Đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả

Thứ Sáu, 03/10/2014, 00:05
Chiều 2/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc trực tuyến tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với Bộ Công Thương về công tác của ngành trong 9 tháng đầu năm.

Tại đây, Thủ tướng đã đặc biệt yêu cầu Bộ đảm bảo các cân đối lớn cho đất nước về điện, than, xăng dầu; công khai minh bạch giá cả, chi phí; đảm bảo hoàn thành các kế hoạch về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Đáng chú ý, Thủ tướng gay gắt yêu cầu phải tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, sau khi nghe đại diện EVN báo cáo hiện năng suất của Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm đều đạt được kết quả, nhìn chung cao hơn cùng kỳ, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cho biết có lòng tin là ngành Công Thương sẽ đạt kế hoạch tăng trưởng công nghiệp 7 - 7,2% và khả năng cả nước đạt tăng trưởng 5,8% là khả thi. Chỉ tiêu lớn thứ 2 là xuất khẩu cũng đạt những thành tích tốt, khi tăng trưởng 14% trong năm nay, cân bằng được XNK và có xuất siêu.

“Chúng ta đã từng đề ra mục tiêu là 2020 mới cân bằng được XNK, mà 3 năm qua chúng ta đã làm được. Bình quân tăng trưởng XK 5 năm đạt 15%, nói lên phần nào năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện. Nhờ có xuất siêu chúng ta mới dự trữ ngoại tệ tăng lên. 2007, khi gia nhập WTO, Việt Nam nhập siêu 12 tỷ USD, sau 7 năm hội nhập quốc tế, cố gắng vươn lên cạnh tranh để phát triển, thì từ 2012 bắt đầu có xuất siêu”.

Về những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, Thủ tướng khẳng định không thể bù chéo nữa, phải bán theo thị trường, nhưng phải nâng cao năng suất lao động, phải minh bạch, đưa xăng sinh học vào bán rộng rãi trên cả nước, điều tiên quyết là phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn.

Thủ tướng lưu ý: “Bộ là đại diện chủ sở hữu với một số cân đối lớn, phải bảo đảm. Một là điện không thể thiếu, thứ 2 là xăng dầu phải ổn định, thứ 3 là đảm bảo về than. Ngoài ra, phải gắn với Bộ NN&PTNT cân đối lương thực cho đất nước, vừa bảo đảm bán hết lúa gạo dư”.

Một vấn đề lớn khác được Thủ tướng đặc biệt lưu ý là đẩy mạnh tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Toàn ngành phải phấn đấu, trong đó các DNNN phải đi đầu. “Anh Vượng (ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV EVN), anh Thanh (ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN) phải báo cáo tôi, làm thế nào để trong thời gian rất ngắn thôi, nâng cao năng suất, không thể kéo dài được. Năng suất lao động của mình bằng 40% Thái Lan, bằng 60% Malaysia, bằng 10% Singapore thôi là sao? Các đồng chí cần công nghệ thì mua. Mà tôi tin là người Việt Nam làm được đấy. Thứ 2 nữa là tay nghề kỹ sư, công nhân phải cao hơn. Cái thứ 3 các đồng chí phải giảm biên chế, không phải đẩy công nhân ra đường, mà bố trí làm việc khác”.

Với tinh thần “cái làm được thì quyết tâm làm tốt hơn, cái hạn chế thì khắc phục để đóng góp vào phát triển chung của đất nước”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, cải cách hành chính, cải cách thủ tục, thu hút đầu tư để cải cách nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN và người dân. Bên cạnh đó, cố gắng đẩy mạnh người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đi liền với chống hàng lậu, hàng giả

V. Hân
.
.
.