Quốc hội thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam:

Đảm bảo chặt chẽ trong quản lý và thông thoáng về thủ tục

Thứ Hai, 16/06/2014, 22:40
Chiều 16/6, với số phiếu tán thành rất cao, 430/432 đại biểu đã bấm nút thông qua Dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự thảo luật lần này được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, vừa tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục cho người nước ngoài, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước một cách chặt chẽ và khoa học hơn, quán triệt và thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác đối ngoại, về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Bổ sung quy định mới về xuất cảnh,  nhập cảnh

Trước đó, thảo luận tại hội trường vào ngày 16/6, các vị đại biểu đã cơ bản tán thành với nội dung báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và nội dung dự thảo luật. Đây là kết quả của việc hệ thống hóa các văn bản hiện hành, kế thừa những ưu điểm, đồng thời tổng kết qua thực tiễn quản lý nhiều năm qua của lực lượng chức năng.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Đ.Trường.

Về sự cần thiết phải ra đời luật, trước đó, tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội đã nhấn mạnh việc ban hành luật là nhu cầu tất yếu và bức thiết để giải quyết những khúc mắc, tồn tại. Mặc dù chúng ta đã có nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực này, nhưng qua thực tiễn quản lý cho thấy có một số quy định tại các luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất.

Cụ thể: Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động, trong đó có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu.

Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, không thống nhất với Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư tối đa là 5 năm. Ngoài ra, pháp luật quy định người nước ngoài khai báo tạm trú tại cơ sở lưu trú, nhưng chưa quy định trách nhiệm của các cơ sở lưu trú trong việc chuyển thông tin tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, các cơ quan chức năng chưa nắm được đầy đủ, kịp thời thông tin tạm trú của người nước ngoài.

Thực tiễn hiện nay có một số lượng lớn người nước ngoài đã ở Việt Nam từ trước năm 2000 nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch; Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo theo hướng giải quyết cho họ nhập quốc tịch Việt Nam; số chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì giải quyết cho thường trú để quản lý. Tuy nhiên, tại Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa quy định những người này thuộc diện được xét cho thường trú. Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời, bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, bảo lãnh, dẫn đến tình trạng làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh nhưng không quản lý, khi phát sinh vấn đề phức tạp như người nước ngoài vi phạm pháp luật, tai nạn, chết... thì thoái thác trách nhiệm.

Do đó, việc luật được thông qua sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Luật cũng đã quán triệt và thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác đối ngoại, về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, chỉnh lý, bổ sung một số điều khoản như: Về giá trị sử dụng, hình thức của thị thực và thời hạn thị thực, đã bổ sung quy định về thời hạn thị thực của người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam; bổ sung quy định trường hợp được miễn thị thực là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Dự thảo luật được thông qua cũng đã bỏ quy định “Trường hợp cần giữ bí mật trong điều tra vụ án hình sự hoặc vì lý do quốc phòng, an ninh, quyết định tạm hoãn xuất cảnh không gửi cho người tạm hoãn xuất cảnh” để phù hợp nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch.

Ngoài 8 chương, 46 điều như trong dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến, dự thảo Luật được Quốc hội thông qua đã bổ sung chương Quá cảnh gồm 4 điều: điều kiện quá cảnh, khu vực quá cảnh, quá cảnh đường hàng không, quá cảnh đường biển. Bổ sung một số điều về đơn phương miễn thị thực; cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; buộc xuất cảnh; cơ sở lưu trú; tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới; thủ tục cấp thẻ tạm trú; giải quyết cho thường trú đối với người không quốc tịch; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Luật Bảo hiểm xã hội: Lo lắng thất thu quỹ bảo hiểm

Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội - một đạo luật được coi là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, có ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp nhân dân, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho những ý kiến khác nhau xung quanh việc tăng hay không tăng tuổi hưu, việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, tình trạng nợ đọng bảo hiểm tràn lan của các DN và việc có nên mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hay không.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng BHXH hiện nay diện bao phủ còn thấp, mới có 20% lực lượng lao động tham gia. Hiện nay, việc quản lý sử dụng quỹ cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được quyền lợi của người lao động. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu tỏ ý không đồng tình với ý kiến mỗi năm tăng vài tháng tuổi hưu, cho đến khi nam đạt 62 tuổi và nữ đạt 60 tuổi để tránh vỡ quỹ bảo hiểm.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng làm như vậy là “hạ sách”, do hiện nay chúng ta còn rất nhiều lao động thất nghiệp, kể cả những sinh viên được đào tạo bài bản. Việc tăng tuổi sẽ gia tăng sức ép lên việc giải quyết việc làm. Đại biểu Nguyễn Quang Cường (TP Hải Phòng) thì cho rằng, Bộ luật Lao động cũng do một cơ quan soạn thảo, nhưng Luật BHXH lại quy định nâng tuổi hưu là “luật sau đè lên luật trước, luật con không phù hợp với luật mẹ”. Đại biểu Lê Thành Nhơn (Bình Dương) kiến nghị nên xem xét dừng việc tăng tuổi hưu vì lý lẽ của ban soạn thảo chưa thuyết phục.

Cụ thể hóa yêu cầu đổi mới các chức năng của Quốc hội

Chiều 16/6, các đại biểu cũng đã thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Quốc hội, một đạo luật rất quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tức là nâng cao quyền lực của người dân trong việc định hướng, giám sát các hoạt động của đất nước. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của các đại biểu:

Đại biểu Trần Du Lịch  (TP Hồ Chí Minh): Cử tri mới là người ra lệnh cho đại biểu, chứ không phải cấp trên

Quốc hội có mấy nhiệm vụ quan trọng. Đầu tiên là nhiệm vụ lập hiến, lập pháp. Thứ 2 là quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng chủ yếu đầu tiên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất như: tăng thuế hay không tăng thuế, đặt ra thuế gì, tức là tạo nguồn thu. Thứ 3 mới bàn tới giám sát. Trong các nhiệm vụ đó, muốn đổi mới hoạt động Quốc hội, phải làm cho được là chủ động trong vấn đề lập pháp và trong dự toán ngân sách. Nếu không làm được hai điều này, có tăng bao nhiêu quyền lực cho Quốc hội cũng là vô nghĩa. Cần tránh tình trạng chương trình xây dựng pháp luật chủ yếu do Chính phủ làm, có cái gì thì làm cái đó. Tôi đề nghị nâng vai trò của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan tham mưu tổng hợp nhất của Quốc hội để làm 2 việc: Một là chủ động trong việc xây dựng pháp luật từng năm và nhiệm kỳ. Thứ 2 là chịu trách nhiệm rà soát để xây dựng pháp luật mang tính hệ thống, tránh sự chồng chéo. Chúng ta thiếu tính hệ thống là rối loạn.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Làm rõ hơn khái niệm cơ quan đại diện đại biểu cao nhất

Việc cụ thể hóa yêu cầu về nhà nước của dân, do dân, vì dân và thể hiện quyền lực của nhân dân trong tổ chức Quốc hội, tôi xin nêu 3 ý sau: Thứ nhất, phải làm rõ hơn khái niệm cơ quan đại diện đại biểu cao nhất của dân. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của dân thì anh là đại biểu của tôi, tôi nghĩ đơn thuần có 3 ý: Một, anh phải tuân theo ý chí của tôi. Hai, anh phải thường xuyên gặp tôi. Ba, tôi thấy anh không phù hợp với vai trò đại diện của tôi nữa thì tôi phải thay, tôi phải để người khác làm. Cho nên theo tôi, khái niệm về cơ quan đại biểu cao nhất của dân đối với Quốc hội cần phải được tiếp tục nghiên cứu làm rõ và quy định cụ thể trong luật.

Vũ Hân - Kim Quý
.
.
.