Đại biểu Quốc hội phải có tư duy phản biện

Thứ Hai, 08/09/2014, 17:49
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 8/9, nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu phải có tư duy phản biện, chính kiến độc lập.

UBTV Quốc hội tổ chức phiên họp đại biểu chuyên trách nhằm cho ý kiến các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kỳ họp Quốc hội tới đây, số lượng luật thông qua rất lớn, với 17 luật, nghị quyết, đồng thời thảo luận cho ý kiến 12 luật, chưa kể những nội dung khác. Vì vậy, hội nghị chuyên trách lần này sẽ thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật trong số các luật sẽ được thông qua trong kỳ họp tới (Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)).

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Luật Tổ chức Quốc hội là luật đầu tiên sau sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua để làm nền cho các luật khác. Trình luật ra Quốc hội với tinh thần bảo đảm Hiến pháp, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, bảo đảm khả thi trong cuộc sống. Xem xét luật với tinh thần bảo đảm chất lượng cao nhất, luật nào chất lượng thì được Quốc hội thông qua, không vì tiến độ đã đặt ra mà phải thông qua...

Cho ý kiến Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu đề nghị tỷ lệ hoạt động chuyên trách là 35% - 40%. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Đương, không phải là số lượng bao nhiêu, mà phải là tiêu chuẩn về chất lượng. Chất lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách phải được quy định rõ ràng, ông đề nghị ít nhất phải là chuyên viên cao cấp, có 15 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực mà đại biểu tham gia, có năng lực giám sát, lập pháp. Theo ông, thực tế hiện nay, 3/4 thời gian ĐBQH giống như công chức, vì thế không có thời gian tiếp xúc cử tri, đại diện cho cử tri. Chỉ cần 35% ĐBQH chuyên trách để bảo đảm tính đại diện của Quốc hội, nhưng phải bảo đảm tinh, không cần nhiều. Theo đó, phải quy định ĐBQH chuyên trách dành 1/3 làm việc thời gian tiếp công dân, tiếp xúc cử tri. Chế độ đối với ĐBQH chuyên trách cũng phải được phân rõ, không cào bằng, để có động lực phấn đấu... Còn theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách tối thiểu phải 40%. Đồng thời phân bổ ĐBQH chuyên trách ở cơ quan hành pháp phải ít hơn ở cơ quan lập pháp, tư pháp vì làm luật mà ở hành pháp nhiều sẽ không khách quan. Đồng thời bảo đảm ĐBQH chuyên trách không kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn, phải dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động ở Quốc hội. Trong khi đó, đại biểu Lê Nam đề xuất cần tăng thêm ĐBQH chuyên trách lên tới 50% để bảo đảm chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh:TTXVN .

Việc đại biểu kiêm nhiệm vẫn khiến hoạt động lập pháp bị ảnh hưởng quá nhiều. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị quy định ĐBQH chuyên trách phải dành từ 1/4 đến 1/3 thời gian để tiếp xúc cử tri, để ĐBQH gần dân hơn, tránh hành chính hóa trong hoạt động Quốc hội. Đặc biệt, đã là ĐBQH phải có những tố chất đặc trưng. Ông Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ĐBQH là nhân vật trung tâm của Quốc hội. Dù tiêu chuẩn ĐBQH ghi trong luật giống hệt tiêu chuẩn của các cán bộ công chức khác nhưng đặc thù của ĐBQH phải là những người rất tận tụy, gắn với tâm tư nguyện vọng của cử tri, thực sự có tư duy phản biện, độc lập, vô tư, không bị tác động bởi bên ngoài, không bị tác động của lợi ích nhóm, có năng lực nhất định về lập pháp, giám sát. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, tiêu chuẩn ĐBQH phải ưu tiên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, phải có bản lĩnh. Ông Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) lo ngại khi hiện nay đang bị tình trạng cán bộ, công chức hóa tiêu chuẩn ĐBQH. “Đừng làm ĐBQH cho oai, làm phải có trách nhiệm, chứ cứ kêu bận, không có thời gian tiếp dân là không được” - ông Lịch nói.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội

Đ.Minh
.
.
.