Dự án quan trọng quốc gia: Căn cứ nào điều chỉnh vốn từ 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ?
Sáng nay, 21-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 31 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong phiên họp diễn ra 1 ngày, UBTVQH sẽ thảo luận, cho ý kiến về 2 dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; đồng thời nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp |
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo Phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công cho biết:
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Khoản 6 Điều 5 Dự thảo Luật vì không nên tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập. Có ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 2 Điều 6 chưa rõ ràng, chưa làm rõ được thế nào là quan trọng và quy mô thế nào thì được tách thành các dự án thành phần.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, việc quy định về dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công là chưa hợp lý. Nếu tách riêng công tác này để bố trí vốn đầu tư công có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu nguồn lực, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và dễ gây bức xúc trong nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành thảo luận |
Đối với các trường hợp đặc thù, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà cần thiết phải tách riêng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.
Thảo luận về vấn đề này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng, giải phóng mặt bằng chỉ là bộ phận hợp thành của dự án, do đó không nên tách ra thành dự án độc lập. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không ủng hộ việc tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập.
“Tôi đề nghị không nên tách giải phóng mặt bằng là dự án độc lập. Còn trường hợp dự án lớn, cá biệt như Sân bay Long Thành thì chúng ta đã xem xét, quyết định riêng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7-10), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho hay, một số ý kiến ĐBQH cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tại phiên họp |
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia nhưng cần phù hợp với thực tế. “35.000 tỷ thì lớn quá, mà thực tế mới chúng ta mới chỉ có 2 công trình từ 10.000 tỷ vốn Ngân sách trở lên là Sân bay Long Thành và Cao tốc Bắc – Nam. Hai công trình này cũng chỉ cho chủ trương, thông báo vốn rồi làm thôi, không vướng mắc gì”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi, căn cứ nào để điều chỉnh từ 10.000 lên 35.000 tỷ? Qua theo dõi nhiều khoá Quốc hội, bà nhận thấy dường như những trình tự, thủ tục đưa ra Quốc hội thì có xu hướng càng chặt thì càng khó, càng đưa ra Quốc hội thì càng khó thông qua. Do đó có dấu hiệu một số dự án lúc đầu đưa ra Quốc hội nhưng sau đó chia nhỏ ra thành những dự án không đủ mức.
“Rõ ràng dự án mà không thông qua Quốc hội thì trình tự, thủ tục và giám sát cũng dễ dàng, đỡ phức tạp hơn. Trong suốt quá trình khoảng 20 năm qua đã có những dự án không qua Quốc hội và chúng ta cũng đã phải giải quyết hậu quả bằng nhiều cách khác nhau. Đề nghị hết sức cân nhắc”, bà lưu ý.