Cuộc hội ngộ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam

Thứ Năm, 30/04/2009, 08:42
Ngày 28/4, tại hội trường Học viện An ninh nhân dân, hàng trăm cựu cán bộ Công an chi viện chiến trường B-C-K đã có cuộc hội ngộ thân tình. Những tấm Huân chương lấp lánh trên ngực áo, những bàn tay siết chặt và cả những giọt nước mắt cho những người đã hy sinh làm cho không khí dịp kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước càng trở nên có ý nghĩa.
>> Gặp gỡ cựu cán bộ Công an chi viện chiến trường B-C-K

Ký ức của nguyên Ủy viên Ban An ninh khu V

Trong không khí ấm áp của buổi gặp mặt, đồng chí Trần Đông nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã trò chuyện với các đồng chí cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng giọng nói của ông vẫn hào sảng. Ông đánh giá cao vai trò của những cán bộ Công an trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và đặt niềm tin ở thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Đồng chí Trần Đông, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trò chuyện với cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cũng trong buổi gặp mặt này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Chúc, nguyên Ủy viên Ban An ninh khu V. Nhắc lại những ngày chiến đấu tại chiến trường khu V, ký ức hào hùng lại hiện về. Năm 1968, cùng với 59 cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị nghiệp vụ khác trong Bộ Công an, ông lên đường Nam tiến. Với trọng trách là Thiếu tá, Đoàn trưởng, ông đã cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường khu V.

Nhiệm vụ của những người chiến sỹ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam rất quan trọng. Đó là trọng trách diệt ác ôn, phá kìm kẹp, giành dân, giữ đất… Đặt chân đến chiến trường miền Nam đúng thời điểm toàn quân, toàn dân dồn sức cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 nên ông càng ý thức hơn sứ mệnh mà mình và đồng đội được giao phó.

Để đấu tranh có hiệu quả với đế quốc Mỹ và bọn tay sai, các chiến sỹ An ninh khu V đã tạo lòng tin trong nhân dân, bám chặt trận địa an ninh. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, điều kiện ăn ở của các chiến sỹ an ninh vô cùng thiếu thốn. Ăn sắn, rong riềng thay cơm. Còn thức ăn là rau rừng. Mỗi chiến sỹ một tháng được "tiêu chuẩn" nửa lon muối.

Thiếu thốn là thế nhưng anh em kiên trì bám đất, bám dân. Khu V vốn là miền đất có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng triền miên nhưng cũng chính vùng đất này đã tôi luyện người chiến sỹ An ninh thêm vững tay súng. "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say", mỗi khi nhớ đến thời kỳ này, câu hát trên lại ngân lên trong ông.

Nhớ lại ký ức, ông Nguyễn Văn Chúc không thể không nhắc đến sự hy sinh của những người đồng đội tên Dần, Ngọ, Nhật. Những chiến sỹ An ninh này đã hy sinh khi lần đầu tiên được cử đi cõng gạo ở Dốc Voi, huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. "Tôi là người hạnh phúc, vì tôi được hưởng thái bình chứ không như một số đồng chí của mình", ông Nguyễn Văn Chúc bồi hồi.

Ông cho biết đầu năm 1969, địch càn quét mạnh. Một lần, ông cùng đồng đội đến cứ của đặc khu. Sau khi bàn thảo công việc cùng cán bộ ở cứ, các ông chìm vào giấc ngủ. Trời chưa sáng rõ, tiếng máy bay bỗng nhiên gầm rú trên bầu trời. Nhanh như chớp mắt, chúng thả bom ngay cao điểm các ông đang ẩn trú... Rồi lại có tiếng máy bay trực thăng gầm rú trên đầu. Trực thăng thả xe húc, thả quân, thả hàng xuống ồ ạt. Xe ủi san bằng công sự, quân địch lại vũ trang đến tận cằm với tay súng lăm lăm. 5 chiến sỹ Công an nằm kẹt dưới hầm. Ngày hôm sau, chúng lại cho trực thăng đến thả quân. Lại lùng sục, bắn phá.

Bằng sự nhạy bén, những người lính từng vào sinh ra tử vẫn cầm cự được. Kể cả khi quân địch rải khắp nơi nhưng các ông vẫn cùng tổ trinh sát vũ trang thoát về Xuyên Trà. Nhắc lại chuyện này để thấy, không bền gan không thể đấu tranh với quân địch được trang bị vũ trang tối ưu.

