Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo đổi mới trong công tác Công an

Thứ Hai, 16/06/2008, 08:39

Trong chuyến công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc, khi hay tin đồng chí Tô Đức Thắng, Cảnh sát khu vực Công an phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, bị thương, nhưng vẫn kiên quyết truy đuổi tên cướp có vũ khí, đồng chí Võ Văn Kiệt đã vào tận bệnh viện thăm và tặng quà, động viên Tô Đức Thắng. Cử chỉ thân thiện, ân cần của đồng chí Thủ tướng làm vơi đi nỗi đau nơi vết thương và nhân lên tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm của lực lượng CAND…

Trong những ngày này, cùng với đồng bào cả nước, cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND hết sức đau buồn trước sự ra đi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong những "nhà lãnh đạo của đổi mới", như nhiều học giả trong nước và bạn bè quốc tế nói về ông.

Trong suốt 6 năm với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, bên cạnh những việc làm mang tính "quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" trong lãnh đạo điều hành hoạt động kinh tế xã hội của đất nước, với công tác Công an, đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên quan tâm chỉ đạo từ những vấn đề lớn mang tính chiến lược đến những việc cụ thể ở mỗi đơn vị khi đồng chí đến thăm.

Chỉ điểm qua một số việc mà đồng chí đã chỉ đạo thấy được phần nào tư tưởng chiến lược nhưng cũng rất cụ thể, gần gũi của đồng chí.

Năm 1995, trong bối cảnh đất nước ta đang tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, cũng được coi là một năm mà công tác đảm bảo an ninh trật tự thực sự phức tạp. Nhiều vấn đề mới phát sinh như quản lý xuất nhập cảnh, chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, đảm bảo trật tự giao thông, trật tự công cộng…

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với lãnh đạo Bộ Nội vụ(nay là Bộ Công an) tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 (11/1/1995). Ảnh: Bảo tàng CAND.

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 họp từ ngày 9 đến 11/ 1/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Sau khi ghi nhận những thành tích mà lực lượng CAND đạt được năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an bước sang năm 1995 không được lơ là chủ quan, cần phải có những suy nghĩ sáng tạo để tiếp cận những cái mới, chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp mới nảy sinh.

Trước những sự kiện chính trị phức tạp, cán bộ, chiến sĩ Công an phải có tư duy mới, bình tĩnh, biết vận dụng pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước để xử lý. Chúng ta ủng hộ và bảo vệ những người chấp hành tốt pháp luật, đồng thời không có bất cứ ngoại lệ nào cho những ai vi phạm.

Đồng chí lưu ý tới nhiệm vụ quản lý nhà nước về nhân hộ khẩu, về trật tự đô thị, về an ninh các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước tác động và diễn biến mới của nền kinh tế theo cơ chế thị trường… Đồng chí nhấn mạnh, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải học và hiểu biết về pháp luật, biết vận dụng tốt luật pháp trong giải quyết những vấn đề phức tạp, không để kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Chính phủ sẽ ủng hộ công cuộc hiện đại hoá hoạt động của lực lượng Công an.

Trước đó, cuối năm 1994, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị 406 về việc cấm sản xuất buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ. Chỉ thị được ban hành hợp lòng dân, tuy nhiên thay đổi một việc làm trở thành thói quen trong dân không hề đơn giản.

Đồng chí Võ Văn Kiệt và các thành viên Chính phủ chỉ đạo hết sức sát sao các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, chính quyền các địa phương… với các biện pháp quyết liệt, nên Chỉ thị 406 đã thực sự đi vào dân và có kết quả thật đáng mừng. Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 406 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thì Tết Ất Hợi 1995 lần đầu tiên nhân dân Việt Nam đón xuân vui vẻ mà không cần pháo nổ.

Trong dịp Tết 1995 chỉ xảy ra 20 vụ đốt pháo, tai nạn làm bị thương 26 người; trong khi đó, tai nạn về pháo của năm 1994 là 728 vụ, đã làm chết và bị thương 890 người. Kết quả đó, mọi người đều hiểu rằng có sự chỉ đạo hết sức quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Không chỉ vậy, trong việc chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, chống đầu cơ trong thời gian này, đồng chí cũng hết sức quyết liệt, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành nên công tác này đem lại hiệu quả thực sự.

