Đại biểu Quốc hội hiến kế phòng ngừa tội phạm

Thứ Tư, 30/10/2013, 09:37
Thảo luận báo cáo của các cơ quan tư pháp chiều 29/10, đại biểu Quốc hội một mặt chỉ rõ ưu, khuyết điểm, những lĩnh vực còn tồn tại, bức xúc, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật...

Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tư pháp

Các đại biểu biểu lộ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ, cũng như đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Việc phát hiện và xử lý tội phạm tăng cả về số vụ và số bị can, tốc độ xử lý các vụ án cũng nhanh hơn. “Đây là sự nỗ lực rất nhiều của các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Đại biểu Quyền cho rằng việc Quốc hội ra Nghị quyết 37 về công tác tư pháp và công tác phòng chống tội phạm với các chỉ tiêu rất cụ thể, có tác dụng rất lớn, gia tăng áp lực cho các cơ quan thực thi. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực cố gắng của các ngành các cấp trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng nhận định công tác phòng chống tội phạm đã có rất nhiều chuyển biến, điều này là rất rõ.

“Đầu năm vừa rồi nổi lên tình hình tội phạm băng nhóm, các đối tượng cướp giật mạnh động, nhất là TP Hồ Chí Minh. Sau đó Chính phủ đã chỉ đạo rất nghiêm. Báo cáo đánh giá tình hình tội phạm đã được kiềm chế tôi cho là chính xác. Báo cáo của Chính phủ cũng đã đánh giá rất cụ thể, xác đáng về tình hình tội phạm, nguyên nhân... Về tội phạm tham nhũng, đã có những yên tâm phần nào trước sự tấn công mạnh mẽ của các cơ quan tư pháp. Những vụ án gây bức xúc dư luận đã được đưa ra xem xét và xử lý, đem lại sự tin tưởng cho nhân dân vào pháp luật”.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng nhất trí cho rằng: Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng đã được các bộ ngành và địa phương rất nỗ lực thực hiện và đạt được kết quả trong điều kiện các yếu tố khách quan hết sức khó khăn như kinh tế suy thoái, thiếu việc làm, suy thoái đạo đức lối sống... tác động xấu tới tình hình tội phạm.

Để đạt được kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt bằng các chương trình quốc gia đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, được sự đồng tình của nhân dân.

Hiệu lực quản lý Nhà nước đã được tăng cường, bịt kín những sơ hở mà tội phạm có thể lợi dụng. Hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chuyên trách, tư pháp và thanh tra đã được nâng cao rõ rệt. Hiệu quả là đã kiềm chế được tội phạm, không để các loại tội phạm lộng hành, xử lý khá tốt tình hình băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng, chất nổ…

Việc chấp hành pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân đã được tăng cường. Chất lượng đội ngũ cán bộ đã được cải tiến một bước trong tiến trình cải cách tư pháp. Kết quả này góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.

Xảy ra việc gì phải rõ địa chỉ trách nhiệm

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan đó, các đại biểu đặc biệt tỏ ra quan ngại về tình hình tội phạm vẫn gia tăng với tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Năm nay báo cáo của Chính phủ cho biết tính chất nghiêm trọng của các vụ vi phạm tăng hơn, đây là vấn đề mà chúng ta phải hết sức nghiêm túc đánh giá. Muốn không gia tăng tội phạm, rất nhiều người nói là phải xử thật nặng vào. Tôi rất đồng tình là phải xử lý nghiêm, nhưng chỉ thế thôi chưa đủ. Việc xử lý không phải là cứu cánh cho việc không phát sinh tội phạm, mà phải là các biện pháp tổng hợp” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền phát biểu.

