Dốc toàn lực để giành phần thắng trong trận chiến mới

Chủ Nhật, 31/01/2021, 08:59
Chỉ 3 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 57 ngày Việt Nam yên bình, chúng ta đã phát hiện gần 200 ca mắc COVID-19. Khác với các đợt dịch trước, dịch lần này chúng ta phải đối mặt với tốc độ lây lan chóng mặt của chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” ở Anh với những phức tạp và độ nghiêm trọng cao hơn.


Cả hai ổ dịch tại Chí Linh và sân bay Vân Đồn đều là nơi đông người, đi lại, làm việc, giao lưu ra các địa phương khác. Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm lúc này là dịch bùng phát và lây truyền mạnh vào giáp Tết, Việt Nam đã chủ động ứng phó với những giải pháp thần tốc, quyết liệt, sáng tạo ra sao và chúng ta có khả năng dập tắt ổ dịch trong 10 ngày hay không? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng, xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, dịch bùng phát trong cộng đồng lần này chúng ta có bị bất ngờ hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta không bất ngờ vì các nước giống Việt Nam đều bị dịch xảy ra rồi, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Chúng ta đã lường trước được nguy cơ thường trực dịch có thể xuất hiện trong cộng đồng vào dịp giáp Tết khi nhu cầu đi lại của người dân lớn, người nhập cảnh trái phép vẫn còn, khi dịch trên thế giới ở thời điểm này vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, chúng ta vừa chống dịch vừa thực hiện “mục tiêu kép” để phát triển kinh tế, nên phải “nới lỏng” một số hoạt động. Do đó, có thể xuất hiện những khó khăn trong kiểm soát dịch và như vậy dịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, chúng ta luôn chủ động trong việc ứng phó và đã có sẵn các kế hoạch, kịch bản khi dịch xảy ra. Đó là phải giữ cho dịch nếu có cũng chỉ là những đốm lửa, không để bùng phát thành đám cháy lớn, lan rộng gây mất kiểm soát.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Phóng viên: Theo nhận định của ông, nguyên nhân dịch bùng phát trong cộng đồng là do đâu khi chúng ta chưa tìm được FO?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch này chắc chắn từ người nhập cảnh vào (có thể trái phép hoặc hợp pháp) vì chúng ta tìm ra biến chủng mắc là từ Anh, Việt Nam từ trước chưa có biến chủng nào ngoài trường hợp nhập cảnh về TP Hồ Chí Minh mắc virus biến chủng này, nhưng chúng ta đã quản lý được ngay. Hiện nay, hàng chục nước đã có biến chủng mới, nên chúng ta không bất ngờ với biến chủng này khi chúng ta có rất nhiều người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh trái phép có thể không kiểm soát được, hoặc nhập cảnh hợp pháp nếu không thực hiện cách ly nghiêm ngặt được 100% thì dịch vẫn lọt ra cộng đồng. Việc truy vết FO là cần thiết, tuy nhiên ưu tiên đầu tiên của chúng ta là truy vết tất cả những người liên quan đến chủng virus này thì mới sớm khoanh vùng, dập dịch được.

Phóng viên: Với biến chủng mới lây lan nhanh như hiện nay, nguy hiểm thường trực là gì, thưa ông? Nguy cơ dịch có bùng ra các địa phương khác không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Biến chủng này rất nguy hiểm vì có tốc độ lây lan mạnh hơn chủng cũ 70%. Mặc dù virus luôn luôn biến đổi, nhưng lần này nó biến đổi lây lan nhanh hơn, khi đó chắc chắn dịch sẽ khó kiểm soát vì trong thời ngắn sẽ lây lan rất rộng. Hơn nữa, việc đi lại nhiều, giao lưu nhiều thì sẽ bùng phát nhanh. Nếu lây lan nhanh thì số người mắc sẽ tăng lên, tuy tỷ lệ chết/mắc có thể không cao lên nhưng cũng vẫn sẽ tăng ở số người chết. Nếu chủng này vào bệnh viện thì số tử vong sẽ nhiều lên vì bệnh viện là nơi có người mang bệnh, trong đó nhiều người mắc bệnh nặng, bệnh nền. Nếu tỷ lệ mắc lớn như ở Anh, Mỹ mà chúng ta gọi là “vỡ trận”, gây quá tải bệnh viện, khi điều kiện chăm sóc bệnh nhân không được thì số tử vong sẽ cao lên. Đây cũng là điều mà chúng ta lo lắng khi có chủng mới xuất hiện.

