Duy trì quan hệ kinh tế, thương mại bình thường với Trung Quốc

Thứ Năm, 29/05/2014, 15:40
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Chính phủ khẳng định tiếp tục quan điểm đấu tranh quyết liệt bằng các biện pháp hòa bình, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời duy trì quan hệ kinh tế, thương mại bình thường với Trung Quốc.

Phiên họp khai mạc sáng nay tại trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay. Chính phủ cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các tác động xung quanh tình hình biển Đông; chính sách và giải pháp phát triển thủy sản cũng như Chương trình hành động của Chính phủ triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các thành viên Chính phủ nhất trí với đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và tính chung 5 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhất là các chỉ số đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tại một số địa phương xuất hiện biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam nhưng một số người đã bị kích động, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gây mất an ninh trật tự, thiệt hại sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… đã kịp thời chỉ đạo, ngăn chặn kịp thời và trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường. Các dự án điện, gang thép lớn… do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC hay nhà đầu tư vẫn diễn ra bình thường. Các doanh nghiệp nhập khẩu lớn cũng đã tính toán các phương án để đảm bảo duy trì sản xuất, xuất khẩu trong mọi tình huống…

Tại phiên họp, Chính phủ tái khẳng định quan điểm chung là phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt bằng các biện pháp hòa bình, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời duy trì quan hệ kinh tế, thương mại bình thường với Trung Quốc vì đây là điều tất yếu, khách quan và cũng là lợi ích đan xen. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế thì các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung đa dạng thị trường xuất-nhập khẩu, du lịch, đầu tư, lao động…

Liên quan việc gỡ khó cho ngư dân ra khơi bám biển, trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị toàn quốc chuyên đề giữa Chính phủ với các địa phương ven biển và có nghề cá, các hiệp hội liên quan, nhằm thảo luận và thống nhất các giải pháp và chính sách thiết thực nhằm khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế thủy sản của đất nước, tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian tới; trong đó Chính phủ sẽ dành tín dụng ưu đãi trước mắt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá. Với sản lượng lên tới gần 6 triệu tấn và thu hút trên 4,5 triệu lao động, ngành thủy sản đã vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Đến nay cả nước có gần 118.000 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản, hình thành 3.750 tổ đội sản xuất trên biển với 22.000 tàu tham gia và 50 nghiệp đoàn đi vào hoạt động.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT tập trung rà soát lại tất cả các chính sách, tiếp thu các ý kiến tại hội này để khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ trên tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng chung sức cải thiện và phát triển mạnh mẽ, bền vững ngành thủy sản, cải thiện, bảo đảm an toàn cho ngư dân gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến các chính sách tín dụng phải thiết thực, hiệu quả cho ngư dân

M.Đ.
.
.
.