Đại biểu Quốc hội đề nghị sửa dự thảo Luật Tiếp công dân

Thứ Sáu, 31/05/2013, 23:07
Trong buổi chiều 31/5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Tiếp công dân.

Về dự thảo này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật ngày 25/5 cũng đã đưa ra rất nhiều điểm chưa phù hợp, cho rằng “nhìn chung các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần làm cho công tác tiếp công dân bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức”. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tán thành với nhận định này và yêu cầu soạn thảo lại trước khi trình ra Quốc hội.                       

Nhất trí rằng cần phải có một văn bản có tính pháp lý cao về tiếp dân, tuy dự thảo luật này vấp phải sự thiếu đồng tình của rất nhiều đại biểu với các lý do làm còn vội vã, thiếu thống nhất, lộn xộn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng: Khâu chuẩn bị cho dự thảo này còn lúng túng, trước hết là về tên gọi: “Tôi đề nghị đặt tên là Luật Tiếp dân. Bởi lẽ chúng ta không chỉ tiếp công dân, mà kể cả người nước ngoài có những thắc mắc, khiếu nại tìm đến, cũng phải được tiếp bình đẳng như công dân Việt Nam”.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng của luật là xác định đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh, dự thảo cũng nêu không rõ. Chủ thể tiếp công dân là ai? Như trong dự thảo nêu là quá rộng, từ cơ quan nhà nước cho đến tổ chức xã hội nghề nghiệp... Tôi cho rằng có 2 chủ thể liên quan trực tiếp đến việc tiếp dân là các cơ quan tiếp để giải quyết, xử lý thắc mắc của nhân dân, chủ yếu liên quan đến quyết định của cơ quan hành chính nhà nước; và thứ 2 là cơ quan có chức năng giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Trách nhiệm của người đứng đầu cũng chưa rõ. Rồi đến khái niệm trụ sở tiếp dân cũng nhập nhằng. Trụ sở tiếp công dân và nơi tiếp công dân, là địa điểm, là cái phòng để dân đến, nhưng dự thảo lại quan niệm nó là một cơ quan, có pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng... Cái này phải tính lại”…

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cũng cho rằng cần thiết phải ban hành luật và nên đổi thành Luật Tiếp dân; tuy nhiên dự thảo này gợi lên rất có nhiều băn khoăn.

“Tôi cho rằng kết luận của Ủy ban Pháp luật về việc dự thảo “khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần làm cho công tác tiếp công dân bảo đảm hiệu quả tránh hình thức” là hoàn toàn đúng, bao trùm toàn bộ dự thảo. Trụ sở tiếp dân là 1 địa điểm, dự thảo cho rằng là 1 cơ quan là không hợp lý. Tuyến trung ương, tỉnh, huyện có trụ sở, nhưng đến tuyến xã lại không có trụ sở tiếp dân, chỉ có nơi tiếp dân. Rồi chính quyền thì có trụ sở tiếp công dân, còn bộ, ngành, sở chỉ có nơi tiếp công dân… Khái niệm bị lẫn lộn. Tôi không đồng tình. Dự thảo cũng thiếu sự cân đối, đồng bộ, không liền mạch, điều này không liên kết và còn vênh với điều kia.

Đại biểu Thào Xuân Sùng (Sơn La) cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh trong dự án Luật chưa rõ ràng và quá rộng và nên sửa tên thành “Luật Tiếp dân”.

Sau buổi thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần thiết phải soạn thảo lại dự thảo bởi nó có quá nhiều khiếm khuyết.

“Dự thảo này không thể đưa ra trình Quốc hội được. Đối tượng điều chỉnh mở quá rộng. Nhận thức làm dự án luật  lủng củng. Trụ sở chẳng qua là địa điểm để các cơ quan có trách nhiệm tiếp dân cử người đến đấy làm nhiệm vụ thì lại bảo là có tư cách pháp nhân, lại có quyền đôn đốc, giao trách nhiệm cho các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh. Vậy người đứng đầu trụ sở tiếp dân là hàm gì? Hầu hết các vị đại biểu đều đồng ý là cần phải có văn bản có tính pháp lý cao về tiếp dân, nhưng ko phải bố cục như thế này. Cần phải soạn thảo lại dự thảo” – ông Chu Sơn Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, người chủ trì phiên thảo luận kết luận.

Phải xây dựng tiêu chí hòa giải viên

Trong buổi sáng 31/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn quan điểm khác nhau của Luật Hòa giải cơ sở. 27 vị đại biểu đã phát biểu ý kiến tại hội trường, trong đó nhất trí thông qua dự luật này. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu còn băn khoăn về phạm vi hòa giải ở cơ sở, và dành nhiều thời gian để thảo luận.

“Qua nhiều lần chỉnh lý, đến nay các vị đại biểu cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gặp nhau ở một việc, đó là cơ bản thống nhất với phương án như dự thảo đã trình nhưng viết rõ hơn và đảm bảo được tính chính xác của từ ngữ” – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, người chủ trì phiên thảo luận phát biểu.

Vấn đề thứ hai, về phương án bầu hay lựa chọn hòa giải viên, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý cơ bản thống nhất với quan điểm là phải phát huy dân chủ ở cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng thời cũng tạo cơ hội để dân bày tỏ chính kiến bằng phương án bầu thì sẽ thuận hơn trong quá trình chúng ta quyết định hoà giải viên.

Vấn đề thứ ba, nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các quy định liên quan đến vai trò của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, đây là nội dung cần có sự phân định, đảm bảo tính rõ tương đối.

Vấn đề thứ 4 được các đại biểu quan tâm là kinh phí cho thực hiện hòa giải.

Vũ Hân – Kim Quý
.
.
.