Gắn các nội dung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với chống gian lận thương mại

Thứ Hai, 11/08/2014, 21:01
Cho ý kiến dự án Luật Đầu tư sửa đổi sáng 11/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, hành vi buôn gian bán lận thường diễn ra trong quá trình đầu tư và kinh doanh, vì vậy để ngăn chặn tình trạng này, cần gắn các nội dung của dự án luật với việc chống hành vi gian lận thương mại.

Dự án Luật Đầu tư sửa đổi được UBTV Quốc hội cho ý kiến sau khai mạc phiên họp thứ 30 của UBTV Quốc hội sáng 11-8. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, hiện còn 9 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó, đáng lưu ý là việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, dự thảo luật đã bỏ quy định này (do đã được quy định tại pháp luật về quản lý ngoại hối) thu hẹp đối tượng được bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ.

Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện vào dự án luật. Một số ý kiến đề nghị quy định danh mục cấm đầu tư và danh mục cấm kinh doanh, quy định trong Luật Đầu tư để tránh chồng chéo. Ủy ban Kinh tế yêu cầu các cơ quan có liên quan đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Quy định về các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mà còn áp dụng đối với các đối tượng khác như hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án hợp tác công - tư (PPP)…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ được quy định cụ thể tại Điều 5 của dự thảo luật. Đồng thời, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ rà soát, tập hợp, công bố Danh mục này sau khi báo cáo UBTV Quốc hội xem xét, cho ý kiến (Điều 6 và Điều 7 của dự thảo luật).

Dự thảo chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc và hình thức, đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, bổ sung và chỉnh lý danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, quy định rõ điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, quy định các hình thức và điều kiện áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư. Đối với những dự án quy mô lớn, có tính chất đặc biệt quan trọng hoặc dự án thực hiện tại khu kinh tế đặc biệt, dự luật giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ưu đãi đầu tư khác với các ưu đãi đầu tư được quy định tại luật này trong trường hợp Nhà nước cần khuyến khích. Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, đang rất cần vốn để đầu tư phát triển kinh tế thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với những dự án đầu tư ra nước ngoài, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài và quy định về việc kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần tổ chức học tập kinh nghiệm quốc tế, nhất là đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên cơ sở đối chiếu với những luật chuyên ngành như: chứng khoán, ngân hàng, khám chữa bệnh… Trong quá trình rà soát, nếu những ngành nghề này không còn phù hợp với điều kiện thực tế thì phải sửa đổi, thậm chí bãi bỏ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dù Bộ đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến nhưng đến nay mới chỉ nhận được danh sách ngành, nghề, lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện của một số bộ.

Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), UBTV Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hai dự án luật cần hướng đến việc mở rộng dân chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tôn trọng kỷ cương, pháp luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, hành vi buôn gian bán lận thường diễn ra trong quá trình đầu tư và kinh doanh, vì vậy để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan soạn thảo cần gắn các nội dung của các dự án luật với việc chống hành vi gian lận thương mại. Vấn đề trọng tâm là danh mục những ngành nghề kinh doanh bị cấm và kinh doanh có điều kiện, cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung danh mục để có cơ sở xem xét cụ thể

Nguyễn Thành
.
.
.