Dự hội nghị cấp cao khóa họp thứ 25 Hội đồng Nhân quyền LHQ: Việt Nam khẳng định đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người

Thứ Tư, 05/03/2014, 09:49
Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao khóa họp thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) từ hôm 3/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu gây ấn tượng mạnh với đại biểu các nước.
>> Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Đánh giá cao vai trò và đóng góp của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào việc thúc đẩy quyền con người trên thế giới, Phó Thủ tướng nhận định, hơn 7 năm qua, Hội đồng Nhân quyền đã hoạt động hiệu quả với chương trình nghị sự cân bằng, đề cập đầy đủ tất cả các quyền với các cơ chế hữu hiệu như Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR), góp phần nâng cao nhận thức và pháp điển hóa các quyền con người, đảm bảo việc thụ hưởng các quyền ngày càng tốt hơn trên thực tiễn.

Với tư cách là nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, Phó Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam mong muốn Hội đồng Nhân quyền ưu tiên đến những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, thiểu số và quan tâm đầy đủ hơn các nước đang phát triển trước các khó khăn, thách thức hiện nay. Phó Thủ tướng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền tiếp tục là diễn đàn để đối thoại xây dựng và hợp tác trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt với các quốc gia liên quan khi xử lý các vi phạm nhân quyền và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đồng thời, Phó Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền và là đối tác tin cậy, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các nước trên các vấn đề cùng quan tâm về quyền con người, trong đó có các vấn đề đương đại về đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, đối phó biến đổi khí hậu và ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương.    

Phải khẳng định rằng, đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Chính sách này xuất phát từ truyền thống văn hóa và lịch sử, từ nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 5/8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và có triển vọng hoàn thành các mục tiêu còn lại trước thời hạn 2015, là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua theo Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình phát triển LHQ. Bất chấp một số khó khăn kinh tế một phần do tác động của tình hình kinh tế-tài chính toàn cầu, Việt Nam không những không cắt giảm mà còn đẩy mạnh các chính sách đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác. Bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28-11-2013 sau một thời gian dài tiếp thu hàng chục triệu ý kiến đóng góp, dành riêng 36 điều/120 điều nói về quyền con người và quyền và nghĩa vụ của công dân, là bước tiến đáng kể của việc củng cố nhà nước pháp quyền và pháp điển hóa quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người của Việt Nam. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với bài học kinh nghiệm, thành tựu và quyết tâm của mình, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực và công việc chung của Hội đồng Nhân quyền vì các quyền, tự do và các giá trị nhân bản của nhân loại

H.C.
.
.
.