Đề nghị sửa đổi căn bản Bộ luật Hình sự 2015

Thứ Sáu, 21/10/2016, 12:37
Trong phiên làm việc buổi sáng 21-10, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 – Bộ Luật đã phải tạm ngưng vài ngày trước khi chính thức có hiệu lực vào tháng 7 năm nay. 


Với phạm vi sửa đổi lên tới 141 điều và vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi, mặc dù Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày thiên về hướng “sửa đổi, bổ sung một số điều” và thông qua trong kỳ họp này, thì ý kiến đa số các đại biểu đều cho rằng nên sửa đổi toàn diện để đảm bảo tính ổn định của Bộ Luật.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, dù có những quan điểm khác nhau, tờ trình thiên về cách tiếp cận thứ nhất “Sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế”; “không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015” và “việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm”, chứ không thiên về phương án “khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý, thậm chí là có thể sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật”. Tuy nhiên, cả ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và đa phần các đại biểu phát biểu sáng nay đều cho rằng nên thiên về phương án 2.

Phát biểu tại tổ, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng “Đây là một trong những bộ luật rất quan trọng của hệ thống pháp luật, ảnh hưởng, liên quan đến hàng chục luật khác. Nếu luật này không làm một cách thận trọng, ngay ngắn, đúng, phù hợp thì nó ảnh hưởng nhiều đến hệ thống pháp luật. Khi Quốc hội có nghị quyết tạm hoãn thi hành Bộ luật, thì đồng thời cũng hoãn lại 3 luật khác có liên quan. Qua rà soát, chúng tôi thấy rằng còn có vài chục luật khác cũng liên quan nữa, nên việc sửa đổi phải đầu tư thời gian công sức rất kỹ lưỡng”.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 21-10 về sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

“Trong dự thảo luật sửa đổi của BLHS 2015 đã chỉnh sửa đến 141 điều, mà cũng không phải đã hết. Riêng ngành Công an hiện nay có khoảng ba chục vấn đề có thể liên quan đến hàng trăm điều khác cần sửa đổi nữa. Do đó, tôi đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu ở đây, thiên về phương án thứ 2, tức là sửa đổi căn bản BLHS 2015” – Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh. 

“Chúng tôi đã rà soát, 33% số điều cần thay đổi, thậm chí bỏ đi 1 điều trong luật là thay đổi cả cơ cấu của điều luật. Đây không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật, có những vấn đề thuộc về quan điểm, thuộc về chính sách hình sự. Mục tiêu của chúng ta là vạch trần, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người ngay, nhưng ngay trong quy định của luật pháp đã có quy định bỏ lọt tội phạm, nên tranh luận xử lý rất khó khăn. Rồi vận dụng tội phạm. Đúng luật là không cho phép được vận dụng. Chúng tôi rất phản đối nhiều vấn đề khó là đưa ra liên ngành. Nhân dân vận dụng, cơ quan điều tra vận dụng, cơ quan kiểm sát vận dụng... thì không có một chuẩn mực nào cả”.

Thượng tướng Tô Lâm cũng dẫn quy định về xác định hàm lượng ma túy, cho rằng điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. “Tội phạm ma túy, chúng tôi xác định là tội phạm của các loại tội phạm. Nếu chúng ta không xử lý tốt sẽ nảy sinh thêm nhiều tội khác: trộm cắp, giết người, cướp của. Tuy nhiên, thực tế vừa qua chúng ta xử lý loại tội phạm này rất khó khăn, do những vướng mắc về luật pháp. Đơn cử quy định là phải tinh chất ma túy. Không có ma túy nào là tinh chất cả, phải khẳng định như thế. Tội phạm ma túy còn trộn lẫn tạp chất vào, được 70% cũng đã gây nghiện rồi. Rồi dư luận rất lên án chuyện tem gây nghiện cho các cháu học sinh, nó không đến 1 gam đâu, nhưng quy định phải có một lượng nhất định, bây giờ xử lý thế nào. Hay về công bằng trong chính sách hình sự, rất nhiều điều rõ ràng không công bằng” – Thượng tướng Tô Lâm cho biết.

Khẳng định tầm quan trọng của Bộ luật trong duy trì, bảm đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường sống ổn định cho người dân, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng “Bộ luật Hình sự không phải chỉ để xử lý tội phạm, không chỉ nghiêng về hình phạt, mà nhiệm vụ rất quan trọng là phải ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm”. 

Tuy nhiên, liều lượng về ngăn chặn, phòng ngừa chưa được chú trọng trong bộ luật, mới tập trung nhiều vào xử lý tội phạm, mà như vậy là chưa đáp ứng được một nửa yêu cầu của BLHS. 

“Chúng ta phải quy định hành vi nào không được làm, để mọi người dân được biết, để tránh, để ngăn chặn, phát hiện, ngăn ngừa tội phạm, chứ không phải chỉ là trừng trị, chỉ là xử lý. Đây là một ý rất quan trọng mà trong sửa đổi chúng ta phải quán triệt” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. 

Quan điểm này cũng trùng với quan điểm trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp do bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban trình bày. Ủy ban Tư pháp đã dẫn ra 6 điều cho rằng nên thông qua luật tại 2 kỳ họp, rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. 

Vũ Hân
.
.
.