Với công tác xây dựng lực lượng CAND, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm, gần gũi với những chỉ đạo vừa mang tầm chiến lược, nhưng cũng rất nhiều việc làm của đồng chí thể hiện sự quan tâm động viên cụ thể mỗi tập thể hay mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an.

Tháng 6/1996 trong chuyến công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc, khi hay tin đồng chí Tô Đức Thắng, Cảnh sát khu vực Công an phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, dũng cảm truy bắt đối tượng cướp sử dụng vũ khí quân dụng. Anh bị thương, nhưng vẫn kiên quyết truy đuổi và cùng đồng đội bắt được đối tượng. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã vào tận bệnh viện thăm và tặng quà, động viên Tô Đức Thắng. Cử chỉ thân thiện, ân cần của đồng chí Thủ tướng với Thắng, với đồng đội và người thân của anh làm vơi đi nỗi đau nơi vết thương và nhân lên tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm của lực lượng CAND…

Và còn nhiều nữa sự quan tâm, động viên của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với lực lượng Công an mà chúng tôi không thể kể hết. Viết ra mấy dòng này như là một nén nhang thành kính của những người làm Báo Công an nói riêng, của lực lượng Công an nhân dân nói chung để kính dâng, tưởng nhớ, biết ơn Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, con người cả cuộc đời cách mạng chỉ biết vì Dân, lo cho Dân.

Trung tướng Võ Thái Hòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an:

Nhớ anh Sáu Dân nói: Công an phải gần dân

Tôi nghe tiếng anh Sáu Dân từ hồi đầu kháng chiến chống Mỹ nhưng đến sau giải phóng miền Nam tôi mới có dịp gặp khi tôi và anh cùng là Đại biểu Quốc hội khóa VI.

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tôi gặp anh nhiều hơn trong các cuộc họp. Tôi có cảm tưởng lúc nào nhiệt huyết cách mạng cũng bừng cháy trong tim anh Sáu Dân. Nơi nào có anh đến, cuộc họp nào do anh chủ trì đều có những vấn đề mới đặt ra. Cách mạng là sáng tạo, thực tiễn là chân lý đã được anh vận dụng, chỉ đạo sắc sảo. Anh có một sức hút kỳ lạ quy tụ mọi người vào một chủ thể lo cho dân cho nước. Tính cách của anh là nói và làm luôn đi đôi.

Khi tôi về Bộ Công an, ra Hà Nội, có dịp gặp và làm việc với anh nhiều lần cùng Đảng ủy Công an Trung ương (Anh Võ Văn Kiệt được Đảng phân công sinh hoạt).

Trong cuộc họp Đảng ủy, tôi báo cáo tình hình an ninh, trật tự các tỉnh phía Nam, trong đó có tình trạng các trại tạm giam đang xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng, chật chội, nóng bức, mất vệ sinh...

Nghe xong, anh nói ngay, chế độ ta không thể để kéo dài như thế được. Các anh phải xem đây là tình thế bức xúc phải giải quyết ngay và phải làm gấp quy định, có luật rõ ràng. Phải xem đây là một việc lớn vì nó quan hệ với nhiều người trong gia đình và thân tộc, dòng họ người ở tù... Và sau đó, Pháp lệnh thi hành án phạt tù được ban hành, giải quyết cơ bản tình trạng trên.

Một lần khác tôi được phân công báo cáo với anh về tình hình cán bộ Công an và đề nghị phong Tướng cho một số đồng chí trong lãnh đạo Bộ và các Tổng cục lúc bấy giờ. Anh nói Tướng thì rất cần cho Công an, nhân dân không quan tâm lắm mà cái cần là Công an phải gần dân, lo cho dân giữ an ninh trật tự cho tốt.

Một người được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới yêu mến, nhắc nhở với tấm lòng ngưỡng mộ. Vì thế, anh Sáu mất nhưng vẫn sống mãi trong lòng mọi người.

Trường Minh
.
.
.