Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

Đề án "phổ cập" ngoại ngữ gần 10.000 tỷ thất bại

Thứ Tư, 16/11/2016, 13:44
“Đến năm 2020, mục tiêu của đề án dạy ngoại ngữ trong giáo dục quốc dân có đạt được không? Tôi xin trả lời luôn là không” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn đại biểu về thất bại của đề án “phổ cập” ngoại ngữ gần 10.000 tỷ đồng đầy tham vọng được đưa ra từ năm 2008.


Sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bắt đầu đăng đàn. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, càng về sau, các vấn đề chất vấn càng được nhiều đại biểu quan tâm hơn, khi đã có 59 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt câu hỏi thẳng: Đề án dạy ngoại ngữ trong giáo dục quốc dân, với mục tiêu đến 2020 “đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” liệu có đạt mục tiêu hay không? 

Cùng với đó, đại biểu đặt ra nghịch lý là hiện nay đòi hỏi về khả năng ngoại ngữ của giáo viên lại thấp hơn so với học sinh, trình độ ngoại ngữ giảng viên đại học chưa đáp ứng yêu cầu liệu có đảm bảo logic đảm bảo chất lượng giáo dục hay không?

Đại biểu Dương Minh Ánh trong phiên chất vấn sáng nay

“Đề án ngoại ngữ Quốc gia có đạt mục tiêu không, tôi trả lời luôn là không” – Bộ trưởng Nhạ trả lời. “Dạy ngoại ngữ là vấn đề lớn, có tính chất lâu dài. Đây là nhiệm vụ còn phải tiếp tục. Để biết được ngoại ngữ thành thạo như đề án mong muốn cần thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án, chúng tôi đưa ra lộ trình với quyết tâm cao, nhưng khi triển khai xảy ra nhiều vấn đề, như thời gian, kinh phí, sự chuẩn bị. Chúng tôi nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm, khi xây dựng đề án phải hết sức thiết thực, khả thi, bám sát vào yếu tố thực hiện mục tiêu này. Gần đây, chúng tôi đã cho rà soát để điều chỉnh, trước hết là về cách tiếp cận, sau đới mới tới mục tiêu” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày rõ thêm.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Không phải đề án giáo dục ngoại ngữ đến 2020 chịu trách nhiệm đào tạo ngoại ngữ cho tất cả các nhóm đối tượng. Như vậy là không khả thi. Phải tập trung vào việc từng tổ chức, cá nhân, đơn vị, có tính chất định hướng, dẫn dắt; chương trình nội dung thống nhất, có tính đến hội nhập quốc tế, tránh tình trạng biên soạn theo trình độ của các thầy cô. Khâu chuẩn bị về giáo viên cũng chưa kỹ khi ban hành đề án, nên khó triển khai thực hiện ở địa phương, đặc biệt là các cơ sở đào tạo. Chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm cái này. Chương trình cũng sẽ hướng tới việc học từ xa, đặc biệt nhấn mạnh đến xã hội hóa, tạo ra môi trường, động lực học tập, chứ không phải chỉ có đề án này mà đạt được mục tiêu”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu kinh nghiệm của Malaysia, đặc biệt là Singapore, “họ mất 38 năm để toàn quốc nói được tiếng Anh trung bình, nên đặt mục tiêu đến 2035 phổ cập ngoại ngữ, nếu chúng ta không có quyết tâm thì rất khó thực hiện được”.

Về vấn đề yêu cầu trình độ ngoại ngữ của thầy cô thấp hơn học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận “Thực tế, muốn yêu cầu học sinh cao hơn thì (trình độ) thầy phải cao hơn, đấy là nguyên tắc. Không phải chỉ bậc tiểu học, mà còn bậc Đai học”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lại “thừa nhận thực tế của ta, nếu đưa ra chuẩn cao, thì các thầy cô không đáp ứng được. Học sinh học ngoại ngữ nhanh hơn, các thầy cô không phải ngày một, ngày hai học được”. 

Dù vậy, Bộ trưởng cũng khẳng định tới đây sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để điều chỉnh. “Đối với thầy cô còn có điều kiện, thời gian phát triển thì áp dụng lộ trình, nếu không thì sẽ dẫn đến mua bán chứng chỉ. Còn thầy cô không còn nhiều thời gian phát triển thì không ép”.

"Đại dự án" có đại lãng phí không?

Đại biểu Đinh Duy Vược (Gia Lai) đặt vấn đề: Đây là “đại dự án” có kinh phí 10.000 tỷ đồng, vậy đây có phải là đại lãng phí hay không? đặc biệt khi nhiều địa phương đã mua sắm thiết bị đắt tiền, đa chức năng nhưng chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp, một số đang “chết lâm sàng đúng quy trình”. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân trần: “Đề án khi phê duyệt là hơn 9000 tỷ, nhưng đã có tiền đâu”. “Đến nay mới giải ngân được 62% của giai đoạn 2, là hơn 3000 tỷ”.

Tuy vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đồng ý phải rút kinh nghiệm sâu sắc, khi xây dựng đề án phải tính đến khả năng thực hiện, đặc biệt là về tài chính. “Chúng tôi cũng thấy không nên chia mỗi tỉnh một ít tiền (để họ) lập tức đi mua máy tính, đã khắc phục rồi”.



Vũ Hân
.
.
.