Để thương lái ép giá, Bộ trưởng Công thương nhận lỗi trước cử tri

Thứ Ba, 01/04/2014, 14:11
Phiên chất vấn diễn ra sáng nay tại UBTV Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thương lái nước ngoài vào nội địa thu mua, thao túng giá nông sản là do có sự bắt tay của thương lái trong nước. “Người nông dân không có lỗi trong việc này…Hôm nay, chúng tôi xin nhận trách nhiệm” - Bộ trưởng Hoàng bày tỏ.

UBTV Quốc hội dành một ngày để đại biểu chất vấn hai Bộ trưởng Công thương và Y tế. Hình thức chất vấn trực tuyến tới 63 đầu cầu là các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương. Chất vấn trong phiên buổi sáng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp nhiều nội dung về thị trường điện cạnh tranh, giá xăng dầu, giá nông sản… Tuy nhiên, cũng như nhiều phiên trước, người đứng đầu Bộ Công thương diễn giải khá dài dòng khiến nội dung bị dàn trải, trong khi đại biểu cũng thiếu những câu hỏi “sắc”. Không khí chất vấn vì vậy chưa tạo sự sôi động, gay cấn như mong muốn.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi tình trạng thương lái ép giá khiến bà con nông dân, doanh nghiệp khó khăn, bị ứ đọng hàng lặp đi lặp lại, hướng giải quyết của Bộ Công thương là thế nào?Cùng chủ đề, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) truy: Dù Bộ Công thương đã thừa nhận trách nhiệm về việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản nhưng cử tri vẫn muốn biết nguyên nhân vì sao? Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng nói có hay không thương lái trong nước tiếp tay cho thương lái nước ngoài?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận khuyết điểm tại phiên trả lời chất vấn sáng nay

Do nắm được tình hình, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có khá nhiều dữ liệu để lần lượt trả lời câu hỏi. Ông cho biết, do diễn biến theo xu thế thương mại hóa toàn cầu, đặc biệt là do chúng ta có chiều dài đường biên giới trên bộ nên khó chấm dứt được tình trạng thương lái thu mua nông sản, ngoài biện pháp về pháp lý còn có biện pháp nâng cao trách nhiệm quản lý. Vấn đề này diễn ra ở địa phương, nếu các cơ quan quản lý trên địa bàn làm mạnh thì việc phòng chống đối với tình trạng thương lái thu mua nông sản sẽ có hiệu quả cao hơn.

Về việc có hay không thương lái trong nước bắt tay thương lái nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng, thương lái nước ngoài không thể thu mua hàng hóa ở Việt Nam nếu không có tư cách pháp nhân, không được phép kinh doanh. “Các thương lái phải thông qua các tổ chức có pháp nhân tại Việt Nam, đến nay đại đa số trường hợp tiêu thụ thương lái đều thực hiện qua thương nhân thương lái Việt Nam” – ông khẳng định. Vì vậy, vai trò của thương nhân Việt Nam rất quan trọng, là cầu nối giữa người nông dân và thương lái nước ngoài. Như việc tiêu thụ lúa gạo, theo bộ trưởng Hoàng, nếu không có thương lái thì sẽ rất khó khăn, họ là những người tiếp cận nông dân để thu mua lúa. Nhưng nếu có vi phạm về giấy phép kinh doanh, cố tình làm thiệt hại cho bà con nông dân, thu mua rẻ rồi bán cho thương lái giá cao thì phải xử lý. Tuy nhiên, điều đại biểu không hài lòng là Bộ trưởng không nói rõ việc xử lý như thế nào vì hành vi thao túng giá đã bức xúc lâu nay, trong khi giải pháp để đảm bảo rằng thời gian tới thương lái không thao túng giá nông sản vẫn còn bỏ ngỏ.

Dưa hấu ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh làm nóng phiên chất vấn.

Chưa hài lòng với nội dung trả lời trên, đại biểu Mã Điền Cư hỏi thẳng: “Có phải do Bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực? Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào về việc để xảy ra tình trạng này?”. Sau khi diễn giải khá nhiều nội dung, Bộ trưởng Hoàng cũng đã trả lời thẳng vào câu hỏi đại biểu Mã Điền Cư. Bộ trưởng trần tình: “Người nông dân không có lỗi trong việc này, vấn đề là trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi chưa làm hết mình hết sức. Hôm nay, chúng tôi xin nhận trách nhiệm của mình về việc quản lý thị trường, dù đã cố gắng nhưng vẫn để xảy ra tình trạng như vậy ở chỗ này chỗ kia”. 

Hàng nghìn xe dưa ùn ứ do… tư thương tự phát!

Liên quan hàng nghìn xe tải chở dưa ứ đọng ở cửa khẩu Lạng Sơn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trần tình: Nguyên nhân được lý giải trước hết vì năng lực thiết kế của cửa khẩu Tân Thanh không đáp ứng được yêu cầu. Mỗi ngày tối đa cửa khẩu này chỉ giải quyết thông quan được cho khoảng 300 xe chở dưa sang biên giới, cửa khẩu Cốc Nam gần đó cũng chỉ gánh được thêm hơn 200 xe. Trong khi đó, mỗi ngày có đến 1.000-1.800 xe chở dưa kéo về biên giới, xe xếp hàng trên đường, kéo dài đến tận thành phố Lạng Sơn. Về năng lực quản lý, Bộ trưởng Công thương trình bày, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ có 1 phòng quản lý hàng xuất khẩu form E (hàng không ưu đãi), chỉ có 3 cán bộ, công việc quá tải vì mỗi ngày phải cấp đến hơn 1.000 chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Dù Bộ đã điều động cán bộ lên cửa khẩu để tăng cường nhưng khả năng thông quan hạn chế nên dù tăng tốc độ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn không giải quyết được ứ đọng. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, tập quán buôn bán của người Việt, nhiều tư thương tự phát đưa hàng lên biên giới mà chưa có hợp đồng, mối bán, lên đến nơi mới tìm khách hàng nên dễ bị ép giá, hàng không bán được. Giải pháp tình thế đã được áp dụng những ngày qua là mở cửa khẩu thêm 4 giờ mỗi ngày, kéo dài đến 21h đêm, làm việc không kể thứ 7, chủ nhật.

Đăng Minh
.
.
.