Đại hội Hội Nhà báo VN bàn chuyện bảo vệ nhà báo
Trong báo cáo của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt
Sau khi các vụ việc xảy ra, Ban Kiểm tra các cấp hội đã nhanh chóng vào cuộc tích cực và nhiều vụ việc đã được xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc chưa giải quyết được một cách dứt điểm. Điều dễ nhận thấy là tuyệt đại đa số các vụ hành hung phóng viên đều xảy ra đối với phóng viên được tòa soạn phân công viết bài điều tra chống tiêu cực trong khi đang tác nghiệp tại hiện trường hoặc sau khi việc tác nghiệp đã kết thúc, nhưng bị các đối tượng xấu phát hiện, thuê côn đồ trả thù...
Theo đánh giá của Ban Kiểm tra thì trong một số vụ tác nghiệp có một phần lỗi thuộc về tác phong của nhà báo khi tác nghiệp, như không mang thẻ nhà báo; không xuất trình đầy đủ giấy tờ cần thiết khác theo quy định; khi tác nghiệp thiếu bình tĩnh, thiếu kiềm chế, không tuân thủ các quy định của cơ quan, đơn vị nơi tác nghiệp, gây nên bức xúc và hành vi xô xát không đáng có.
Một nguyên nhân nữa cũng phải đề cập là có một số nhà báo, hội viên lạm dụng quyền lực của nhà báo, nên khi tác nghiệp đã vượt quá thẩm quyền mà Luật Báo chí quy định. Không ít hội viên nhà báo năng lực tác nghiệp còn non, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp vụ, xử lý tình huống không chuẩn xác, khiến tình hình thêm phức tạp…
Theo Ban Kiểm tra Hội Nhà báo thì để hạn chế tới mức thấp nhất việc nhà báo bị cản trở hoặc bị hành hung khi đang tác nghiệp, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý nghiêm minh, áp dụng các chế tài nghiêm khắc xử lý những kẻ hành hung nhà báo, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung vào Luật các đối tượng thi hành công vụ bao gồm cả các nhà báo đang tác nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực điều tra chống tham nhũng, tiêu cực. Cơ quan báo chí khi cử nhà báo tham gia hoạt động chống tiêu cực phải xây dựng phương án cụ thể, theo dõi sát sao để có biện pháp can thiệp kịp thời, không để nhà báo đơn độc khi tác nghiệp.
Đối với các vụ cản trở, đe dọa hành hung nhà báo chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cần phải xem xét áp dụng các văn bản pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí để xử lý kịp thời và công khai kết quả trước công luận. Đồng thời cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí để mọi người hiểu rõ hoạt động báo chí, quyền và phạm vi tác nghiệp của nhà báo, phát huy vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ các nhà báo.
Trao đổi với phóng viên bên lề Đại hội, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Dững - Phó Trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Thời gian tới, công tác đào tạo, trang bị cho sinh viên báo chí những kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này sẽ được nâng cao. Tôi cho rằng cần phải xác định rõ phóng viên đang tác nghiệp đồng thời là đang thi hành công vụ. Những hành vi đe dọa, hành hung nhà báo là hành vi chống người thi hành công vụ. Vấn đề là do các cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta chưa xử lý nghiêm, chưa kịp thời. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp phóng viên cần rút kinh nghiệm, tránh sơ suất trong quá trình tác nghiệp. Đúng ra đi tác nghiệp trong những vụ việc nóng cần phải có nhiều phương án đề phòng. Tuy nhiên do anh em phóng viên tác nghiệp chưa khéo, bị lộ nên hậu quả xảy ra rất đáng tiếc. |