Dấu ấn C36

Thứ Ba, 27/01/2009, 15:23
Dù "CSMT không phải đầu tàu trong công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường" nhưng vai trò của CSMT trong cuộc "đấu tranh với các vi phạm về môi trường là không nhỏ. "Thủ lĩnh" Cục CSMT - C36 nhận định: Sau khi lực lượng CSMT vào cuộc, tổ chức đấu tranh với một số vụ điển hình, người dân và đặc biệt chính quyền ở một số địa phương đã có thay đổi trong cách nghĩ. Đã có cấp ủy, chính quyền địa phương từ chối những dự án hàng trăm triệu đôla, thậm chí cả tỉ đôla.

Chưa bao giờ môi trường ở Việt Nam bị ô nhiễm khủng khiếp như hiện nay bởi sự phát triển ồ ạt của đủ các loại nhà máy, khu công nghiệp, phương tiện vận tải và phá hoại do con người gây ra. Chính vì vậy, sự ra đời của Cục cảnh sát môi trường (C36) là cần thiết và đúng lúc.

“Vào sân là đá ngay”!

- Thưa Đại tá Nguyễn Xuân Lý (Cục trưởng Cục CSMT - C36, Bộ Công an). Hàng loạt các vụ án vi phạm Luật Bảo vệ môi trường được đưa ra ánh sáng. Tất thảy trên dưới đồng lòng, người dân hoan nghênh ủng hộ. Đó có thể coi là những "tín hiệu" tốt cho công tác bảo vệ môi trường không, thưa ông?

- Đại tá Nguyễn Xuân Lý: Đúng vậy! Có thể nói rằng đối với chúng tôi, đó là những kết quả ban đầu. Bởi vì cuối năm 2006, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định thành lập Cục CSMT. Nhưng trên thực tế, hoạt động của "binh chủng" mới này thực sự hoạt động được chừng một năm rưỡi. Và ở nhiều địa phương, chúng tôi ra mắt được có mấy tháng thôi. Nói kết quả ban đầu là vì thế.

Nhưng mà rất may là được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, bước đầu chúng tôi đã tiến hành ổn định được tổ chức, bộ máy của CSMT. Tiếp theo là tổ chức phân luồng đào tạo, tập huấn cho anh em trên một lĩnh vực đấu tranh mới bởi vì nhiều anh em lấy từ các đơn vị khác về, còn bỡ ngỡ. Và đấy, hiệu quả đã rõ ràng.

“Vào sân là đá ngay”. Không có chuyện phải chờ đợi quy định này, văn bản kia. Tất nhiên, nói theo đúng ngôn ngữ của túc cầu, thì chúng tôi "đá" có chiến thuật, có kỹ thuật hẳn hoi trên từng lĩnh vực, từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể chứ không “đá” bừa…

- Và thực tế là CSMT đã "ghi bàn" rất ấn tượng phải không ạ?

- Đại tá Nguyễn Xuân Lý: Trên cơ sở có tổ chức chặt chẽ đó, chúng tôi đã tiến hành một số hoạt động nghiệp vụ, phá một số vụ án trên lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Ví dụ như trong lĩnh vực y tế, một loạt các vụ án liên quan đến rác thải y tế bị phát giác và đưa ra công luận như một lời cảnh tỉnh rất hiệu quả. Đó là những vụ phát hiện hành vi thu gom, mua bán chất thải y tế nguy hại tại một số bệnh viện như Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hùng Vương...

Điển hình là vụ Nguyễn Thị Hôm câu kết với Lê Xuân Hiền, nhân viên Bệnh viện Lao Trung ương có hành vi thu gom, mua bán trái phép chất thải y tế nguy hại…

Những vụ như thế, thực ra về giá trị kinh tế thì không lớn, nhưng về giá trị sức khỏe cộng đồng rất lớn, không thể đo đếm được bằng tiền, bằng vàng, nhưng nó lại chính là vàng, là tiền, là kim cương đấy. Vì sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Qua đó, chúng tôi đã huy động được toàn bộ cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành vào cuộc. Và nhân dân thì đương nhiên là rất đồng tình ủng hộ.

Hoặc là qua các vụ nhập sắt, thép phế thải lẫn các chất thải cực kỳ độc hại, kể cả lẫn dioxin chúng tôi cũng phát hiện ra rồi. Công luận và nhân dân cũng rất đồng tình. Hay qua các vụ đấu tranh với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã cũng vậy.

Chúng tôi đã đi vào lịch sử Việt Nam như một vụ án lớn nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đó là vụ bắt 6 cơ sở nuôi nhốt 281 con gấu, trong đó có tới 80 con nuôi lậu, không gắn chíp tại Quảng Ninh, rõ ràng đã tạo ra dư luận. Từ Quốc hội, Trung ương Đảng đều quan tâm và chỉ đạo.

Gần đây chúng tôi cũng phá nhiều vụ án liên quan đến hoạt động đầu tư, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX)… như vụ thải chất thải độc hại tại Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin ở Khánh Hòa; Vụ chôn gần 5.000 tấn chất thải và cát nhiễm dầu của Công ty TNHH Sông Xanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mới nhất là phát hiện và xử lý 3 trường hợp xả chất thải hủy hoại môi trường của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải; Nhà máy Bột ngọt Miwon, Nhà máy Giấy Việt Trì (Phú Thọ) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường

- Thưa Đại tá, thực tế là từ trước đến nay, vẫn có những cơ quan đảm nhiệm chức năng quản lý và bảo vệ môi trường. Nhưng từ khi có C36, các vi phạm ấy mới được đưa ra ánh sáng và gây được sự chú ý của công luận. Vì sao vậy?

