Đấu giá biển số đẹp: Những kinh nghiệm từ thực tiễn

Thứ Năm, 16/12/2010, 12:48
Trong 2 tháng 4 và 5/2008, 2 phiên đấu giá đã được tổ chức tại Đài Truyền hình tỉnh Nghệ An và trụ sở Phòng CSGT Công an tỉnh. Với 19 biển ôtô và 4 biển số môtô được đưa ra đấu giá đã thu về số tiền 2.568.300.000 đồng. Tiền thu về từ định giá biển số 198 ôtô được 1.134.000.000 đồng, 257 môtô bằng 356 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thu về qua đấu giá và định giá là 4.058.300.000 đồng.
>> Đấu giá biển số đẹp - Vì sao chưa tiến hành?

Thực tế đấu giá biển số đẹp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, vừa giải quyết được sở thích cá nhân, vừa loại bỏ tiêu cực. Còn ở Việt Nam, việc đấu giá biển số xe đẹp không phải là chưa có. Năm 2008, Công an tỉnh Nghệ An là đơn vị khởi xướng và thực hiện việc đấu giá, định giá biển số xe đẹp, gây Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Bảo trợ bà mẹ, trẻ em của tỉnh này. Với 2 phiên đấu giá, đã thu về hàng tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo.

Đấu giá biển số đẹp - vấn đề gây ra nhiều tranh cãi lại một lần nữa được "hâm nóng" khi việc đăng ký biển số xe chuyển sang kho số 5 chữ số.

Ba lần đề xuất đấu giá biển số đẹp

Trên thế giới, biển số xe đẹp đã trở thành một thú chơi thời thượng của nhiều người nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân, là một cách để khẳng định đẳng cấp, tên tuổi, địa vị... Do vậy, việc đấu giá biển số đẹp (chủ yếu là biển số ôtô) được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tiền đấu giá biển số đẹp này đều được sử dụng vào các mục đích xã hội, nhân đạo.

Ở Hồng Kông, nắm bắt nhu cầu xài biển đẹp cho những chiếc xe sang trọng, từ năm 2006, cơ quan chức năng đã tổ chức đấu giá biển số đẹp, quyên tiền cho các quỹ từ thiện của chính quyền. Nếu thích biển số nào, người ta có thể nộp đơn đề nghị mua và nộp ít nhất 645 USD. Người trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá sẽ được sở hữu biển số mình mong ước.

Đề án đấu giá biển số đẹp đã được các cơ quan chức năng xây dựng nhưng chưa thực hiện được. Trước khi có đề án này, tỉnh Nghệ An là địa phương duy nhất thực hiện đấu giá biển số đẹp gây quỹ từ thiện và đã thực hiện 2 buổi đấu giá thành công. Tuy nhiên, còn chưa nhiều người biết đến câu chuyện đấu giá biển số đẹp của địa phương này.

Qua tìm hiểu, mới thấy "hành trình" đấu giá biển số đẹp gây quỹ từ thiện ở tỉnh Nghệ An cũng gặp nhiều "gian nan". Việc đấu giá xuất phát từ ý tưởng tốt đẹp của Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Năm 2006, nhân một cuộc họp ở UBND tỉnh, Thiếu tướng Võ Trọng Thanh đã mạnh dạn đưa đề xuất đấu giá biển số đẹp gây quỹ cho người nghèo.

Theo phân tích của Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, thì nếu thực hiện đấu giá biển số đẹp thì cá nhân, doanh nghiệp và Công an, mỗi bên đều có 3 lợi ích. Về phía người đấu giá sẽ được thỏa mãn tâm lý, sở thích biển số; vừa có cơ hội làm từ thiện và cơ hội quảng bá tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp, cá nhân. Về phía Công an nói chung và CSGT nói riêng, đấu giá biển số đẹp là một trong những biện pháp chống tiêu cực; mặt khác đảm bảo khách quan, dân chủ và cũng là cơ hội để CBCS làm việc thiện, tạo hình ảnh đẹp đối với người dân. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được chấp nhận.

