Còn nhiều lâm trường sử dụng đất kém hiệu quả

Thứ Năm, 27/08/2015, 15:19
Ngày 27/8, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn từ 2004-2014.

Chủ trì Phiên giải trình là đồng chí Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên giải trình.

Các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường xung quanh vấn đề rất nóng hiện nay, đó là quản lý, giám sát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.

Nhiều đại biểu cho rằng, lâu nay việc quản lý đất nông, lâm nghiệp bị buông lỏng, dẫn đến hàng loạt vi phạm, đặc biệt đất rừng cho nông, lâm trường thuê nhưng lại không nộp thuế cho nhà nước, gây thất thu ngân sách…

Nhiều đơn vị được giao đất nhưng sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hết trong khi có hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số sống gần các nông, lâm trường không có đất canh tác…

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về các nông, lâm trường quốc doanh. Tình trạng vi phạm luật pháp về sử dụng đất tại các nông, lâm trường, sau nhiều chủ trương chính sách của chúng ta về đổi mới, hiện nay hiệu quả sử dụng đất ở các nông, lâm trường đã chuyển biến nhiều.

Hầu hết đất đai được sử dụng hiệu quả, đặc biệt là các nông trường trồng cà phê, trồng chè. Tuy nhiên, qua rà soát còn nhiều lâm trường sử dụng đất đai hiệu quả kém, dẫn tới cho thuê, cho mượn. Các vi phạm đó UBND các cấp có biết, có xử lý, không có tình trạng có biết mà không xử lý. Tuy nhiên, chưa xử lý dứt điểm vì những tồn tại do quá trình lịch sử để lại.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) về biệt thự mọc trong đất rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “mọi vi phạm về quản lý đất đều bị xử lý nghiêm”.

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Cao Minh Quang giải thích: các tỉnh còn nợ rất nhiều về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Nguyên nhân chậm là do công tác rà soát, đo đạc tại các nông, lâm trường chậm. Do thực trạng quản lý phức tạp, tình trạng chồng lấn, hồ sơ giao đất không đầy đủ; buông lỏng, khoán trắng, chưa được chính quyền và cơ quan quản lý, chủ lâm, nông trường quan tâm chặt chẽ. Các nông, lâm trường còn ít kinh phí nên chưa đo đạc đầy đủ… Việc rà soát, điều tra, đo đạc đối với đất lâm trường hiện các địa phương còn khó khăn do thiếu kinh phí.

Năm 2013 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra toàn diện, phát hiện 27 doanh nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. Đặc biệt là Công ty cổ phần Việt Mông (Hà Nội) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên trong diện tích đất rừng, sai mục đích sử dụng đất; giao khoán đất của nông trường (từ thời gian công ty này còn là nông trường) không đúng với NĐ 01 của Chính phủ;  chậm trễ làm thủ tục thuê đất. Các vi phạm kéo dài từ thời nông trường đến khi cổ phần hóa. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, trách nhiệm kiểm tra, giám sát trước tiên là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau nữa trực tiếp là của UBND TP Hà Nội khi để xảy ra vi phạm tại Công ty cổ phần Việt Mông.

Trả lời về việc những nông trường, lâm trường được giao đất, giao rừng nhưng  hoạt động kém hiệu  thì xử lý như thế nào? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Một số nông, lâm trường hoạt động khó khăn, chậm đổi mới do quản lý diện tích đất đai rừng lớn. Nhiều nông, lâm trường hoạt động rất khó khăn, điển hình là Lâm trường Văn Chấn đất rừng ít, không có nguồn thu. Trong Nghị quyết 30 đã nêu rất rõ: nếu không có hiệu quả thì tùy theo vị trí xử lý, trong đó có giải pháp giải thể để giao cho các hộ dân sống xung quanh quản lý.

Trần Hằng
.
.
.