Còn nhiều vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính tại TAND

Thứ Ba, 07/10/2014, 08:50
Ngày 6/10, tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND và các cơ quan hữu quan của một số tỉnh, thành phía Nam về việc triển khai thực hiện các quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

Theo quy định tại Điều 106 Luật xử lý vi phạm hành chính thì kể từ ngày 1/1/2014, TAND có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc. Để tòa án thực hiện được thẩm quyền này, ngày 20/1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND...

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2014, các TAND cấp huyện đã thụ lý 153 hồ sơ, trong đó đã giải quyết được 121 hồ sơ, trong số này có 29 trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng, 39 trường hợp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và 33 trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương cho biết quá trình thực hiện Luật xử lý hành chính vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: việc đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hay cai nghiện là những biện pháp xử lý hành chính hạn chế một số quyền của công dân, do vậy các quy định của pháp luật về việc lập hồ sơ đề nghị tòa án xem xét được quy định chặt chẽ hơn, phải có đầy đủ ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan, đảm bảo đủ căn cứ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế… Trong nhiều trường hợp, qua xác minh, cơ quan chức năng thấy rằng có đủ điều kiện và cần thiết phải đưa đối tượng sử dụng ma túy vào cơ sở tập trung cai nghiện, tuy nhiên theo quy định pháp luật thì phải tiến hành các thủ tục đề nghị tòa án xem xét, ra quyết định. Trong giai đoạn này, vì không có chế tài ràng buộc nên có trường hợp đối tượng sử dụng ma túy đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình xử lý…

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp, đồng chí Trương Hòa Bình nhận định: biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp mang tính cưỡng chế nhà nước, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân đối với người bị áp dụng, do đó, việc lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được pháp luật quy định chặt chẽ hơn. Đây là quy định của pháp luật nên chúng ta phải thực hiện và để thực hiện có hiệu quả thì các cơ quan liên quan phải tích cực phối hợp với nhau. Về các vấn đề như thủ tục đưa các đối tượng sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quá nhiêu khê dẫn đến nhiều đối tượng bỏ trốn, TAND Tối cao ghi nhận và sẽ đề nghị Chính phủ quy định cụ thể hơn để bảo đảm thực hiện hiệu quả việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Về các vấn đề khác như đề nghị bổ sung thêm một số biểu mẫu, TAND Tối cao ghi nhận và sẽ sớm giải quyết để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ mới được giao

H.Anh
.
.
.