Vài tháng sau, nhân một cuộc họp của UBND tỉnh về xóa đói giảm nghèo, trong khi các ngành đang tranh cãi về số liệu thống kê tỷ lệ phần trăm người nghèo trên địa bàn tỉnh, Thiếu tướng Võ Trọng Thanh lại đề nghị nên bàn biện pháp giúp người nghèo. Sau đó, ông đề xuất giải pháp đấu giá biển số đẹp để gây quỹ giúp người nghèo. Một số đại biểu tán thành nhưng lại không phát biểu quan điểm. Đề xuất của ông một lần nữa coi như "thất bại".

Canh cánh trong lòng ý tưởng giúp người nghèo, Thiếu tướng Võ Trọng Thanh chấp nhận đợi "thời cơ" một lần nữa. Đến khoảng tháng 8/2007, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp về xóa đói giảm nghèo. Lần thứ ba, Thiếu tướng Thanh đưa ra đề xuất đấu giá biển số đẹp. Lần này lãnh đạo UBND tỉnh đã chấp thuận, giao cho Công an tỉnh và Sở Tài chính bàn bạc, đưa ra biện pháp cụ thể, hợp lý.

"Biển số xe đẹp" được một chủ doanh nghiệp trúng trong một phiên đấu giá hồi tháng 4/2008. (Ảnh tư liệu do Công an Nghệ An cấp).

Đấu giá biển số đẹp gây quỹ xã hội từ thiện - một việc làm vì dân

Đề án đấu giá biển số đẹp sau đó đã được UBND tỉnh Nghệ An phê chuẩn. Theo đó, có 2 hình thức gồm đấu giá và định giá. Đấu giá chỉ áp dụng đối với các biển số đẹp thuộc loại "độc" như biển số tứ quý. Loại định giá gồm các biển số "tiến" theo quan niệm số đẹp của nhiều người dân, có giá từ 4-8 triệu đồng/biển. Các số còn lại đưa vào danh sách bấm số ngẫu nhiên.

Trong các số ngẫu nhiên này, nếu người nào có nhu cầu chọn biển thì phải nộp 5 triệu đồng vào Quỹ Vì người nghèo. Toàn bộ tiền đấu giá, định giá biển số đẹp sẽ được chuyển cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh để sử dụng vào Quỹ Vì người nghèo và Sở LĐ-TB&XH tỉnh để sử dụng vào Quỹ Bảo trợ bà mẹ và trẻ em. Sau khi thống nhất hình thức đấu giá, định giá trên, Hội đồng đấu giá biển số xe đẹp gồm đại diện các ngành: Công an, Tài chính được thành lập.

Trong 2 tháng 4 và 5/2008, 2 phiên đấu giá đã được tổ chức tại Đài Truyền hình tỉnh Nghệ An và trụ sở Phòng CSGT Công an tỉnh. Với 19 biển ôtô và 4 biển số môtô được đưa ra đấu giá đã thu về số tiền 2.568.300.000 đồng. Tiền thu về từ định giá biển số 198 ôtô được 1.134.000.000 đồng, 257 môtô bằng 356 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thu về qua đấu giá và định giá là 4.058.300.000 đồng. Sau khi trích một khoản tiền để đầu tư cho đảm bảo an toàn giao thông, Hội đồng đấu giá đã chuyển trên 2,8 tỷ đồng tiền đấu giá cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong đó dành cho Quỹ Vì người nghèo 2.640.010.000 đồng, Quỹ Bảo trợ bà mẹ, trẻ em là 200 triệu đồng.

Cũng trong năm đó, Quỹ Vì người nghèo tỉnh dùng số tiền trên hỗ trợ xây 189 căn nhà cho người nghèo, mỗi nhà trị giá 15 triệu đồng và mua hàng trăm con bò giúp người nghèo phát triển sản xuất; Sở LĐ-TB&XH sử dụng tiền hỗ trợ Quỹ Bảo trợ bà mẹ, trẻ em để thực hiện phẫu thuật "Vì nụ cười trẻ thơ" cho 100 trẻ em bị khuyết tật...