Trong thời gian tới có thể xét nghiệm còn phát hiện các ca dương tính do chúng ta lấy mẫu nhưng chưa có kết quả xét nghiệm. Ở một số tỉnh có bệnh nhân đi đến ổ dịch nhưng chúng ta chưa truy vết hết, thì phải tiếp tục truy vết hết các trường hợp này để không cho lây lan. Nguy cơ ổ dịch mới vẫn còn xảy ra nên chúng ta phải đề phòng.

Phóng viên: Trước những nguy hiểm của chủng virus mới trong đợt dịch lần này, ứng phó của Việt Nam ra sao, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi cho rằng ứng phó của Việt Nam hiện nay rất trúng. So với các đợt dịch trước, lần này chúng ta ứng phó vô cùng nhanh nhạy và quyết liệt. Chúng ta đã nhằm được đích mục tiêu, đến nay đã xác định được 2 ổ dịch chính là tại Công ty TNHH POYUN ở Chí Linh, Hải Dương và Sân bay Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Tất cả các trường hợp mới mắc ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng đều có liên quan dịch tễ đến 2 ổ dịch này. Vì thế tôi nghĩ việc làm của chúng ta rất tốt.

Thứ hai là chúng ta có năng lực hơn các đợt dịch trước rất nhiều, như chúng ta xét nghiệm được trên diện rất rộng, một ngày ở Hải Dương có thể xét nghiệm được 5.000 – 7.000 mẫu, gấp 2-3 lần so với đợt dịch ở Đà Nẵng, Quảng Ninh đã xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu. Vì xét nghiệm được nhiều mẫu trong thời gian ngắn, xét nghiệm sớm đã giúp chúng ta sớm khoanh vùng, dập dịch được. Hiện nay, tất cả các ổ dịch chúng ta phát hiện được đều khoanh vùng được hết. Đến thời điểm này, chúng ta phần nào có thể bớt lo lắng vì chúng ta đã biết được dịch xảy ra ở chỗ nào và chúng ta đã khoanh vùng rồi, hạn chế lây lan rồi. 

Phóng viên: Ở đợt dịch này, Bộ Y tế huy động tổng lực chi viện cho Hải Dương lớn hơn so với Đà Nẵng, theo ông vì sao cần phải làm như vậy?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Ngay từ ban đầu dịch xảy ra với một biến chủng lây lan nhanh như vậy, trong vòng 1 ngày chúng ta xét nghiệm phát hiện 82 ca dương tính và chúng ta chưa biết đã lây ra đâu rồi, chưa biết sẽ diễn biến ở phạm vi như thế nào, dịch vẫn còn ở ổ dịch hay đã lan rộng? Đây là điều mà Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế đã tính toán với thái độ cảnh giác và đánh giá tất cả các tình huống xảy ra khi dịch lây lan ra cộng đồng. Mong muốn của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế là dập dịch phải nhanh nhất. Phó Thủ tướng đã nói, cố gắng dập tắt dịch trong vòng 10 ngày. Và chuyện sẵn sàng đáp ứng, huy động đáp ứng tổng lực chi viện là điều tất nhiên.

Có 2 lý do mà Bộ Y tế huy động tổng lực lớn chưa từng có trong chống dịch hỗ trợ cho địa phương là trong ngày đầu xét nghiệm dịch lây lan nhanh quá, nhiều quá; chúng ta cũng chưa biết dịch diễn biến ở phạm vi như thế nào, một ổ dịch hay lan rộng. Đến hôm nay, chúng ta hiểu rồi thì việc chúng ta dự tính và đáp ứng như thế là không thừa.   