- Đại tá Nguyễn Xuân Lý: Đúng là công tác quản lý, bảo vệ môi trường chúng ta đặt ra từ lâu chứ không phải không ai nghĩ ra. Nhưng đối với các địa phương, nó có những cái khó.

Thứ nhất, lý do khách quan thôi, đó là trước đây, khi chưa có hoạt động đấu tranh của lực lượng CSMT thì nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, về thế nào là phát triển bền vững còn hạn chế trong nhân dân, và kể cả trong lãnh đạo, cấp ủy chính quyền địa phương. Có những nơi họ cũng biết, cũng bức xúc đấy, nhưng lại nghĩ là việc của ai đó, chứ không phải của mình.

Hoặc giả với những ngành vốn được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường cũng có cái khó riêng của họ. Quyền năng pháp lý có mức độ. Muốn vào thanh tra, kiểm tra phải báo cáo, phải thông báo trước. Thế thì còn gì mà thanh tra nữa. Còn CSMT, dẫu sao cũng có những phương thức, cách thức tiến hành riêng được quy định trong luật, được Đảng và Quốc hội cho phép và trao quyền, nên cũng hiệu quả hơn.

Và quan trọng là, theo tôi, đối với các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương còn phải chịu sức ép giữa 3 tiêu chí: tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường và công ăn việc làm. Tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, hỏi chỉ số tăng trưởng GDP thì có ngay, nhưng hỏi phát triển bền vững thế nào, hay các chỉ số bảo vệ môi trường ra sao, thì không có câu trả lời.

Qua đấy cũng thấy ngay rằng chúng ta nên có tiêu chí về phát triển bảo vệ môi trường, cho từng địa phương, từng hoàn cảnh. Vì khi đã không có mục tiêu cụ thể, thì việc phấn đấu cũng sẽ khó mà đẩy mạnh được.

Thế nhưng gần đây tôi cho rằng đã có chuyển biến. Sau khi lực lượng CSMT vào cuộc, tổ chức đấu tranh với một số vụ điển hình, người dân và đặc biệt chính quyền ở một số địa phương đã có thay đổi trong cách nghĩ. Đã có cấp ủy, chính quyền địa phương từ chối những dự án hàng trăm triệu đôla, thậm chí cả tỉ đôla.

Cảnh sát môi trường đang lấy mẫu nước xét nghiệm đánh giá theo đúng quy chuẩn về môi trường.

Ví dụ như ở Nghệ An vừa rồi, đã từ chối dự án xây dựng nhà máy giấy gần 1 tỉ đôla vì phía đầu tư đã lựa chọn địa điểm đặt nhà máy là nơi đầu nguồn sông Lam. Sau khi có ý kiến của CSMT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An kiến nghị Ủy ban, Tỉnh ủy thống nhất là nếu làm phải đặt ở chỗ khác, không được đặt phía đầu nguồn sông Lam nữa.

Hay như Đà Nẵng cũng mới từ chối một dự án đầu tư sản xuất thép trị giá hơn 1,2 tỉ đôla. Đứng trước quyền lợi phát triển kinh tế ngay trước mắt như thế, nhưng vì nhận thức được lợi ích về môi trường cho mai sau mà địa phương quyết định như vậy, chúng tôi coi đấy là thành công của mình.

Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn phải gắn bó với hoạt động đầu tư mà chưa thể tính đến lợi ích môi trường.

Theo số liệu đã công bố, hiện nay 70% KCN, KCX trên tổng số 192 KCN toàn quốc không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đây là một nguy cơ lớn. Bản thân tôi còn đang rất lo về dự án mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa về việc xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang. Thấy bảo là lớn nhất Đông Nam Á. Với quy mô như thế mà không làm chặt trong khâu xử lý chất thải, nó sẽ làm ô nhiễm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nay mai…

- Như thế liệu có thể nói CSMT đóng vai trò "đầu tàu" trong thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm về bảo vệ môi trường không, thưa Đại tá?

- Đại tá Nguyễn Xuân Lý: Không. CSMT không phải đầu tàu trong công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường. Thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ của các ngành có chức năng quản lý nhà nước về môi trường, của chính quyền địa phương. Chúng tôi chỉ đi đầu trong việc phát hiện những vi phạm và tội phạm về môi trường.

Lực lượng CSMT trên toàn quốc hiện nay chưa đầy 1.300 quân. Có tỉnh 11 người, có tỉnh 13 người. Chỉ có Hà Nội đông nhất là hơn 100 cán bộ, chiến sĩ. TP HCM được hơn 40 người. Lực lượng mỏng, trong khi đó hiện trạng vi phạm về bảo vệ môi trường, cho đến thời điểm này, không thể nói là không nghiêm trọng. Đấy là chưa kể, đối với lực lượng CSMT, muốn làm được việc thì còn phải cần trang bị phương tiện khoa học kỹ thuật tốt nữa. Bảo vệ môi trường là liên quan đến các chỉ số, chính là các vấn đề về khoa học kỹ thuật đấy. Anh em "tay không bắt giặc" mãi sao được.

CSMT hiện nay đã có phòng lab riêng đâu. Lab đây là để phát hiện, chứng minh hành vi phạm tội nhanh, là rất cần thiết. Rồi thì đặc biệt là phải có thiết bị, phương tiện đo nhanh. Ví như có cái đó (máy đo), đi xuống cơ sở, giám đốc hay quản lý doanh nghiệp cãi là chúng tôi đưa máy ra, dí cái đầu sensor (cảm ứng) xuống, bao nhiêu chỉ số nó hiện lên cả, có mà cãi đằng trời. Nó cũng giống như việc trang bị camera cho Cảnh sát giao thông ấy, hiệu quả hơn nhiều. Bây giờ, chưa có những cái đó, anh em vẫn làm được, nhưng mất nhiều công sức lắm, lãng phí…

Việt Anh
.
.
.