Tuy nhiên, một thời gian sau, Công an tỉnh Nghệ An nhận được lệnh dừng việc đấu giá bởi chuyện đấu giá gây ra nhiều tranh cãi. Giờ đây, gần 2 năm trôi qua kể từ ngày Công an Nghệ An khởi xướng thực hiện đấu giá biển số xe đẹp vì người nghèo, không chỉ riêng Thiếu tướng Võ Trọng Thanh mà rất nhiều CBCS Công an tỉnh Nghệ An vẫn không thôi trăn trở, mong muốn đấu giá biển số đẹp sớm thực hiện trên toàn quốc.

Nhưng đấu giá biển số đẹp chỉ thực sự có ý nghĩa, được mọi người đồng tình ủng hộ và thu được kết quả cao khi tiền đấu giá được sử dụng vào mục đích xã hội - từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống.  Đây là một việc làm mang đậm chất nhân văn, nhân thêm những tấm lòng nhân ái trong xã hội; đồng thời giúp đỡ nhiều người vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Suy cho cùng, đấu giá biển số đẹp để gây quỹ xã hội - từ thiện là việc làm có lợi cho dân, vì vậy, nên triển khai thực hiện sớm.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Đấu giá biển số xe sẽ hạn chế tiêu cực

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã khẳng định:

Công an TP Hà Nội rất ủng hộ với chủ trương của Chính phủ về đấu giá biển số xe máy, ôtô, những biển số mà người dân coi là biển số đẹp.

- PV: Chủ trương đấu giá biển số xe máy, ôtô theo ông có những mặt tích cực gì?

- Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Nếu việc đấu giá biển số xe máy, ôtô sớm được triển khai, sẽ có cái lợi như tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, vì hiện một số người có điều kiện kinh tế rất muốn sở hữu những biển số mà họ cho là đẹp. Nguồn thu có thể góp phần cải tạo hạ tầng giao thông, tăng cường lực lượng chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, việc đấu giá biển số sẽ tạo công bằng xã hội, cũng để tránh tình trạng mà dư luận xã hội lo ngại là có tiêu cực từ các lực lượng cấp biển số ôtô, xe máy.

- PV: Rõ ràng, đấu giá như trên sẽ có nhiều điểm tích cực nhưng việc thực hiện lại chậm. Vậy, theo ông có khó khăn gì hay không?

- Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Chậm thực hiện là do hiện nay, còn vướng mắc giữa khái niệm biển đấu giá là quyền sở hữu hay sử dụng. Theo tôi, tùy theo thông tư hướng dẫn của liên ngành mà thực hiện. Cách thứ nhất, coi biển đấu giá là sở hữu thì người trúng đấu giá được sử dụng vĩnh viễn biển đó. Khi thay đổi xe cơ quan đăng ký có thể chuyển biển đó vào xe mà người ta sử dụng. Cách này không có vấn đề gì, coi như người dân được quyền sử dụng. Cách thứ hai chỉ là quyền sử dụng, biển chỉ gắn với một phương tiện. Nếu bán xe cho người khác thì người khác được quyền sử dụng biển đó. Cách này cũng không có vấn đề gì. Chủ trương của Chính phủ cho phép đấu giá sẽ phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các cơ quan đăng ký, cấp biển số.

- PV:  Trong những ngày đầu tiên thực hiện cấp biển 5 số cho ôtô, có ý kiến cho rằng vẫn còn hiện tượng tiêu cực và chậm trễ. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Tôi không thấy có sự chậm trễ trong việc cấp biển. Ngày đầu tiên cấp biển 5 số, ôtô đã có hơn 200 biển, người dân đến đăng ký rất vui vẻ. Các điểm đăng ký xe máy cũng rất tốt, chưa phản ảnh được tiêu cực. Đến thời điểm này tôi cũng chưa nhận được thông tin biển số đẹp gắn với xe đắt tiền mà có tiêu cực. Các biển cụ thể mà báo chí nêu đã được Bộ Công an kết luận, có một số trường hợp cán bộ chiến sĩ sai phạm về thời gian bấm biển số, tức là ngoài giờ hành chính, chúng tôi đang kiểm điểm trách nhiệm.

Hương Vũ - Ngọc Yến
.
.
.