tình cờ, nhờ một bài báo của phóng viên trẻ Vũ Hân, Ban Biên tập Báo CAND đã kịp thời định hướng huy động một tốp PV có kinh nghiệm vào cuộc quyết liệt, với mục tiêu đi đến cùng vụ việc và sự năng động, khắc phục mọi khó khăn của nhóm PV Báo CAND đã có hơn 20 bài viết về tình hình thu gom sổ đổ, chặn đứng được cơn bão thu gom sổ đỏ trước khi gây những hậu quả trên diện rộng cho người dân.

Phóng viên trẻ Vũ Hân

Trước hết, với giải thưởng này và hiệu ứng xã hội rất tốt của nó (góp phần nhỏ vào việc ngăn chặn cơn bão sổ đỏ trên toàn quốc), tôi muốn cảm ơn những người dân, vì thông tin đến với chúng tôi là từ họ.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi liên tục bị "tắc" vì không thể trả lời câu hỏi: "Ai là người cầm đầu?" và "Rút cuộc người ta thu sổ đỏ của người dân làm gì?". Trong suốt quá trình theo đuổi vụ việc, không ít lần tôi cảm thấy rất bất lực vì không thể thuyết phục người dân đang có nguy cơ bị lừa mất sổ đỏ và tài sản. Tất cả những khó khăn trên, chúng tôi đều liên tục báo cáo Ban Biên tập để xử lý kịp thời, đúng đắn. Có được thành quả là hàng loạt bài viết ra đời, cảnh báo được người dân là nhờ công rất lớn các chú lãnh đạo đã ráo riết chỉ đạo "dù khó khăn cũng theo đuổi vụ việc đến cùng". Tôi cũng rất vui vì công sức của tập thể phóng viên chúng tôi đã góp phần giúp người dân tránh khỏi những thiệt hại.

***

Nhà báo Đặng Ngọc Như - PV Báo CAND thường trú tại Tây Nguyên

Nhà báo Đặng Ngọc Như.

Được sống và viết ở Tây Nguyên hơn 15 năm qua, tôi đã gặp nhiều câu chuyện đau lòng gắn với nỗi khổ của người dân nghèo. Câu chuyện người dân bị lừa thu gom "sổ đỏ" (giấy CNQSDĐ) cũng là nỗi đau của nhiều người dân nghèo ở vùng nông thôn Tây Nguyên và cả nước. Khi được tin một số người dân ở xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai và các huyện Mang Yang, Phú Thiện, Ia Grai (Gia Lai), Ea Súp, Lắk (Đắk Lắk)… bị các đối tượng lừa gom "sổ đỏ" để đổi vốn trồng rừng, lập dự án "ma"… tôi đã lặn lội về các địa phương gặp gỡ người dân và chính quyền các cấp tìm hiểu sự việc.

Có điều đau xót là qua tìm hiểu thực tế tại một số nơi cho thấy chính những cán bộ địa phương đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, họ đứng ra huy động thu gom "sổ đỏ" của người dân để nộp cho các đối tượng lừa đảo. Đến khi Báo CAND lên tiếng, Công an huyện Đức Cơ, Gia Lai đã yêu cầu mang toàn bộ "sổ đỏ" về trả lại cho người dân thì mới vỡ lở chuyện. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi chứng kiến những người dân nghèo được nhận lại "sổ đỏ" của mình và bà con rất cảm ơn Báo CAND đã lên tiếng phanh phui kịp thời vụ việc, ngăn chặn hậu quả đáng tiếc.

***

Nhà báo Xuân Luận, giải khuyến khích loạt bài phản ánh "Những người tù trở về": Vẫn trăn trở câu chuyện hoàn lương

Nhà báo Xuân Luận.

Đối với những người tù trở về để làm lại được từ đầu, cao hơn nữa là sự thành đạt khó khăn và vất vả gấp nhiều lần những người bình thường khác. Bỏ lại phía sau cánh cửa trại cải tạo, họ lại phải đối mặt với mặc cảm bản thân và những định kiến của xã hội với những người tù vẫn còn khá phổ biến. Và nếu không làm tốt công tác tái hòa nhập cho những đối tượng này thì việc tái phạm trở lại con đường cũ là điều rất dễ xảy ra…

Chúng tôi đã quyết định thực hiện loạt bài viết "Những người tù trở về", dành nhiều thời gian đến Lai Châu, Hà Nội, Thái Bình và TP Đà Nẵng, những địa bàn có các nhân vật điển hình, những cách làm hay thiết thực để giúp đỡ người mãn hạn tù có công ăn việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Loạt bài của chúng tôi muốn đưa đến một thông điệp: Ngoài nỗ lực của những người mãn hạn tù để tái hoà nhập cộng đồng, cần có sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cũng như lực lượng Công an cơ sở và những ban, ngành, đoàn thể khác.               

*** 

Nhà báo Anh Hiếu, giải C loạt bài "Những doanh nhân Việt kiều nặng lòng cùng đất nước": Một dấu ấn trong đời làm báo

Nhà báo Anh Hiếu.

Cuối năm 2009, Đại tá Lưu Vinh, Phó Tổng biên tập Báo CAND và Thượng tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Trưởng ban Thư ký tòa soạn cùng nảy ra ý tưởng hay: Gặp gỡ các đại biểu là doanh nhân để viết một seri về "Những doanh nhân Việt kiều nặng lòng cùng đất nước".

Tôi được cử xuống Hải Phòng cùng nhà văn Hồng Thái để gặp ông Tài Phương, một Việt kiều ở Mỹ hoàn thành bài viết "Những kiến nghị từ trái tim", với những kiến nghị của họ với Đảng, Chính phủ để có những quyết sách thu hút kiều bào đóng góp xây dựng quê hương đất nước.

Tôi cũng không nghĩ là loạt bài sẽ đoạt giải C báo chí quốc gia. Bởi được nói hộ những tâm sự thầm kín của bà con Việt kiều trên những trang báo, tôi nghĩ đó là niềm hạnh phúc, một dấu ấn trong đời làm báo của mình

Thanh Hằng - Thái Hoàng
.
.
.