Đề nghị Quốc hội quyết định những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân

Thứ Năm, 28/02/2013, 23:19
Ngày 28/2, tại Hà Nội, Viện KSND tối cao tổ chức hội nghị góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và tại Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao chủ trì hội nghị phát biểu nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức các cấp trong ngành Kiểm sát phải xác định việc đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên và tập trung chỉ đạo.

Viện KSND tối cao mở hội nghị này để huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát góp phần làm cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về thiết chế Viện KSND trong Hiến pháp, từ đó đóng góp tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp nói chung và thiết chế Viện KSND nói riêng.

Qua đó tiếp tục khẳng định Viện KSND là thiết chế hữu hiệu trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan, sai trong xử lý vụ án, phát hiện kịp thời những vi phạm trong hoạt động tư pháp.

Đồng chí Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ rõ, các đại biểu tham gia góp ý kiến vào toàn bộ nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó góp ý sâu về những nội dung liên quan đến hoạt động của Viện KSND; tổ chức các vấn đề liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; cải cách tư pháp; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Viện KSND và những vấn đề khác để đề xuất hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, Viện KSND tối cao nêu quan điểm: Nhận thức một cách chung nhất thì thực hành quyền công tố là chức năng của Viện KSND nhằm phát hiện tội phạm, truy tố người phạm tội ra Tòa và bảo vệ sự buộc tội tại tòa án; kiểm sát hoạt động tư pháp là việc áp dụng các biện pháp, cách thức do pháp luật quy định nhằm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của các chủ thể được giao thực hiện thẩm quyền tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc.

Ngoài hai chức năng trên, pháp luật hiện hành còn giao cho Viện Kiểm sát thực hiện một số nhiệm vụ như: thống kê tội phạm; làm đầu mối về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù…

Một trong những yêu cầu mới đặt ra đối với việc sửa đổi Hiến pháp lần này được Nghị quyết Trung ương II và Kết luận Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhấn mạnh, đó là phải đổi mới kỹ thuật lập hiến để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.

Ông Vũ Đức Thành, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến: Về các chế định liên quan đến việc giám sát, chế ước của Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng Hiến pháp đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Điều 95 cần bổ sung thêm thẩm quyền của Chủ tịch nước khi yêu cầu Chính phủ họp. Trong trường hợp này, Chủ tịch nước tham gia phải là người Chủ tọa cuộc họp. Vì vậy, cần sửa lại là: “Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp và Chủ tọa họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.      

Ông Hồ Văn Năm, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm: Vừa qua, Quốc hội đã nhìn thấy việc thu hẹp thẩm quyền và phạm vi tham gia của Viện Kiểm sát trong Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004 dẫn đến nhiều vụ án dân sự giải quyết có nhiều sai sót, vi phạm nên đã sửa đổi, bổ sung kịp thời vào năm 2011. Bởi hoạt động kiểm sát văn bản của Viện Kiểm sát chính là một trong những bảo đảm tốt nhất tuân thủ các quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật.

Mặt khác, hoạt động kiểm sát văn bản của Viện Kiểm sát để giúp các cơ quan Nhà nước phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, nhằm đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm túc, tránh được tình trạng cục bộ tại địa phương. Do đó đề nghị nên bổ sung sửa đổi quy định giao lại cho Viện Kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật. 

Ông Nguyễn Văn Quảng, Viện trưởng Viện KSND TP Hải Phòng nêu quan điểm: Mặc dù Hiến pháp năm 1992 có quy định về việc trưng cầu ý dân, nhưng do chưa có luật về trưng cầu ý dân và Nhà nước ta chưa tổ chức trưng cầu ý dân trên thực tế, do đó vấn đề này chưa được ghi nhận một cách đầy đủ.

Vậy nên dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định: Công dân có quyền được trưng cầu ý kiến và biểu quyết về những vấn đề do Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.

Ngoài ra cần bổ sung điều luật quy định: Quốc hội quyết định những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân khi có đề nghị của Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ, hoặc có 1/3 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân là căn cứ để Quốc hội biểu quyết thông qua hoặc phủ quyết vấn đề đó

Nguyễn Hưng
.
.
.