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc triển khai khoanh vùng, dập dịch tại hai ổ dịch lớn hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Khi nhận được thông báo từ phía Nhật Bản, chỉ trong một thời gian rất ngắn, dịch đã lan ra với tốc độ rất nhanh. Trong 1 ngày Bộ Y tế cấp tập tổ chức tới 4 cuộc họp, thậm chí có cuộc họp với 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương ngay trong đêm 27/1 và rạng sáng 28/1 để triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với dịch. Ngày 28/1 là ngày “đỉnh dịch” khi chúng ta phát hiện hơn 80 ca bệnh, cao nhất từ trước đến nay - ngày cao điểm của Đà Nẵng cũng chỉ phát hiện 45 ca bệnh. Bộ Y tế đã ngay lập tức cử 2 tổ công tác tới Hải Dương để điều tra dịch tễ, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, điều trị ca bệnh và khoanh vùng dập dịch. Đồng thời chỉ đạo thiết lập 3 bệnh viện dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân. Đến nay, các chuyên gia là giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên… được Bộ Y tế huy động hỗ trợ cho địa phương rất lớn.

Chúng ta chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, không chỉ xét nghiệm cho F1 mà F2, F3 mà còn cả F4 để quét hết cộng đồng nghi ngờ để tìm các ca lây nhiễm. Với những kinh nghiệm từ đợt dịch Đà Nẵng và nhiều ổ dịch trước đó, chúng ta đã bắt tay vào điều tra nhanh, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng nhanh và dập dịch nhanh. Tôi cho rằng, ở đợt dịch này, chúng ta đã chủ động, nhanh nhạy nên sẽ sớm khống chế được dịch.

Phóng viên: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo phấn đấu khoanh vùng và dập tắt ổ dịch trong 10 ngày, theo ông chúng ta có làm được hay không? Để dập tắt được ổ dịch trong thời gian ngắn như vậy, chúng ta phải làm những gì, thưa ông? 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi nghĩ là chúng ta làm được. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 29/1, Phó Thủ tướng cũng nói chúng ta cố gắng phấn đấu khoanh vùng và dập dịch trong 10 ngày để người dân ở 2 tỉnh và người dân cả nước có Tết. Tuy nhiên, trong lúc này chúng ta phải luôn cảnh giác, luôn luôn đề phòng. 

Để hoàn thành trong 10 ngày, chúng ta phải xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện tất cả các ổ dịch. Không chỉ có Hải Dương và Quảng Ninh mà tất cả các tỉnh nguy cơ như nhau phải luôn đề phòng và cảnh giác, ngăn chặn, cách ly cho tốt, để không có sự lây lan dịch bệnh, nếu có phải ngăn chặn dập dịch ngay từ khi còn phạm vi nhỏ. Tôi cho rằng chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn, vì chúng ta đang phải đối mặt với virus biến chủng, dịch còn phức tạp ở Việt Nam và đặc biệt phức tạp trên thế giới.

Thủ tướng đã kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều 29/1, tạm dừng tất cả hoạt động tụ tập đông người, các lễ hội, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và chúng ta phải thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng. Người dân phải thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K là đeo khẩu trang, khử khuẩn, tránh tụ tập đông người và khai báo y tế. Chúng ta phải tăng cường cảnh giác với các trường hợp có triệu chứng ho, sốt, đau ngực đến khám ở các cơ sở y tế, giữ cho các bệnh viện an toàn. Kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, không để người nhập cảnh trái phép vào cộng đồng.

Với các trường hợp nhập cảnh hợp pháp, chúng ta phải siết chặt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch ngay từ khi họ xuống sân bay. Việc bùng phát ổ dịch ở Sân bay Quốc tế Vân Đồn là bài học điển hình. Các khu cách ly tập trung phải kiểm soát chặt chẽ người cách ly, tuân thủ phòng dịch đúng quy định để không lọt mầm bệnh ra cộng đồng…

Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 từ việc thành công ngăn chặn các ổ dịch trước. Tôi tin rằng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, cũng như các ban, ngành khác, sẽ sớm dập được ổ dịch lần này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.