Ông lấy ví dụ tội phạm ma túy, chúng ta đã đưa khung hình phạt lên mức cực điểm, có những vụ tuyên từ 7 đến 9 người tử hình, nhưng kết quả là ma túy vẫn phát triển. Nên nếu không có các biện pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thì không đủ. Đó là trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

“Vụ việc Thẩm mỹ Cát Tường, tôi không hiểu tại sao chúng ta lại khó trong việc xác định trách nhiệm? Trong từng ấy năm, các cơ quan đại chúng đã đăng rất nhiều trường hợp vi phạm, hoạt động không phép... Vậy trong thời gian đó Sở Y tế đã làm gì? Không phải xảy ra vụ này thì anh tổng rà soát, không phải làm theo phong trào. Tôi đề nghị quy trách nhiệm cụ thể. Nếu Giám đốc Sở đã thường xuyên chỉ đạo thanh tra kiểm tra bằng văn bản rồi, thì thực hiện thế nào? Không phát hiện ra thì do năng lực yếu kém, hai là bảo kê ăn tiền? Cái đó cần phải làm rõ”.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: Vi phạm pháp luật còn nhiều có lý do quản lý Nhà nước chưa nghiêm. Quản lý Nhà nước phải chặt chẽ ở mức khi xảy ra vụ việc gì phải có địa chỉ có trách nhiệm luôn. Không phải trách nhiệm chung chung, ai cũng ngồi yên vị.

Một điểm đáng báo động nữa được các đại biểu chỉ ra là tội phạm đang trẻ hóa,  có những đối tượng 14 – 16 tuổi đã phạm tội giết người. Thống kê cho thấy 36 – 37% tội phạm là vị thành niên. Ngoài ra, việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ vẫn còn nhiều sơ hở.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ rõ vật liệu nổ chủ yếu là dạng thuốc nổ công nghiệp được sử dụng để phá đá ở các công trình khai thác đá. Công tác quản lý lĩnh vực này, khi điều tra ra đều phát hiện sơ hở, để công nhân khoan đá lấy bớt thuốc nổ bán ra ngoài. Đại biểu Chung đề nghị cần có chế tài xử lý nặng hơn với những người quản lý không tốt để thất thoát vật liệu nổ.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị cần xử lý trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan để cán bộ vi phạm pháp luật, kể cả vi phạm hành chính, phạm tội và tham nhũng… Cùng với đó, đại biểu Chung cũng đề xuất các tội danh bị xử lý hình sự cần được bổ sung thường kỳ trong các kỳ họp Quốc hội bởi hiện nay phát sinh rất nhiều hành vi phạm tội mới nhưng không được bổ sung.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe báo cáo về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Dự thảo lần này dự kiến sửa đổi, bổ sung 32 điều, bổ sung mới 11 điều, bãi bỏ 1 điều, tập trung vào việc sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, sửa đổi một số nội dung về quản lý nhà nước, bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, bổ sung một số quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng và một số nội dung cụ thể khác.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an: Giữa thời bình, chúng ta vẫn phải đổ máu để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân

Đại biểu Đặng Văn Hiếu.

Thảo luận tại tổ, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2013, có được Nghị quyết 37 của Quốc hội, các ngành tư pháp có quyết tâm rất cao. Có thể nói, đối chiếu với các mục tiêu yêu cầu đề ra trong Nghị quyết về cơ bản là đạt được. Cũng có những chỉ tiêu đạt tương đối cao. Ví dụ về phòng chống tội phạm, lực lượng Công an đã liên tục mở các đợt đấu tranh trấn áp.

Từ đầu năm đến nay đã phát động 17, 18 đợt tập trung đấu tranh truy quét tội phạm. Trong năm vừa qua đấu tranh chống tội phạm đạt những kết quả rất khá, có tiến bộ hơn so với những năm trước. Tội phạm hình sự tuy số liệu chung có tăng, nhưng tỷ lệ điều tra khám phá rất cao, đạt đến 76%. Chưa năm nào chúng ta đạt cao như năm nay trong nhiều năm trở lại đây...

Thứ trưởng khẳng định, các vụ án tồn đọng từ những năm trước đã được tập trung điều tra khám phá dứt điểm. Một số vụ về kinh tế, tham nhũng lớn đều được tập trung điều tra, có vụ đã đưa ra xét xử, có vụ đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát chuẩn bị đưa ra xét xử. Đặc biệt là các vụ dư luận rất chú ý như Vinalines, Vinashin, Nguyễn Đức Kiên. Đạt được kết quả này đầu tiên là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành...

