Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Nhiều ý kiến đề nghị độ tuổi trẻ em đến dưới 18

Thứ Bảy, 01/06/2013, 11:00
Sau 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã bộc lộ nhiều hạn chế, khi cuộc sống đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em như: bạo lực, xâm hại, bóc lột… Trước thực tế này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lấy ý kiến các cơ quan chức năng và trẻ em về Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để trình Quốc hội vào cuối năm 2014.

Để hiểu thêm về vấn đề đang được dư luận rất quan tâm, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 

PV: Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Dự thảo tập trung vào năm vấn đề: Tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18 tuổi; quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em; tăng cường trách nhiệm giám sát, chức năng giám sát của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội về thực hiện luật, các chương trình liên quan đến trẻ em; quy định công tác bảo vệ trẻ em rõ ràng, cụ thể, trong đó có các dịch vụ bảo vệ trẻ em và quy định chi tiết quyền tham gia của trẻ em, như trẻ em được tham khảo ý kiến, trẻ được tham gia vào quá trình ra quyết định của chính quyền các cấp về các chính sách liên quan đến trẻ em.

PV: Vấn đề nào được quan tâm và thảo luận nhiều nhất?

Ông Đặng Hoa Nam: Vấn đề tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18 tuổi nhận được nhiều sự quan tâm nhất khi đưa ra lấy ý kiến.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Độ tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 - vấn đề được quan tâm. Ảnh mang tính chất minh họa.

Ông Đặng Hoa Nam: Thực tế quy định độ tuổi trẻ em không phải bây giờ mới bàn mà từ lâu đã là đề tài gây tranh cãi, điều đó được thể hiện rõ nhất ở mỗi văn bản pháp luật lại có những quy định về độ tuổi khác nhau. Ở Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định độ tuổi của trẻ em từ 16 tuổi trở xuống. Trong khi đó, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, tham gia lại quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em không ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia về độ tuổi trẻ em. Ngoài ra, ở các văn bản pháp luật khác, việc quy định về tuổi vị thành niên cũng chủ yếu lấy ngưỡng 18 tuổi.

Bộ luật Hình sự quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. Bộ luật Dân sự quy định: “Người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên”.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động lại ghi rõ: “Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động”. Sự thiếu thống nhất trong việc quy định độ tuổi vị thành niên và trẻ em không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc đảm bảo quyền lợi của trẻ em mà còn nảy sinh những tranh chấp pháp lý và tạo các khoảng trống về chính sách đối với độ tuổi từ 16 đến dưới 18.

PV: Cơ quan soạn thảo dự thảo luật đánh giá độ tuổi trẻ em như thế nào là phù hợp?

Ông Đặng Hoa Nam: Trong quá trình lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia về độ tuổi của trẻ em thấy có hai luồng ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất cho rằng, cần nâng độ tuổi trẻ em vì lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn nên cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, xã hội và Nhà nước.

Do vậy, nâng quy định độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc đầy đủ, toàn diện, trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng ý kiến thứ hai lại cho rằng, hoàn cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó cần bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, nên vẫn giữ quy định độ tuổi của trẻ em là dưới 16 tuổi.

PV: Quá trình lấy ý kiến thăm dò từ trẻ em được tổ chức ra sao, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thí điểm thực hiện phương pháp thăm dò ý kiến trẻ em trực tiếp trên ba kênh chính: qua tổng đài 18001567, qua chuyên trang trên mạng Internet và phát phiếu thăm dò trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, với sự tham gia của trên 34.500 trẻ độ tuổi từ 11 đến 18. Đa số ý kiến của các em đều cho rằng, điều chỉnh tăng độ tuổi của trẻ em lên dưới 18 tuổi thay vì dưới 16 tuổi như luật hiện hành.

PV: Theo ông, nếu quy định độ tuổi trẻ em dưới 18 có phù hợp với thực tế hiện nay?

Ông Đặng Hoa Nam: Về vấn đề có nên nâng độ tuổi của trẻ em từ 16 lên dưới 18 tuổi, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia pháp luật, nhà nghiên cứu về tâm - sinh lý lứa tuổi và đặc biệt là lấy ý kiến của trẻ em và nhân dân. Thực tế, nếu nâng độ tuổi thì trẻ em sẽ được hưởng quyền lợi nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc cân nhắc xem điều kiện kinh tế - xã hội trong nước có đáp ứng được không cũng là cần thiết. Diện đối tượng được hưởng chính sách liên quan tới trẻ em sẽ được mở rộng, nhưng không nhất thiết mở rộng ngay và đầy đủ vì sự đầu tư và đáp ứng nguồn lực về ngân sách, con người nên ưu tiên cho đối tượng, độ tuổi và chọn khâu đột phá. Chính sách và pháp luật cho trẻ em cần một lộ trình dài và tầm chiến lược.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.