Quốc hội tiếp tục thảo luận Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi:

Đề nghị bổ sung chính sách hậu phương cho lực lượng vũ trang

Thứ Tư, 05/06/2013, 09:10
Khẳng định vị trí, vai trò của Đảng trong quá trình lịch sử, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền công dân; vị trí, vai trò lực lượng vũ trang… Đó là những nội dung cơ bản tại buổi thảo luận ngày 4/6 dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Khẳng định sức mạnh đại đoàn kết

“Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này có nhiều đổi mới, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân được đáp ứng. Hiến định hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước, thể hiện là đạo luật cơ bản của đất nước trong thời kỳ xây dựng đất nước…” - đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) đánh giá.

Nhiều đại biểu cho rằng, tiến bộ ở dự thảo Hiến pháp là không chỉ lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, các nhà khoa học mà đây còn là đợt sinh hoạt chính trị của nhân dân. Tài liệu đã được gửi tới từng hộ gia đình để góp ý, lắng nghe nhân dân, sự phản biện của nhân dân trong từng vấn đề… “Nhân dân đồng tình với Dự thảo Hiến pháp, đã khẳng định duy nhất sự lãnh đạo của Đảng. Bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân. Tôi cho rằng đó là kết quả cao nhất”, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nói.

Sự đồng thuận của nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh, đó là truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc Việt Nam.Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, nước ta là nước dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân. MTTQ có vai trò quan trọng, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và phồn vinh. Tín ngưỡng tôn giáo đã được pháp luật bảo vệ (điều 25).

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được khẳng định nhưng khối liên minh công-nông-trí còn thiếu bóng dáng của đội ngũ doanh nhân. Cần phải bổ sung vai trò của lực lượng doanh nhân trong xây dựng đất nước. Đa số các đại biểu đề nghị giữ nguyên điều 10, công đoàn là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động.

Quyền con người được bảo vệ

Về quyền công dân, quyền con người, đa số các đại biểu cho rằng, qua mỗi bản Hiến pháp quyền con người được mở rộng, tiếp tục khẳng định. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2, điều 15). Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… “Con người là trung tâm của sự phát triển, quan tâm tới con người là quan tâm sự phát triển của đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) nói về sự cần thiết của quyền con người trong sự phát triển của xã hội.

Bà Hòa đề nghị cần bổ sung, quy định xây dựng con người Việt Nam sống có tình nghĩa, truyền thống đoàn kết và chống lại sự vô cảm đang tồn tại trong đời sống xã hội hiện nay. Về người cao tuổi, một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng người lao động cao tuổi bởi ở nước ta có 8,6 triệu người cao tuổi, trong đó, 80% người cao tuổi vẫn đang tham gia vào các lĩnh vực. Cần bổ sung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, phát huy vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú của lớp người này. “Nên bổ sung người cao tuổi có quyền được gia đình, nhà nước, xã hội bảo vệ và phát huy vai trò trong xã hội”, đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đề nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao. Ảnh: TTXVN.

Bổ sung chính sách hậu phương

Các ý kiến tán thành quy định lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế (điều 70). Trong những cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang đã thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ.

“Khi đất nước hòa bình, đấu tranh giữ gìn trật tự an toàn xã hội không kém phần cam go. Trong cuộc chiến với tội phạm, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã hy sinh xương máu”, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá. Và ông Phương đề nghị, cần nghiên cứu chính sách hậu phương, đặc biệt trong đấu tranh với tội phạm côn đồ, băng nhóm. “Sự hy sinh của các chiến sĩ Công an là lặng lẽ, trong mỗi ngày vui, lễ tết mọi gia đình đoàn tụ yên vui đầm ấm thì các chiến sĩ Công an lặng lẽ “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”, ông Phương giải thích. Nhiều đại biểu đồng cảm với những vất vả hiểm nguy của lực lượng Công an khi đất nước đã bình yên mà máu các chiến sĩ vẫn đổ. Có đại biểu đề nghị, cần phát triển công nghệ an ninh quốc gia. “Mọi công dân có quyền và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Phải được khẳng định cụ thể hơn”, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị. Không thể “từng  bước” tinh nhuệ, chính quy hiện đại, mà phải khẳng định cần tinh nhuệ ngay, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Kinh tế Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô

Kinh tế Nhà nước không thể ngang hàng với các thành phần kinh tế khác.  Cần hiến định nền kinh tế nhà nước, tránh vì lợi ích khác mà làm ảnh hưởng nền kinh tế. Các doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò then chốt đặc thù, doanh nghiệp Nhà nước chỉ là cấu thành trong kinh tế Nhà nước. Kinh tế Nhà nước đủ sức ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Lúc tách lúc nhập không khoa học

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương cần phải đổi mới. Các cơ quan hành chính đang bình quân, chưa có mô hình bứt phá, ta lãng quên “mô hình kinh tế đặc thù”. Các đơn vị đang có nhiều chính sách kém phát triển, đề nghị “cởi trói”. Vừa qua đã có cơ chế chính sách ưu đãi như Côn Đảo nhưng nhiều địa phương có tình trạng xé rào. Về pháp lý không nên để tiếp tục tình trạng này, không minh bạch, không công bằng mà ảnh hưởng đến quốc gia. Cần ghi trong Hiến pháp giữa chính quyền đô thị và nông thôn. Về tiêu chí xác định đơn vị hành chính chưa thực sự khoa học, xảy ra tình trạng khi thì ồ ạt nhập, lúc lại tách ra như cũ…

Đại  biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Phải “trưng mua” đất

Tôi đồng tình với việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Thu của người sản xuất lại giao cho người kinh doanh khác, thực chất là chủ thể này sang chủ thể khác. Đất đai là nguồn sống của người nông dân, phải “trưng mua”, phải có bồi thường công khai minh bạch khi đất bị thu hồi.

Kim Quý - Vũ Hân
.
.
.