Niềm vui to lớn của chiến sỹ An ninh 7 năm liền đấu trong lòng địch là được đón ngày giải phóng. 34 năm trước, trong đoàn quân chiến thắng, ông được tham gia tiếp quản Đà Nẵng. Dư âm Ngày chiến thắng khải hoàn 30/4/1975 đến hôm nay vẫn âm vang trong tâm hồn ông, người cựu Ủy viên Ban An ninh khu V. Các ông đã sống và chiến đấu dưới sự tin yêu bao bọc của nhân dân, hoàn thành sứ mệnh được Đảng và ngành giao phó.

Chích máu viết đơn tình nguyện ra chiến trường

Trong số hàng trăm cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam, có những người con gái đã quyết hiến dâng đời mình cho Tổ quốc. Ngày hôm nay tề tựu, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Có một người phụ nữ bé nhỏ, dáng hình mảnh mai nhưng đôi mắt vẫn rực sáng khi nhớ về chiến trường khu V ngày ấy. Bà là Phạm Thị Thuý Mì, đã từng chích máu viết đơn tình nguyện để được vào chiến trường đánh giặc cứu nước, trả mối thù cho cha.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang trong thời kỳ ác liệt nhất thì cô Mì bước vào tuổi trưởng thành. Nghe tin bố, một chiến sĩ Công an vừa hy sinh tại chiến trường miền Nam (năm 1965), Mì uất nghẹn, quyết ra chiến trường tham gia đánh Mỹ để trả thù cho người cha thân yêu.

Mì là chị cả của 4 đứa em thơ dại, mẹ thì luôn đau yếu. Thương mẹ và các em vô cùng nhưng tiền tuyến đang sục sôi khí thế, cô tìm mọi cách để được ra đi. Cô đã chích tay lấy máu viết đơn tình nguyện và giả chữ ký của mẹ là đã đồng ý để cô được vào Nam chiến đấu trả thù cho cha, rồi gửi lên các chú Công an huyện Thanh Liêm. Mọi người còn đắn đo thì cô cứ nằng nặc tha thiết nên chẳng nỡ chối từ.

Trở thành chiến sĩ Công an, sau 1 năm đào tạo, cô được "tung" vào chiến trường liên khu V (Ban An ninh). Ngày ra đi, cô bé Mì gày nhẳng như… cây sậy, thế mà vẫn đeo gạch hành quân, đi bộ 3 tháng ròng mới vào tới Quảng Nam. Đường đi gian nan vất vả, nên Mì thường lên cơn sốt hầm hập dọc đường Trường Sơn. Mọi người trong đoàn thay nhau mang vác, người khỏe cõng người ốm.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Là lính cơ yếu bảo mật, làm việc giữa rừng để đảm bảo bí mật, ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa nơi làm việc ở sàn đất còn nơi ngủ là những chiếc võng, chiếc tăng. Có những khi bom đạn địch vây ráp phải di chuyển nơi làm việc, cõng những thùng tài liệu nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình, vậy mà cô gái mảnh mai như Mì vẫn cứ đi băng rừng xuyên núi...

Bà Mì còn nhớ, người đồng đội ngày ấy là anh Nguyễn Văn Linh (quê ở Quảng Ninh) trong đêm di chuyển địa điểm, cõng tài liệu qua suối nhưng anh đã bị nước cuốn trôi, chỉ còn lại chiếc áo rách tả tơi vướng cành cây mắc lại ven bờ suối. Nói tới đây chợt mắt bà nhoà lệ, thương người đồng chí lắm, từ khi vào cứ cho tới ngày hy sinh là tròn 2 tháng mà không có nổi hạt cơm nào vào bụng, chỉ toàn là sắn rừng thay bữa. Đói khát, gian khổ nhưng Mì không khóc, cô chỉ khóc khi bị mọi người "nghi oan" là cô đã "có bầu". Chả là, vì sốt rét nhiều quá, bị sa lá nách nên bụng Mì to nên mọi người cứ nghi.

Cả thời thanh xuân tuổi trẻ, Mì gắn bó với Ban An ninh khu V với bao gian khổ. Sau ngày đất nước giải phóng trở về Bắc, Mì đã có một gia đình hạnh phúc với người đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm cùng sống trong mưa rơi bão đạn ngày ấy. Gặp bà hôm nay, tóc đã bạc và di chứng để lại là những khối u, những cơn sốt rét rừng và bệnh tim, huyết áp…

Mỗi người lính năm xưa là một tình yêu tha thiết với non sông đất nước, họ trở về khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó và đất nước đã hoà bình, ngày càng thịnh vượng

Cao Hồng- Kim Quý
.
.
.