Thứ 2 là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được quan tâm phát triển. Thứ 3 là các cơ quan chức năng của Công an, Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp đã quyết tâm, phối hợp chặt chẽ hơn. Lực lượng Công an đã huy động tối đa phương tiện, lực lượng để phòng chống tội phạm, có trọng tâm, trọng điểm.

Từ đầu năm đến nay, riêng ngành Công an đã có 6 đồng chí hi sinh, 114 đồng chí bị thương trong khi thi hành công vụ. Giữa thời bình chúng ta vẫn phải đổ máu để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu thừa nhận, trong các cơ quan tố tụng còn có những vi phạm, tiêu cực.

“Tôi vẫn nói với anh em, tội phạm không hoạt động trên trời, không hoạt động ở dưới biển mà hoạt động trên địa bàn của các đồng chí. Vậy tại sao không phát hiện được? Ví dụ như vụ đánh bạc tại Bắc Ninh, hơn 100 người tham gia cờ bạc như thế, 2, 3 năm trời không phát hiện được, cuối cùng phải đưa lực lượng của Bộ về giải quyết, phát hiện có dính dáng cán bộ vi phạm, biết mà không xử lý. Quan điểm của Bộ Công an là với các vụ như thế, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm là xử lý rất nghiêm minh, dù đồng chí đó công tác ở vị trí nào. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, xử lý đến nơi đến chốn, không bao che cho ai cả”- Thứ trưởng chỉ rõ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội: Quyết tìm thi thể nạn nhân vụ thẩm mỹ viện Cát Tường

Đại biểu Nguyễn Đức Chung.

Bên lề buổi thảo luận tổ chiều 29/10, trao đổi với PV liên quan đến việc điều tra vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết: Hiện Công an Hà Nội đang tập trung hết mức vào việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, bằng mọi cách tìm thấy thi thể trước”.

Về xử lý vụ việc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm việc, và tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý. Trả lời câu hỏi về việc lực lượng Công an sẽ xử lý thế nào trong trường hợp xấu nhất là không tìm được thi thể, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung một lần nữa khẳng định quyết tâm sẽ tìm cho bằng được và cho biết từ trước tới nay chưa có trường hợp nào tương tự mà không tìm được thi thể.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Giám sát tại nhiều địa phương, thấy các anh em Công an rất gian khổ

Có được kết quả thế này, chúng tôi ghi nhận rất lớn sự nỗ lực của lực lượng Công an.

Trong điều kiện đời sống khó khăn thế này, vi phạm pháp luật thế này mà các đồng chí giữ được ổn định an ninh trật tự như vậy là một nỗ lực rất lớn của ngành. Tôi có đi giám sát tại nhiều địa phương, thấy các anh em rất gian khổ, đặc biệt là anh em làm công tác điều tra. Chúng tôi ghi nhận sự gian khổ của các đồng chí. Ngành Công an đã căng mình ra phòng chống tội phạm.

Từ tình hình tội phạm, đây là vấn đề lớn mà Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải xem xét. Rõ ràng phải tăng cường trách nhiệm trong công tác phòng chống, đặc biệt là phòng ngừa tội phạm. Chúng ta vẫn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đấy, nhưng có nâng cao nhận thức được chưa? Cần phải có đánh giá.

Xử lý vi phạm pháp luật về giao thông cũng chưa nghiêm. Tại sao chưa nghiêm thì có rất nhiều câu hỏi tại sao? Phải rà soát lại tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật, đặc biệt trong quản lý Nhà nước.

Chúng tôi cũng ghi nhận việc các ngành tư pháp đã tăng cường xử lý cán bộ, chiến sĩ sai phạm. Điều này đáng ghi nhận bởi nhân dân kêu ca mà không phát hiện và xử lý được là chúng ta có lỗi với nhân dân.

Vũ Hân - Kim Quý
.
.
.